Ai đứng sau chiến tranh ( Kỳ 2)
Hai “nhà tư tưởng”
Đứng sau ý tưởng “tận diệt” tiền mặt lúc đầu có 2 nhà kinh tế nổi tiếng: Willem Buiter, hiện là Kinh tế trưởng của Citigroup; và giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard.
Năm 2009, Willem viết tài liệu “Lãi suất âm: 3 cách vượt qua ranh giới zero”. Tài liệu này ra đời rất đúng lúc, khi nhiều nền kinh tế phát triển phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng thấp, lạm phát dưới mục tiêu và lãi suất đã cận kề zero..., vì vậy ngay lập tức được chú ý.
![]() |
Willem Buiter, Paul Krugman, Larry Summers, Kenneth Rogoff. |
Sau đó, giáo sư Rogoff giới thiệu báo cáo “Chi phí và lợi ích trong việc giảm dần tiền mặt năm 2014” trước Hội nghị Kinh tế vĩ mô của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) ở Cambridge, Massachusetts. Ông nói: “Trả lãi suất âm vào lúc này dường như quá dã man đối với một số người. Nhưng thực tế là nó không dã man hơn lạm phát, vốn cũng giảm năng lực mua bán của đồng tiền tương tự”.
Và nhiều người khác cũng góp tiếng nói uy tín của họ vào “dàn đồng ca” này, trong đó có cựu Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Larry Summers và nhà kinh tế đạt giải Nobel Paul Krugman. Cả hai ông đều cho rằng, trong bối cảnh lúc đó, các nền kinh tế phát triển chỉ có 2 lựa chọn: hoặc đặt lãi suất âm (tiến tới tiêu diệt tiền mặt), hoặc để lạm phát cao hơn (lãi suất âm trong thực tế), và cho rằng chọn lãi suất âm sẽ có nhiều lợi điểm hơn.
“Con đường sáng” cho các ngân hàng trung ương
Từ những ý tưởng đó, các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển bắt đầu nhảy vào. Họ đang cố gắng hoàn thiện công cụ số 1 của họ (lãi suất), để có thể sử dụng nó hữu hiệu trong tình huống lúc đó, cũng như những tình huống tương tự trong tương lai.
Trong thực tế, nhiều người đã so sánh việc tiêu diệt tiền mặt như việc từ bỏ “bản vị vàng” trong cuộc đại khủng hoảng hồi những năm 1920, vốn đã giúp nhiều nền kinh tế hồi phục.
Ý tưởng ngày càng được ủng hộ rộng rãi. Chẳng hạn, Đan Mạch dự báo sẽ triệt tiêu tiền mặt vào năm 2030. Ở Ý và Pháp, việc chi trả tiền mặt quá 1.000 EUR là phạm pháp. Ở Tây Ban Nha, giới hạn này là 2.500 EUR. Năm 2016, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chấm dứt in ấn và phát hành tờ 500 EUR, dù vẫn thừa nhận những tờ đang lưu hành.
Tại một hội nghị ở London ngày 18-5-2015 với chủ đề “Bỏ ranh giới zero trong lãi suất”, Buiter và Rogoff là những diễn giả chính, cùng với đại diện từ các ngân hàng trung ương như: Thụy Sĩ, ECB, Mỹ, Đan Mạch và Thụy Điển, cộng với đại diện các quỹ bảo hiểm và đầu tư như Soros Fund Management, Generali, Asset Management Company Brevan Howard...
Và như vậy, đến năm 2015, cuộc chiến tranh tiền mặt đã có sự tham gia của nhiều gã khổng lồ ngành dịch vụ tài chính và đã có thêm sức mạnh để đẩy tiền mặt ra khỏi hệ thống. Tháng 10-2015, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phát hành một báo cáo nhan đề “Xuyên thủng ranh giới zero”.
Tiềm năng thị trường mới nổi
Tuy nhiên, một phần chủ yếu của cuộc chiến tranh tiền mặt sẽ không diễn ra ở các nền kinh tế phát triển, nhưng ở những thị trường mới nổi tại châu Phi như Nigeria hay ở châu Á như Ấn Độ. Bởi vì các thị trường này được cho là đang nắm giữ cơ hội tăng trưởng kinh doanh và GDP lớn nhất. Người ta cũng tin rằng, các thị trường mới nổi là nơi công nghệ tài chính số sẽ phát triển mạnh để có thể đạt được mức của các nền kinh tế phát triển.
Sở dĩ có khả năng này vì dù chênh lệch thu nhập giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi vẫn còn cao, nhưng sự khác biệt về công nghệ, sự phổ biến của internet và việc sử dụng điện thoại di động cũng như các dịch vụ ngân hàng là không nhiều. Đây là những cơ sở hạ tầng cần thiết để tiến tới nền kinh tế không tiền mặt.
Năm 2012, BTCA được thành lập, là một bước đi cụ thể hóa niềm tin về một thế giới không tiền mặt. BTCA được Liên Hiệp Quốc chủ trì thành lập và được cấp ngân sách bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), các quỹ: Bill and Melinda Gates Foundation, Citi Foundation, Ford Foundation, các đại công ty Mastercard, Omidyar Network và Visa Inc. Quỹ Phát triển vốn của Liên Hiệp Quốc (UNCDP) đóng vai trò thư ký của BTCA.
Mục tiêu của BTCA là cổ súy việc chuyển đổi thanh toán tiền mặt sang kỹ thuật số; tiến hành nghiên cứu và phân tích sự phát triển của các phương tiện thanh toán số ở những nước thành viên. Trong danh sách thành viên của BTCA có Việt Nam và 23 nước khác, như Kenya, Philippines, Ấn Độ...
Điển hình Ấn Độ
Trong số các nước đang phát triển, Ấn Độ được cho là nước có mục tiêu cao nhất trong cuộc chiến chống tiền mặt. Nước này gia nhập BTCA năm 2015, sau khi Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Mỹ lúc đó là Obama đã có những cuộc thảo luận về các giải pháp tài chính. 2015 cũng là năm đánh dấu nhiều động thái tiến tới nền kinh tế không tiền mặt của Ấn Độ.
Chẳng hạn, tháng 6-2015, Bộ Tài chính Ấn Độ ra mắt dự thảo đề xuất giảm thuế cho các hoạt động giao dịch kỹ thuật số như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ngân hàng trực tuyến... Tiếp đó, 11 giấy phép thanh toán mới được cấp, trong đó có giấy phép cho PayTM. Tháng 11-2015, Bộ Tài chính Ấn Độ và USAID đã ký bản ghi nhớ trao ðổi thông tin về hoạt ðộng thanh toán số và thúc đẩy những chuyển đổi liên quan ðến các doanh nghiệp nhỏ và người thu nhập thấp.
![]() |
Sáng kiến Catalyst. |
Tháng 2-2016, Thủ tướng Ấn Ðộ quyết Định ban hành những biện pháp nhằm giảm thiểu giao dịch tiền mặt; Đồng thời thúc ðẩy hệ thống thanh toán từ chủ yếu bằng tiền mặt sang không tiền mặt. Hai tháng sau, một lực lượng Đặc nhiệm được thành lập với nhiệm vụ đưa ra những biện pháp ngắn hạn giúp cổ súy thanh toán bằng thẻ và các phýõng tiện kỹ thuật số.
Thậm chí, trong một buổi họp báo, Thủ tướng Modi đã lên tiếng kêu gọi một sự dịch chuyển đến nền kinh tế không tiền mặt, vì “cả thế giới đều làm thế”. Tháng 8 cùng năm, Ủy ban Thanh toán số ra đời để cổ súy thanh toán không tiền mặt, người đứng đầu là cựu Bộ trưởng Tài chính Ratan P. Watal.
Ngày 14-10-2016, USAID tuyên bố triển khai sáng kiến Catalyst để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở Ấn Độ. Và đến cuối năm, Thủ tướng Modi tuyên bố việc “khai tử” 2 loại tiền mệnh giá lớn nhất nước này là 500Rs và 1.000Rs (tương đương 8 và 15USD). Tuy nhiên, những nỗ lực của Ấn Độ mang lại lợi ích hay thiệt hại gì vẫn là điều còn tranh cãi.
(Còn tiếp)