Ăn Tết Tây hay Tết Ta - cuộc luận chiến 8 năm chưa có hồi kết

Thứ Tư, 27/02/2013, 15:22

Câu chuyện ăn Tết Tây Tết Ta chưa có dấu hiệu gì ngã ngũ, chỉ biết chắc chắn rằng ngay lúc này đâu, hẳn có nhiều người đang trốn giờ làm, say sưa “chém gió” chuyện bảo tồn cái Tết cổ truyền bên quán trà vỉa hè, mà cũng không ít người ngồi trong nhiệm sở thì mải mê viết bài đưa lên Facebook, bảo rằng phải cải tiến, phải ăn Tết dương lịch đi thôi, vì cái Tết Ta lê thê làm giảm năng suất lao động lắm...

Mấy chục năm trước, ngày 30 Tết là ngày cả nhà bận rộn, người lớn lo treo bánh pháo để đốt đúng thời khắc giao thừa cho giòn giã, trẻ con háo hức được thức trắng đêm bên nồi bánh chưng để hóng chuyện.

Để thời gian lùi lại mấy trăm năm trước, cụ kị chúng ta lại bận rộn với những việc khác, người lớn lo treo cây nêu trừ ma trừ tà, trẻ con tụ tập với nhau để giao thừa đi đến từng nhà gõ cửa hát “sắc bùa”, lấy tiền mừng tuổi. Lúc ấy, chắc không ai nghĩ rằng mấy chục, mấy trăm năm sau, mình hay con cháu mình sẽ tranh cãi với nhau chuyện ăn Tết Tây hay ăn Tết Ta? Bỏ Tết Ta hay gộp nó vào Tết Tây?

Tranh luận sôi nổi từ văn phòng công sở đến quán nước vỉa hè chưa đủ, người ta còn lên mạng tranh luận tiếp, người nói đông, kẻ nói tây, mà xem ra ai cũng có lý lẽ của mình. Bà con trong nước tranh luận đã đành, kiều bào ở nước ngoài cũng hăng hái vào góp chuyện cho thêm phần rôm rả.

Người châm ngòi cho cuộc tranh luận xưa nay chưa từng có này là một vị Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân khả kính - ông Võ Tòng Xuân. Nói “khả kính” không phải vì các chức danh hay học hàm học vị, mà bởi những đóng góp của ông cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng Tây Nam Bộ, tiếng tăm ông nổi như cồn nhờ những cải tiến tăng năng suất cây lúa và sự xuất hiện đều đặn trong các chương trình, chuyên mục của nhà nông. Ngoài ra, ông còn là một nhà giáo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang.

Ngày 14/2/2005, một bài viết của ông với nhan đề Tết “hội nhập” , tại sao không? xuất hiện trên chuyên mục “Chào buổi sáng” của báo Thanh niên. Trong đó, ông nêu ra quan điểm Việt Nam nên ăn Tết Tây, hay nói chính xác hơn, gộp Tết Tây và Tết Ta vào làm một. “Đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại "bản sắc dân tộc" của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới.

Dứt khoát chúng ta không nỡ hưởng thụ đến 3 - 4 tuần lễ Tết dương lịch và âm lịch gộp lại trong khi các nước đang dành thời giờ đua làm giàu. Và dĩ nhiên chúng ta cũng không muốn để lỡ cơ hội đưa đất nước tiến nhanh đến phồn vinh. Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê”.

Bài báo vừa trình làng không bao lâu, đã nhận được hơn 200 ý kiến phản hồi của độc giả, mà tỉ số đồng tình - phản đối nằm đâu đó giữa con số 50 - 50. Từ đó đến nay đã 8 năm trôi qua, nền kinh tế đất nước đã trải qua bao thăng trầm, cảnh tượng và phong vị Tết cũng đã có phần thay đổi, nhưng có hai thứ cơ hồ không thay đổi: một là chuyện ăn Tết, chúng ta vẫn cứ nghỉ đều đều cả Tết Tây lẫn Tết Ta - chuyện này thì không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đáng ngạc nhiên là chuyện thứ hai: vấn đề Tết Tây Tết Ta được xới lên cách đây cả chục năm, song mỗi khi Tết đến xuân về, vẫn cứ khiến cho người ta phải lao vào tranh luận hăng say, chưa có dấu hiệu gì ngã ngũ.

Năm 2013 này cũng không phải là ngoại lệ. Không khí tranh luận thậm chí có phần sôi nổi hơn bởi sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Mục Diễn đàn của Tuần Việt Nam đưa chuyện Tết Tây Tết Ta lên mục tranh luận, vài ngày sau con số comment của độc giả đã lên tới vài trăm. Còn tốc độ lan truyền trên mạng xã hội Facebook thì khỏi phải nói, nhanh đến chóng mặt. Người “com” qua kẻ “com” lại, đủ thấy người Việt Nam ta vẫn như 8 năm về trước, mặn mà và tha thiết lắm với chuyện ăn cái Tết cổ truyền. Bất luận anh đồng tình hay phản đối, thì ít nhất nó cũng chứng tỏ anh có quan tâm.

Trên các diễn đàn đủ loại đủ kiểu, người ta đua nhau hoài niệm cái Tết tuổi thơ, người viết cả bài dài chứa chan cảm xúc, kẻ buông vài ba câu tiếc nuối ngẩn ngơ. Không khí Tết hôm nay nhờ những mảnh hoài niệm đó mà càng trở nên rạo rực.

Không cần nhắc lại lập luận của GS Võ Tòng Xuân xác đáng thế nào, chặt chẽ ra làm sao. Ông đã phân tích đủ mọi phương diện từ kinh tế đến xã hội, văn hóa, từ chuyện hợp tác quốc gia đến chuyện doanh nghiệp trả lời email khách hàng, rồi thì chuyện phong tục lễ nghi...

Vừa mới cuối tháng 1/2013 đây thôi, ông đã lại một lần nữa lên tiếng bằng một bức “tâm thư” gửi đến chuyên đề “Đón Tết cổ truyền theo dương lịch” của VTC News, tỏ lòng cảm kích sự quan tâm của mọi người đến chuyện ăn Tết theo dương lịch mà ông đề xướng, và nhấn mạnh quan điểm lập luận của ông không hề thay đổi qua ngần ấy năm.

Ông còn viết: “Tôi nghĩ chúng ta nên chấm dứt sự tranh luận ở đây, trở lại công việc bận rộn hằng ngày của mình. Quan điểm của chúng ta trong giai đoạn này còn khác biệt, không thể gặp nhau được, chưa thấy được những lợi ích mà người khác hưởng được”.

Song, mọi chuyện chắc chắn chưa thể dừng lại như ý muốn của ông Võ Tòng Xuân, cuộc luận chiến vẫn chưa có hồi kết thúc! Người ta vẫn cứ lao vào tranh luận tới tấp, truyền thông cũng không bỏ qua miếng mồi ngon, đã kéo vào cuộc luận chiến này từ các giáo sư văn hóa đến chuyên gia thời tiết, từ ca sĩ đến người mẫu diễn viên nổi tiếng. Lập luận của đôi bên có vẻ không có gì mới so với gần chục năm về trước.

Phe “cấp tiến” (tạm gọi như vậy) đưa ra cả một hệ thống quan điểm khó lòng bắt bẻ, chứng tỏ lợi ích rành rành của việc ăn Tết dương cùng với phần đông nhân loại, lý lẽ này càng thêm thuyết phục khi ngày càng có nhiều người gắn chuyện bỏ Tết Ta với chuyện thoát ảnh hưởng của Trung Quốc. Vả chăng, Tết Ta ngày nay dường như đã khiến nhiều người thấy “nhạt”, “mệt” và “phiền”, xem ra hại nhiều hơn lợi, ở thành phố thì công sở bê trễ, giá cả leo thang, ở nông thôn thì sản xuất đình trệ, tệ nạn gia tăng theo đúng tinh thần “tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”.

Nhìn quanh các nước láng giềng cùng trong khu vực “văn hóa Tết Ta”, thấy số nước còn ăn Tết Ta ít lắm. Mà tấm gương nhãn tiền chẳng phải nhìn đâu xa, chính là Nhật Bản. Nhật Bản gìn giữ truyền thống nghiêm ngặt đến mức Trung Quốc cũng phải nghiêng mình kính phục, nhưng người Nhật đã ăn Tết dương lịch từ lâu rồi. Cũng chưa thấy có ai dám bảo người Nhật vì ăn Tết Tây nên mất gốc, đánh mất bản sắc, quay lưng với các giá trị cổ truyền. Nhưng, xin thưa rằng, tính khí của người Nhật với người Việt Nam khác nhau xa lắm.

Phe “bảo thủ” (tạm gọi như thế) cũng có một dàn lập luận bề thế không kém cạnh. Sâu xa đến tận hệ thống tuần trăng và 12 con giáp, đã chứng minh rõ ràng rằng thời điểm ăn Tết Ta có cái lý của nó, không thể tùy tiện đổi thay hay gộp vào cái Tết Tây. Lợi ích kinh tế ư? Cho người dân nghỉ nhiều, chơi nhiều, ăn uống mua sắm nhiều, chính là một cách để kích thích nền kinh tế. Chưa kể nguồn lợi đến từ lượng khách du lịch hằng năm sang nước ta thưởng thức phong vị một cái Tết khác họ.

Song, vũ khí mạnh hơn cả không gì khác chính là tinh thần yêu cái cổ truyền cộng với tâm lý hoài niệm rất ư dai dẳng của nhiều người. Tết Ta không chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ lễ, nó đi sâu vào trong tiềm thức, để lại bao kỉ niệm tuổi thơ, mà phàm đã là kỉ niệm thì đôi khi không cách nào dứt bỏ cho được. Và chẳng phải tự nhiên mà rộ lên loạt bài viết, tranh ảnh, phóng sự nói chuyện bà con Việt kiều xa xứ đón Tết âm lịch ra sao ở những nơi cách quê hương cả nửa vòng trái đất. Tết - cái từ đơn giản ấy - vẫn cứ là một trong những thứ dễ khiến người Việt đồng cảm nhất.

Năm 2013, Tết Tây đã qua, Tết Ta đang gần đến. Trên đường phố đã thấy không khí rộn ràng những chậu hoa cây cảnh, siêu thị lớn nhỏ đã bày ngập tràn các giỏ quà Tết, từ các quán cà phê nhỏ đến nhà hàng lớn, đã thấy vang vang tiếng hát “Tết Tết Tết Tết đến rồi!”. Không khí ấy đủ khiến cho người vô tâm nhất cũng phải nghĩ ngợi Tết này ta đi đâu, làm gì, và công chức mẫn cán nhất cũng không khỏi có lúc giữa quãng thời gian tám tiếng vàng ngọc, bỗng vẩn vơ mơ màng chuyện dọn nhà mua sắm Tết, chuyện du xuân thăm thú Tết. Và cuộc luận chiến này, chưa biết chừng phải kéo dài qua cái mốc 10 năm!

Thăng Long
.
.
.