Australia quay cuồng trong biển lửa

Chủ Nhật, 12/01/2020, 07:21
Hơn 2.000 ngôi nhà đã bị thiêu rụi, trong đó có 1.588 ngôi nhà tại bang New South Wales, bang đông dân nhất Australia. Hơn 8 triệu hecta đất đã bị thiêu rụi tại 6 bang, lớn hơn cả diện tích của Bỉ và Đan Mạch cộng lại; ít nhất 25 người đã thiệt mạng, 1 tỷ động vật có thể đã chết trong các đám cháy rừng; 1/3 số gấu koala có thể đã chết do hỏa hoạn và 1/3 môi trường sống của chúng bị phá hủy.


Với các thành phố bị bao trùm trong khói như Canberra, Sydney và giờ là Melbourne, các bác sĩ đã cảnh báo về các nguy cơ bệnh hô hấp gia tăng, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ mang thai… đó là thống kê ban đầu về thiệt hại sau trong khi đó Hội đồng Bảo hiểm Australia ước tính hóa đơn thiệt hại sau 3 tháng xảy ra cháy rừng ở Australia. 

Lực lượng cứu hoả bất lực vì vụ cháy quá lớn.

Thảm họa kinh hoàng nhất 100 năm qua

Bầu không khí như ngày tận thế ngự trị ở Nowra, một thị trấn nhỏ cách Sydney khoảng 150km. Đường phố vắng tanh, chỉ có siêu thị là đông người. Những người quyết định ở lại bất chấp hỏa hoạn tranh thủ đi chợ để tích trữ nhu yếu phẩm, chủ yếu là mua nước. Nhiều người khác tập trung phía trên cao thành phố, bàng hoàng nhìn ngọn lửa tiến dần.

Một cột khói dày đặc, mầu vàng cam, bốc lên trên con sông Nowra và những ngọn đồi quanh đó. Quang cảnh đẹp thường thấy ở đây, hôm nay đượm vẻ địa ngục. Một số người đã phải khẩn cấp rời khỏi nhà, tạm lánh ở nhà người thân, hoặc lên đây, phía đồi cao của thành phố, nơi đã có vài người dựng lều tạm trú.

Báo chí Australia đã dùng những cụm từ "hỏa ngục khổng lồ", "bom nguyên tử" để mô tả về những trận cháy rừng khủng khiếp đang diễn ra và diễn biến xấu trên cả nước, đặc biệt là tại hai bang New South Wales và Victoria. Bầu trời tại nhiều khu vực chuyển sang màu đỏ cam vì khói bụi, cộng thêm sức nóng từ những đám cháy khiến cảnh tượng trông như ngày tận thế.

Để di tản người dân khỏi khu vực nguy hiểm, Hải quân Australia đã phải dùng tàu chiến để đón cư dân thành phố Mallacoota, bang Victoria. Theo Thủ tướng Auustralia, 1.000 ngàn người sẽ được di tản khỏi nơi này.

Việc hàng ngàn du khách, cư dân phải rời những khu vực bị hỏa hoạn, chủ yếu nằm dọc theo bờ biển phía Đông dài khoảng 300 km, đã gây ra cảnh kẹt xe nghiêm trọng trên các con đường dẫn về Sydney và Canberra.

Trả lời hãng tin AFP, người dân cho biết họ bị kẹt giữa những ngọn lửa cao cả 5 mét hai bên đường. Bị lửa bao vây, họ thiếu cả thức ăn và nước uống. Máy bay quân đội bắt đầu tiếp tế thức ăn, và vật dụng cần thiết cho những người chạy tránh hỏa hoạn.

Cháy rừng bắt đầu bùng phát ở Australia từ tháng 9-2019, đến ngày 7-1-2020 đã thiêu rụi hơn 8 triệu ha đất, trong đó chỉ riêng bang New South Wales mất 1,2 triệu ha.

Nếu so với đợt cháy rừng khủng khiếp hồi tháng 9 tàn phá rừng mưa Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, thì diện tích rừng bị cháy ở Australia nhiều hơn gấp 7 lần, trong khi con số này cũng cao gấp 3 lần so với diện tích rừng bị thiêu trụi trong đợt cháy rừng năm 2018 ở bang California của Mỹ.

Các đám cháy bùng phát trong điều kiện thời tiết khô nóng bởi một số vùng của các bang Queensland và New South Wales đã trải qua tình trạng hạn hán kéo dài 3 năm qua mà giới khoa học cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, Australia đã phải trải qua một mùa Xuân khô hạn nhất trong 120 năm qua. Trong báo cáo về khí hậu mùa Xuân, Cơ quan Khí tượng Australia cho biết, phần lớn các khu vực của Australia đều có lượng mưa thấp hơn trung bình hàng năm và đây là mùa Xuân khô hạn nhất trong lịch sử.

Mùa Xuân 2019 cũng là khoảng thời gian nóng nhất thứ năm trong lịch sử Australia với nhiệt độ cao nhất đạt mức 47,1 độ C, được ghi nhận vào giữa tháng 11 ở khu vực Tây Australia.

Khoảng 480 triệu động vật có vú cùng các loài chim và bò sát đã bị thiêu cháy trong các vụ cháy rừng trên khắp Australia.

Cháy rừng kéo dài nhiều tháng đã khiến hơn 10 triệu người trên khắp Australia đang phải hít thở bầu không khí độc hại do khói bụi ô nhiễm từ các đám cháy rừng bao trùm bầu trời.

Tại Thủ đô Canberra, các trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em, cửa hàng, bảo tàng và các địa điểm vui chơi, giải trí đều đóng cửa do chỉ số chất lượng không khí đo được đã vượt gấp 22 lần so với mức bị coi là nguy hại.

Theo Bộ Môi trường Australia, cháy rừng quy mô lớn đã phá hủy khoảng 30% môi trường sinh sống của loài Koala và một số loài sinh vật khác. Giới khoa học cho rằng có thể phải mất hàng thập niên mới khôi phục được hệ động vật hoang dã ở Australia.

Ngoài những thiệt hại về người, vật chất và hệ sinh thái, giới chức Australia đang rất lo ngại các vụ cháy rừng nghiêm trọng gần khu vực hồ chứa nước ngọt lớn nhất của thành phố Sydney có thể nhiễm vào nguồn nước quý này.

Không những thế, tro đen từ các đám cháy rừng đã khiến những bãi biển nước xanh trong ở Sydney trở nên loang lổ với những lớp bùn than đặc quánh, đe dọa làm ô nhiễm nguồn cung nước sinh hoạt của thành phố cảng. Các nhà sinh thái học còn cảnh báo, nếu tàn tro cháy rừng rơi xuống các bể chứa nước ngọt ở Sydney rồi tích tụ, có thể dẫn tới hiện tượng tảo độc nở hoa, khi hoa tảo bắt đầu quá trình phân hủy, chúng sẽ sử dụng hết lượng oxi và làm giảm môi trường oxi sinh tồn của cá, gây ra nguy cơ cá chết hàng loạt.

Cho tới thời điểm này, ngoài hàng nghìn nhân viên cứu hỏa tình nguyện vẫn đang vật lộn để dập tắt các đám cháy, lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ Australia đã phải điều 2.000 binh sĩ quân đội tham gia chữa cháy rừng. Từ ngày 5-1, có thêm hơn 3.000 quân nhân dự bị bắt đầu tham gia cứu hộ. Chiến dịch ngoạn mục nhất là di tản bằng trực thăng hàng trăm người bị lửa bao vây, cô lập trên một bãi biển.

Hội đồng Bảo hiểm Australia cho biết các công ty bảo hiểm ở nước này đã nhận được 6.000 yêu cầu bồi thường với tổng trị giá gần 431 triệu đôla Australia, tương đương 229 triệu USD. Theo một số ước tính, nền kinh tế Sydney thiệt hại tới 50 triệu USD mỗi ngày vì thành phố bị che phủ bởi khói bụi cháy rừng. Một báo cáo ước tính trận cháy vào ngày 4-1 gây thiệt hại 4,4 tỷ đôla Australia.

Hơn 2.000 ngôi nhà và nhiều tài sản của người dân đã bị lửa thiêu rụi.

Nhiều nước bị vạ lây

Cháy rừng không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của hơn 10 triệu người Australia mà đã bắt đầu ảnh hưởng tới các nước khác. Cơ quan khí tượng thời tiết ở các nước Nam Mỹ ngày 6-1 thông báo đám mây khói từ các đám cháy rừng ở Australia đã xuất hiện ở ở Chile và Argentina, khu vực cách Australia hơn 12.000 km.

Chuyên gia khí tượng học Chile Patricio Urra cho biết, vào buổi sáng sớm, có thể thấy được hiệu ứng màu đỏ trong ánh mặt trời. Hiệu ứng này được tạo thành do đám mây khói từ các đám cháy rừng ở Australia. Theo ông Urra, đám mây khói cao 6.000m so với mực nước biển và không lan xuống trái đất cũng như không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Chile.

Cơ quan khí tượng Argentina đã công bố các bức ảnh vệ tinh chụp đám mây khói và nói rằng các hệ thống khí tượng đã đưa đám mây khói di chuyển từ tây sang đông. Trước đó, các nhà khoa học thông báo, các đám cháy rừng dữ dội ở Australia đang sản sinh ra quá nhiều nhiệt lượng khiến chúng tạo nên những hiện tượng thời tiết riêng như bão kèm theo chớp hay các cơn cuồng phong.

Theo thông tin từ Cục Khí tượng Australia, các đám mây pyrocumulonimbus về cơ bản là cơn giông bão hình thành từ cột khói bốc lên do nhiệt độ cao. Không khí lúc đó sẽ di chuyển nhanh hơn. Khi các đám mây bay lên cao rồi nguội đi do nhiệt độ thấp của bầu khí quyển phía trên. Sự va chạm của các hạt băng ở phần cao hơn của đám mây tạo ra điện tích giải phóng dưới dạng sét.

Sau thảm họa cháy rừng Amazon, cháy rừng tại Úc đang thu hút sự chú ý tại nhiều nước. Một số quốc gia láng giềng Úc như New Zealand, Vanuatu và Papua New Guinea đã đề xuất sẵn sàng hỗ trợ nước này dập tắt các đám cháy rừng lớn ở các bang New South Wales và Victoria.

New Zealand đã cử 3 trực thăng chữa cháy cùng khoảng 150 lính cứu hỏa hỗ trợ Australia từ tháng 10-2019. Trong khi đó, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape khẳng định 1.000 binh sĩ và lính cứu hỏa Papua New Guinea sẽ sẵn sàng lên đường ngay khi Thủ tướng Úc Scott Morrison lên tiếng đề nghị.

Hiện, hàng loạt tổ chức đang quyên góp để hỗ trợ các nạn nhân và lực lượng cứu hỏa Australia. Nhiều người nổi tiếng cũng bày tỏ đồng cảm trước thảm họa mà Australia đang phải trải qua, trong đó nữ ca sĩ Mỹ Pink, minh tinh Nicole Kidman và ca sĩ Kylie Minogue đều cam kết ủng hộ 500.000 USD.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.