Ảo tưởng quyền lực mạng xã hội

Thứ Tư, 11/03/2020, 14:34
Vi phạm Luật Giao thông, có hành vi không đúng mực nhưng lại sử dụng điện thoại quay video để cố tình cản trở, có lời lẽ làm giảm uy tín của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Đó là hành vi thường thấy của một số đối tượng lợi dụng quyền giám sát của công dân để cố tình gây rối, nhất là với những kẻ có một chút sự nổi tiếng, bị ảnh hưởng bởi niềm tin về quyền lực trên mạng xã hội.


Sai chồng sai

Tối 5/3/2020, trong quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Y1/141 do Thiếu tá Ngô Duy Quang (Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) làm Tổ trưởng, đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực đường Giảng Võ giao cắt với Trần Huy Liệu thì phát hiện một nam thanh niên vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm.

Khi bị lực lượng chức năng dừng xe để tiến hành kiểm tra, đối tượng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ liên quan nào như giấy phép lái xe, đăng ký của phương tiện và bảo hiểm bắt buộc. Thấy bị lực lượng 141 lập biên bản, nam thanh niên này đã rút điện thoại ra quay phim, chụp ảnh ngay bên trong chốt 141, mặc dù hành vi quay phim phía trong vị trí căng dây của lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự là không được phép.

“Vua hài kịch” liên tục vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm.

Đáng nói, sau khi rút máy điện thoại ra quay phim, lời lẽ thái độ của đối tượng tỏ ra bất hợp tác, gây cản trở các chiến sĩ làm nhiệm vụ và có những lời lẽ gây mất uy tín của lực lượng Công an nhân dân.

Hành vi này của đối tượng khiến nhiều người dân có mặt tại nơi làm nhiệm vụ vô cùng bức xúc, nhiều người cũng ghi lại những hình ảnh “xấu xí” của thanh niên này ngay sau đó. Một số người cũng nhận ra, đối tượng này là nhân vật trong một vụ “bóc phốt” trên mạng xã hội, nổi tiếng thời gian qua là Lê Minh Hoàng hay được biết đến bởi danh hiệu tự xưng trên Facebook là “vua hài kịch”.

Hoàng là người đã từng gây sóng gió mạng xã hội khi quay video clip về việc gây khó dễ khi trả chìa khóa cho 2 cô gái tại hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào lúc 12 giờ đêm. Trong vụ việc này, Hoàng bị nhận nhiều “gạch đá” trước thái độ ngoan cố, thiếu tôn trọng người khác cả khi có mặt lực lượng chức năng.

Quay trở lại với hành vi bất hợp tác của Hoàng tại chốt 141, mặc dù được các cán bộ của tổ công tác giải thích yêu cầu hợp tác làm việc, đối tượng vẫn liên tục chất vấn các cán bộ với các chi tiết không liên quan đến việc xử phạt. Đối tượng nói các cán bộ CSGT làm việc “chưa đúng”, yêu cầu phải kéo cao khẩu trang khi nói chuyện hay yêu cầu các cán bộ đứng xa mình trong khi chính Hoàng lại là người không đeo khẩu trang và đi lòng vòng trong khu vực làm việc của tổ công tác

Việc xử lý hành vi của đôi  tượng này bị kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ do thái độ thiếu hợp tác, đưa ra những đòi hỏi phi lý nhằm né tránh việc cung cấp thông tin để lập biên bản tạm giữ phương tiện của Lê Minh Hoàng.

Ghi hình lực lượng làm nhiệm vụ là quyền công dân, nhưng phải thực hiện đúng luật.

Trả lời báo chí, Thiếu tá Ngô Duy Quang cho biết: "Chúng tôi đã bình tĩnh giải thích, giải đáp những câu hỏi của người vi phạm, song người này vẫn tiếp tục có hành vi và lời nói khiêu khích, ngoan cố, không chấp hành yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ. Chúng tôi đã lập biên bản tạm giữ phương tiện của anh ta".

Sau khi bị tổ công tác tạm giữ phương tiện, Hoàng đã gọi bạn tới đón và tiếp tục không đội mũ bảo hiểm khi lên xe. Ngay sau đó đoạn clip đối tượng quay lực lượng chức năng làm nhiệm vụ được đăng tải trên trang Facebook cá nhân với dòng trạng thái thể hiện sự “gương mẫu” của mình: “Anh có thể là mất một cái xe máy, ko là gì cả, chỉ mong mọi người giữa tâm dịch bệnh, hãy đeo khẩu trang bảo vệ chính mình và ngăn dịch bùng phát lây lan”.

Dường như sự ảo tưởng về quyền lực mạng xã hội đã khiến Hoàng quên đi hoặc cố tình lấp liếm những hành vi sai pháp luật của mình, không chỉ một lần trong cùng thời điểm. Không rõ việc đăng tải clip này cùng những clip trong sự việc khác có nhằm mục đích câu kéo sự chú ý, tăng lượng theo dõi hay không, nhưng dường như chiêu trò “phản ứng ngược” đã thành công khi các đoạn clip Hoàng đăng tải đều kéo theo hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ. Hầu hết trong số đó đều là những lời chỉ trích, chê trách hành vi của Hoàng.

Sự hoang tưởng về quyền lực mạng

Câu chuyện, hành vi của Lê Minh Hoàng dễ nhận thấy trong nhiều vụ việc, đặc biệt là khi tiếp xúc với cơ quan chức năng làm nhiệm vụ. Có một số đối tượng sau khi xem clip về luật, tìm hiểu được chút ít da lông và coi đó là tấm “kim bài hộ mạng”, đem ra sử dụng mỗi khi… sai luật. Không ít trường hợp khi bị dừng phương tiện để xử phạt vi phạm, điều đầu tiên không phải nhận biết mình sai gì, sai ở đâu mà là rút điện thoại ra quay phim lực lượng chức năng với những lời lẽ thiếu tôn trọng.

Chưa kể đến, có một số nhóm người còn sử dụng mạng xã hội như một công cụ kiếm tiền, làm mọi cách để câu kéo người theo dõi nên thường xuyên coi những clip bắt bẻ, chống đối lực lượng chức năng làm phương tiện câu kéo. Nhìn vào sự phản ứng tiêu cực của cộng đồng mạng trên trang cá nhân “vua hài kịch” lại khiến nhiều người nhớ lại những “ngôi sao” một thời như Kenny Sang hay Quân kun.

Bất chấp đúng sai, bất chấp sự phản ứng của mọi người chỉ để được người khác chú ý. Đó là do sự mê hoặc đầy hấp dẫn của quyền lực mạng xã hội khiến nhiều người đã ảo tưởng, nhầm lẫn giữa quyền công dân và quyền lực thực tế.

Lê Minh Hoàng nổi tiếng mạng xã hội với lượng “gạch đá” khổng lồ

Trong một cuộc tọa đàm về “Văn hoá ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” diễn ra tại Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh mới đây, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đã cho biết, hiện nay trên MXH xuất hiện nhiều “thẩm phán” trên không gian mạng, trước khi vụ án được đưa ra xét xử thì các “thẩm phán” này đã tuyên án. Với hành vi này, hiện nay pháp luật đã có quy định, chế tài xử lý hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác, vu khống, bịa đặt… Tuy nhiên, hiện nay chế tài pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn.

Cụ thể là những mức phạt vẫn còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho bị hại, từ đó không đủ sức răn đe. Còn chế tài về hình sự thì hiện nay vẫn còn rất khó xử lý bởi quy định còn chung chung và chưa có hướng dẫn cụ thể. Có lẽ cũng vì lý do đó, nhiều kẻ vẫn tự cho mình có quyền lực, được phán xét người khác dựa vào lượng “theo dõi” khủng trên trang cá nhân.

Còn theo bác sĩ Hồ Nhật Quang, một chuyên gia huấn luyện trị liệu tâm lý, cho rằng có nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội, có nhiều trạng thái tiêu cực, phán xét người khác. Đây là một loại bệnh lý, sử dụng quá nhiều gây ra bệnh hoang tưởng. Đó là khi chúng ta nhìn nhận một sự việc thì thường hay khái quát hoá nó lên, hiệu chỉnh nó vô hướng mà mạng xã hội đang quy định.

Khi sử dụng mạng xã hội nhiều không có chọn lọc, đề kháng, người sử dụng sẽ bị cuốn vào thể hiện cái tôi muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi. Lâu dần tạo thành thói quen trong suy nghĩ, trong hành vi. Đó là bệnh về cảm xúc, suy nghĩ bên trong, tạo ra sự hoang tưởng, nhận định không rõ ràng.

Từ ngày 15/1/2020, người dân có quyền giám sát lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Việc ghi hình cũng được quy định trong Thông tư 67/2019/TT-BCA, cụ thể người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải bảo đảm các điều kiện: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tuân thủ các quy định pháp luật khác.

Khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. Khu vực này phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo quy định, người dân sẽ có 5 cách giám sát lực lượng Công an trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gồm: Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

"Nhân dân giám sát Công an nhân dân phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật", Điều 10 Thông tư 67/2019 nêu rõ.

Hiền Trâm
.
.
.