ASEAN – Australia: Hợp tác an ninh
- Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia
- Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia
- Thủ tướng bắt đầu dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN-Australia
Biên bản ghi nhớ này được xem là bước đột phá lịch sử góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên trong lĩnh vực bảo vệ an ninh khu vực.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Peter Dutton cho biết nó bao gồm một loạt sáng kiến và chương trình chung nhằm tăng cường an ninh khu vực, đóng góp vào việc xây dựng năng lực chống khủng bố trên khắp Đông Nam Á.
“Chúng ta phải thừa nhận rằng an ninh quốc gia không thể đạt được một cách độc lập với an ninh khu vực”, ông Dutton phát biểu tại cuộc họp chống khủng bố trùng với Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sydney. Ông nói thêm: “Một quốc gia không thể yên tâm về sự an toàn của riêng mình trong khi có những mối đe doạ ở ngay trước ngưỡng cửa của họ”.
Thông qua các thỏa thuận khung được ký kết, ASEAN và Australia thống nhất tăng cường hợp tác chống khủng bố trên các lĩnh vực như tài chính và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Bên cạnh đó, Autralia cũng cam kết sẽ duy trì các cuộc đối thoại thường niên cấp chính phủ, các cơ quan an ninh và các đơn vị thực thi pháp luật với ASEAN để cùng tìm ra các biện pháp thiết thực bảo vệ nền an ninh khu vực.
Thủ tướng Australia cho rằng các công cụ mới như tiền tệ kỹ thuật số, nền tảng quỹ cộng đồng... đang khiến việc phát hiện các hoạt động tài trợ cho hoạt động khủng bố khó khăn hơn. Còn theo Thủ tướng Malaysia, các hình thức tuyên truyền trên mạng của IS có thể nhắm tới hơn 300 triệu người Hồi giáo tại Đông Nam Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tháng trước đã kêu gọi các quốc gia liên minh đối phó với một cuộc khủng hoảng đang gia tăng bằng cách nhận trách nhiệm về các công dân của họ, những người đã bị giam giữ như những chiến binh nước ngoài cho nhóm IS ở Syria. Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ ủng hộ hiện đang giam giữ hàng ngàn tù nhân IS, trong đó có hàng trăm chiến binh nước ngoài của một số quốc gia.
Ông Dutton cho biết, 220 người Australia đã đến Syria và Iraq để chiến đấu cho IS trước khi tổ chức này bị đánh bại. Ông Dutton nói rằng: “Hiện nay có nhiều cá nhân trong cộng đồng của chúng ta, những người muốn làm cho chúng ta tổn hại hơn bao giờ hết”.
Australia đã phải hứng chịu 6 cuộc tấn công khủng bố từ năm 2014 và chính quyền đã ngăn chặn 14 âm mưu khác. Trong số đó có vụ bọn khủng bố cố gắng đưa một thiết bị nổ vào máy bay Etihad Airways tại sân bay Sydney vào tháng 7-2017. Có 4 người đàn ông ở Sydney bị buộc tội liên quan đến âm mưu khủng bố do IS chỉ đạo.
Ông Dutton cũng chỉ ra rằng hợp tác quốc tế đã giúp quân đội của chính phủ lấy lại thành phố Marawi ở miền Nam Philippines từ tay các chiến binh vào năm ngoái. Dutton cho biết: “Trong khi hầu hết các phần tử cực đoan đều bị giết hoặc bị bắt, một số người đã chạy trốn thành công, tạo ra một mối đe dọa đối với Philippines và các nước trong khu vực”.
Vào thời đỉnh cao của cuộc chiến ở Marawi, khoảng 40 chiến binh nước ngoài đã tới miền Nam Philippines để tham gia cùng hàng trăm chiến binh Philippines tại thành phố ven biển. 14 trong số những người nước ngoài đã bị quân đội giết chết. Không rõ những gì đã xảy ra với những người khác, các quan chức Philippines cho biết.
Trước đó, ngày 16-3, Indonesia đã vận động hành lang các nước Đông Nam Á thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải chung trong “vùng biển tranh chấp” ở Biển Đông nhằm cải thiện an ninh. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề nghị Australia nên gia nhập ASEAN. Theo ông, Australia sẽ mang lại ổn định cho khu vực ASEAN nhiều hơn về chính trị và kinh tế.