9 năm xa cách và cuộc đoàn tụ kì diệu của 5 anh em vào ngày giải phóng thủ đô
Ngày ấy, lớp lớp đoàn quân như thác lũ từ 5 cửa ô đổ về Hà Nội mừng ngày giải phóng. Cũng nằm trong dòng người ấy, 5 anh em họ Hoàng cùng đơn vị chiến đấu tiến về thủ đô mà không bao giờ nghĩ rằng sẽ gặp được lại người thân sau bao năm chiến tranh xa cách. Cuộc hội ngộ bất ngờ sau gần chục năm kháng chiến bặt tin nhau, tưởng rằng có người đã hi sinh, đã biến ngày giải phóng thủ đô của 5 anh em trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết, một cuộc hội ngộ của tiếng cười và nước mắt…
Những người con cách mạng
5 anh em Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Quý Thân sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học, song thân của các ông là cụ Hoàng Bá Chuân và Nguyễn Thị Như Đồng (làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Cụ Hoàng Bá Chuân (1892-1974), hiệu Minh Sơn, là một nhà nho, hậu duệ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Thái tổ Mạc Đăng Dung.
Có lẽ được hưởng cái gen di truyền của Mạc tộc nên dù điều kiện học hành thi cử thời đó có nhiều hạn chế nhưng cụ Chuân vẫn thông thuộc "tứ thư" "ngũ kinh", trở thành một nhà nho khá nổi tiếng của cả một vùng. Tiếc rằng chiến tranh đã làm các tác phẩm của cụ thất lạc, mất mát khá nhiều. Mãi gần đây, các con của cụ mới sao chép và in một phần trong số đó với chừng trên 300 bài thơ, văn, câu đối để bảo tồn di cảo của cụ.
Sinh thời, cả hai cụ đều tham gia kháng chiến, hoạt động trong vùng gian khổ, hiểm nguy. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ Chuân là Hội trưởng Hội Liên Việt, cụ Đồng là Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ. Sinh được bảy người con trai, mong muốn các con có thể tự lập thân bằng con đường học vấn, cụ Chuân đã gửi ba người con của mình là ông Cảnh - Tuệ - Cẩn vào Huế để làm nghề "gõ đầu trẻ" nuôi thân và theo học trường Thuận Hóa, cũng là một cách để các con có thể tiếp cận tri thức dễ dàng hơn. Và cũng tại đó các ông được tiếp xúc với những trí giả yêu nước như Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, để rồi thấm nhuần lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của những người đi trước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 6 anh em họ Hoàng. |
Sau khi học xong, ông Hoàng Thúc Cảnh tham gia mặt trận Việt Minh ở Thanh Hóa, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng rồi về làm việc tại văn phòng Phủ Chủ tịch. Hai người em còn lại sau khi học xong cũng nối bước anh tham gia chiến đấu. Ông Hoàng Thúc Tuệ chiến đấu ở miền Nam Trung Bộ, sau đó được chuyển ra Bắc. Ông Hoàng Thúc Cẩn được biên chế về Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Sau này, người em kế tiếp ông Cẩn là ông Hoàng Thúc Tấn đi học trường thiếu sinh quân rồi trở thành chiến sĩ thông tin, đóng quân ở Hòa Bình. Còn ông Hoàng Quý Thân là người em thứ sáu thì đi học ở Nghệ An.
Năm anh em Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Quý Thân mỗi người chiến đấu một phương, không ai còn nhận được tin tức của nhau, chẳng biết ai còn ai mất. Những ngày ấy, phương tiện liên lạc còn hạn chế, ngay cả việc gửi thư cũng khó có thể đến tận tay người thân bởi các đơn vị liên tục di chuyển. Đến nỗi ông Tuệ và ông Cẩn đều thuộc biên chế của Đại đoàn 304, chỉ khác nhau đơn vị mà cũng không bao giờ gặp được nhau.
Đến năm 1951, ông Tuệ nhận được tin ông Cẩn hy sinh khi tham gia chiến dịch Hòa Bình, ông đã khóc cạn nước mắt thương người em trai. Về phần ông Cẩn, vào tháng 5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Cẩn nhận nhiệm vụ về Cao Bằng xây dựng Trung đoàn pháo binh 82. Đầu tháng 10, ông Cẩn lúc ấy là Đại Đội trưởng chỉ huy một đại đội được cử vào nội thành nghiên cứu chiến trường, và cũng tại đó, cuộc hội ngộ kì diệu của năm anh em đã khiến nhiều người nghe không kìm được nước mắt.
Cuộc hội ngộ đầy nước mắt
Từ ngày hội ngộ cho đến nay đã tròn 60 năm, nhưng những hình ảnh trong kí ức của Đại tá Hoàng Thúc Cẩn dường như vẫn không hề phai nhạt. Khi những đội lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên vào ngày 10/10, quân giải phóng theo các hướng tiến vào tiếp quản Hà Nội. Cơ quan chính phủ từ Việt Bắc về Phủ toàn quyền cũ, nay là Phủ Chủ tịch nhưng ông Cảnh vì bận công tác đột xuất nên chưa kịp về. Ông Tuệ trong Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã Tư Sở. Ông Cẩn cùng đơn vị đóng quân ở gần sân bay Gia Lâm.
Ông Tấn từ Hoà Bình vào Ô Chợ Dừa, đến Ô Quan Chưởng, đóng quân ở đầu cầu Long Biên. Người em Hoàng Quý Thân đang học ở Nghệ An gần Trung đoàn 57, khi Trung đoàn chuẩn bị hành quân ra Bắc, ông đã năn nỉ các chú bộ đội cho ra Bắc để tìm các anh trai dù không biết các anh ở đâu và ông cũng chính là người ra Hà Nội sớm nhất. Đi đến đâu, ông cũng hỏi thăm tình hình và tin tức của các anh.
Đại gia đình nhà ông Hoàng Thúc Cẩn. |
Tưởng chừng cuộc tìm kiếm trong biển người này chỉ là vô vọng, nhưng có những sự may mắn đến kì lạ đã giúp cho 5 anh em họ Hoàng tìm được nhau. Ông Cẩn cho biết, cơ duyên nào đó khiến ông Thân tìm đến được một đơn vị đóng quân ở Bạch Mai, ở đó nhiều người đều biết ông Cẩn và chỉ cho cậu em trai 16 tuổi đến tìm anh ở gần sân bay Gia Lâm. "Vì hai anh em tôi tuổi tác cách xa nhau, lại xa cách lâu ngày nên lúc đầu không nhận ra nhau, nhưng khi hỏi đúng tên, tuổi, hai anh em chẳng nói nên lời, chỉ biết ôm chầm lấy nhau mà khóc", ông Cẩn kể lại.
Vài ngày sau, hai anh em vào trong nội thành chơi. Đi đến giữa cầu Long Biên, ông Cẩn nhìn thấy phía trước một người mặc quân phục có dáng đi rất thân quen. Ông ngờ ngợ rồi gọi to: "Tấn".
Ông Tấn lập tức quay lại, ba anh em nhận ra nhau cứ thế mà đứng trên cầu ôm nhau khóc mãi không thôi. Sau khi 3 anh em ông tìm được nhau, ông Cẩn quyết tâm tìm cho được hai người anh. Gặp đồng đội ở các đơn vị khác trên đường đi, ông Cẩn đều nhờ họ nếu gặp anh em của ông thì nhớ nhắn giùm mỗi sáng chủ nhật đến cầu Thê Húc để tìm nhau.
Buổi sáng chủ nhật đầu tiên sau ngày giải phóng thủ đô, ba anh em ra cầu Thê Húc chơi thì thật bất ngờ, ngay chân cầu Thê Húc, họ được gặp lại người anh thứ ba là ông Hoàng Thúc Tuệ. Bao nhiêu năm nhận tin ông Cẩn đã hy sinh, nay bất ngờ được gặp lại người em trai còn nguyên vẹn và những đứa em nhỏ khác, ông Tuệ không kìm nén được cảm xúc. Bốn anh em cứ thế ôm nhau khóc nức nở dưới chân cầu Thê Húc, một hình ảnh khó có thể nào quên.
Ông Cẩn bùi ngùi kể lại: "Từ ngày tôi theo đơn vị ra Bắc chiến đấu, rồi sang Lào, anh em bặt tin nhau. Anh Tuệ cũng nghĩ rằng tôi đã hi sinh, nên khi nhìn thấy tôi và các em ở đó, anh chỉ biết khóc, không thể tin rằng tôi vẫn còn sống. Bốn anh em vừa cười vừa khóc, không nói nên lời. Rồi cả 4 anh em chúng tôi vào đền Ngọc Sơn thắp hương thể hiện lòng biết ơn với các vị vua, các anh hùng liệt sĩ và linh hồn mẹ đã giúp anh em tôi gặp lại nhau".
Nhắc đến mẹ, ông Cẩn bỗng lặng người đi không nói nên lời và nước mắt của người lính già lại rơi bởi sự hi sinh của người mẹ là quá lớn. 5 lần tiễn con đi nhưng đó cũng là lần cuối cùng bà được nhìn thấy các con, bởi ngày ấy thư từ khó khăn nên cho đến lúc mất, bà vẫn không nhận được tin tức của các con lần nào.
Ít hôm sau, nhận được tin nhắn của các em, ông Cảnh mới trở về, năm anh em họ Hoàng lại được gặp nhau sau gần chục năm xa cách. Có một điều may mắn là dù tham gia nhiều trận địa nhưng không ai bị thương tật nặng nề. Sau này, ông Cẩn về Quảng Bình đưa cha và em út Hoàng Gia Cương ra Hà Nội để gia đình đoàn tụ.
Và rồi họ quyết định bám trụ lại thủ đô để xây dựng và phát triển sự nghiệp. Khi đó gia đình các ông chỉ có 9 người nên được ví như cây lộc vừng 9 nhánh bên Hồ Gươm, như người em út và bây giờ là nhà thơ Hoàng Gia Cương đã cảm khái: Chín cây mọc thành quần thể lạ/ Chín cuộc đời nương tựa lẫn đua chen/ Thành khóm nhỏ bên bờ xanh lộng gió/ Mỗi lần qua ai chẳng ngước mắt nhìn.
Từ 9 người bám trụ ở thủ đô, cho đến nay đại gia đình họ Hoàng đã có hơn 80 thành viên, cống hiến cho đất nước nhiều nhân tài, cán bộ cao cấp giữ vị trí quan trọng trong các bộ ngành. Ông Hoàng Thúc Cảnh là cố vấn 1 của Văn phòng Chính phủ. Ông Hoàng Thúc Tuệ và Hoàng Thúc Cẩn đều là Đại tá quân đội. Ông Hoàng Thúc Tấn là Thứ trưởng, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ.
Ông Hoàng Quý Thân là Cựu chiến binh không quân, Tiến sĩ khoa học. Người em út Hoàng Gia Cương là kĩ sư kiêm nhà thơ. Và mỗi khi trời sang thu, Hà Nội chuẩn bị mừng ngày giải phóng, trong căn nhà nhỏ của ông Cẩn trên phố Hồ Đắc Di (Đống Đa, Hà Nộ) lại nô nức tiếng cười của những người con, cháu họ Hoàng. Họ tập trung ở đó để chào mừng ngày giải phóng và cũng để nghe cha ông kể lại những kỉ niệm chiến đấu cùng ngày đoàn tụ kì diệu cách đây 60 năm.
60 năm qua, đại gia đình họ Hoàng đã được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập, 2 Huân chương Quân công và hơn 40 Huân chương các loại trong và ngoài nước. Từ 7 người con trai nay đã có hơn 80 thành viên, 37 đại học, 8 thạc sĩ, 2 tiến sĩ, 1 họa sĩ, nhà nhà thơ, 1 nhà khoa học. Đặc biệt sau giải phóng thủ đô năm 1954, ông Hoàng Thúc Cảnh đã đem hai người con của người anh cả mất sớm ra Hà Nội, một mình nuôi dạy các cháu thành đạt. Đó là nhà báo Hoàng Hòa và Tiến sĩ Triết học, chiến sĩ đặc công của Đà Nẵng Hoàng Mạnh Tường. Chính anh Tường là sĩ quan pháo binh tiến vào giải phóng Sài Gòn và giải phóng Phrôm-pênh. |