“3 cùng, 4 bám” trong mây
Đường ngoằn ngoèo chữ chi, hun hút lên cao khiến gót chân người đi trước hất bụi vào mặt người theo sau. Núi chồng lên núi, đi rạc cẳng từ sáng nhưng mãi vẫn chưa tới bản. Thấy tôi cứ được vài mét lại dừng chân để thở, Thượng sỹ Mùa Anh Chư (cán bộ Đội phụ trách xã- Công an huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) nán lại chờ, rồi nở nụ cười thông cảm. Ô, răng cậu ta trắng quá! Tôi cũng cố gượng cười: “Chịu, không theo anh em được, cánh tớ leo cầu thang chung cư còn ì ạch!”.
Trung tá Sùng A Làng (Đội trưởng) đi sau nói với lên: “Thế thì không cắm bản như hội này được rồi, ở đây chúng tôi đi lại như cơm bữa trên con dốc ngược này”. Câu chuyện xuống dân anh kể tối qua hay quá, khiến chúng tôi nhất quyết đòi đi theo. Và bây giờ thì tôi đang “trả giá” cho sự tò mò của mình…
1.Cận Tết, gió mang lạnh ùa xuống thung lũng Mù Cang Chải. Chưa tối hẳn mà hơi sương đã len vào mâm rượu nhỏ, cuốn quanh chân người. Lúc này mà từ dưới mạn Tú Lệ, Văn Chấn nhìn lên đây, thì chỉ thấy có mây là mây. Vượt đèo Khau Phạ, đỉnh Nậm Khắt độ cao trên 2.000m ở sườn phía Tây của dãy Hoàng Liên hùng vĩ, chúng tôi tạm dừng chặng hành trình hơn 300km từ Hà Nội, tại thị trấn huyện lỵ nằm giữa khe hẹp tạo bởi các vách núi dựng ngược.
Đêm sơn cước dài dằng dặc, thú nhất là được ngồi bên nhau quanh bếp lửa nói chuyện về công việc của CBCS nơi đây. Trung tá Sùng A Làng (Đội trưởng Đội phụ trách xã, Công an huyện Mù Cang Chải) say sưa kể với tôi về cái sự “3 cùng, 4 bám” của họ:
“Mù Cang Chải nằm cách thủ phủ của tỉnh Yên Bái chừng 180km (theo QL32). Cư dân chủ yếu là người Mông, chiếm hơn 90% dân số toàn huyện. Đặc điểm sinh hoạt, cư trú của họ là bám vào những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m, giao thông đi lại vô cùng gian khổ. Có nhiều xã cách thị trấn huyện lỵ hàng chục cây số, như xã Chế Tạo cách 35km, xã Nậm Có cách 54 km…
Đây là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm còn thiếu, đời sống kinh tế - xã hội nhiều nơi rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, phong tục tập quán lạc hậu, dân trí lạc hậu.
Từ đặc điểm tình hình như vậy, mà quân số của Đội phụ trách xã có già nửa là người dân tộc Mông. Công việc thường xuyên của anh em là cắm bản, thực hiện “3 cùng” – (cùng ăn ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc), “4 bám” – (bám dân, bám địa bàn, bám đối tượng, bám chỉ tiêu công tác) tại nơi được giao phụ trách. Lên bản có nhiều chuyện lắm, nếu nhà báo muốn đi thì sáng mai theo chúng tôi”.
Sẵn men rượu nồng chuếnh choáng, chúng tôi quyết sẽ đi cùng họ, để được sống với trải nghiệm của người lính “cắm bản”.
2.Hết không biết bao nhiêu con dốc ngược, mồ hôi ướt áo lại khô, khô rồi lại ướt, cuối cùng bản đã hiện ra thấp thoáng sau mấy nương cải Mèo. Vào mùa lúa nương tháng 10, Mù Cang Chải ruộm vàng những lúa, óng ả như mật trên các thang ruộng bậc. Nhưng khi hết mùa, cảnh vật nơi đây trở lại đìu hiu. Rét chích vào thân cây khô khốc, chỏng chơ đếm bóng người thưa thớt qua dốc.
Xế trưa, chúng tôi đã yên vị bên bếp lửa nhà trưởng bản Sùng Vảng Phà (60 tuổi ở bản Nà Háng, cách UBND xã Chế Tạo những... 18km đường núi). Nhà tối om, dài hun hút, nóc lợp ván thông. Vào ngày nắng, chủ nhà dùng đoạn tre đẩy một phiến ván lệch sang bên cạnh, để lấy chút ánh sáng hắt xuống nhà. Không điện, nguồn sáng chính trong nhà lấy từ đám củi đang cháy dưới cái kiềng gang. Nước từ máng trên núi dẫn về qua đường ống bương, đổ vào cái vại sành đầy những cung quăng, bọ gậy đang ngoe nguẩy. Ở đây thưa thớt những nếp nhà đất ván thông, rải rác bên các triền núi. Nhà gần cũng cách nhau tầm 500- 600m, nhà xa thì cách cả cây số.
Thượng sỹ Mùa Anh Chư – chàng trai người Mông tuổi mới hăm lăm, móc trong ba lô ra lấy cân thịt lợn mua lúc trước dưới chợ huyện, đưa cho bà vợ chủ nhà rồi “phát sóng ngắn”. Chúng tôi hiểu là anh bảo bà mang đi xào để làm cơm đón khách phương xa. Đợi khá lâu rồi cũng cơm cũng dọn ra, trên cái mâm gỗ thông. Lũ trẻ nom thau tháu như đàn lợn con, vây quanh mâm háo hức. Ngoài canh cải mèo, đĩa thịt lợn xào và đĩa muối ớt, là một nồi đại toàn cơm độn ngô. Chúng tôi cắm cúi để ăn thật nhanh, trong lúc ông chủ nhà hồ hởi khoe với Chư rằng vừa bắt được con chuột, để dành tối nấu với canh cải.
CBCS Đội phụ trách xã - Công an huyện Mù Cang Chải trò chuyện với PV Chuyên đề CSTC. |
Cơm nước xong xuôi, chúng tôi kéo Chư ra gốc cây vả hỏi về cuộc sống, nỗi vất vả của người đi “cắm bản”. Hỏi là vì mới ở bản có vài giờ nhưng ai nấy nghe đã buồn nẫu ruột. Chư hồn nhiên cho biết: “Hầy dà, cũng chẳng biết là có khổ hay không nữa, vì đã biết thế nào là sướng đâu. Nhưng thiếu thốn thì có đấy, nhất là nước uống, nước sinh hoạt. Vào mùa khô hiếm nước lắm, phải đi xuống suối rất xa kín về từng thùng. Sống trên đỉnh núi thì cán bộ cũng như dân thôi, chỉ hơn họ bộ quần áo của ngành phát.
“Cắm bản” là hòa mình vào đời sống của bà con, trở thành người trong cộng đồng ấy. Nhà dân có giường thì cán bộ nằm giường, không có giường thì nằm đất, trải rơm. Ngày thì cùng đi nương, giúp họ làm ruộng bậc thang, chăn trâu bò, bắc ống nước, hái thảo quả. Đến bữa thì cùng ăn cơm độn ngô chấm muối ớt với canh rau cải, bí đỏ, su su. Lúc nào về huyện lấy lương thì ghé qua chợ mua ít gà rượu lên đây bảo dân nấu, rồi mọi người cùng ăn.
Trên này thì buồn lắm, không có điện thắp sáng, không dùng được điện thoại, cách biệt mọi thông tin với gia đình hàng tháng trời, nên cũng nhớ nhà, nhớ người yêu. Nhưng ở mãi cũng thấy quen, rồi tìm được niềm vui, ấy là khi được dân quý, nhận kết tòng, kết nghĩa anh em, coi như người thân trong nhà”.
Chư kể, nhiệm vụ chính của họ ở đây là nắm địa bàn, gây dựng lòng tin trong dân, kịp thời giải quyết tại cơ sở những vấn đề phức tạp, không để phát sinh thành điểm nóng, vận động người dân chấp hành pháp luật và xây dựng nếp sống mới, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng chống tội phạm và các hủ tục lạc hậu. Để làm được việc này, họ phải bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.
“Hàng ngày cán bộ cắm bản cùng ăn ở và làm việc với dân, giúp họ các công việc trên nương rẫy, chăn thả trâu ngựa, lợn gà, hái thảo quả, bắc máng nước, xay ngô lúa…Trong lúc ấy thì nói chuyện tranh thủ phổ biến cho họ về chính sách pháp luật, vận động không tái trồng cây thuốc phiện hay nghiện hút ma túy, không xuất cảnh đi làm thuê trái phép, không phá rừng đốt nương, săn bắt động vật quý hiếm, không tảo hôn, không để người chết trong nhà quá lâu...
Phát hiện trong bản có xích mích, thì phải tìm cách hòa giải. Công an cắm bản đứng ra, đưa tiền nhờ trưởng thôn xuống chợ huyện mua con gà, cân thịt lợn, mớ rau xanh về làm cơm, rồi mời già làng trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ và các gia đình đang có chuyện với nhau đến uống rượu. Uống rồi thì bắt tay dàn hòa. Cách làm này thế mà hiệu quả, bà con được ăn uống no say, được cán bộ lựa lời phân tích, động viên giữ tình làng nghĩa xóm, nên đều vui vẻ nghe theo”– Chư tâm sự.
Được biết, xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) có 7 thôn bản với 100% là người Mông. Năm 2015, Công an tỉnh Yên Bái đã tăng cường nhiều đoàn công tác xuống cơ sở, phối hợp với Công an các huyện và ban ngành, đoàn thể tại nhiều xã trọng điểm trong tỉnh để xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tại xã Chế Tạo đang triển khai mô hình “3 không, 1 giữ” – (không xuất cảnh trái phép, không vi phạm pháp luật, không nghiện chất ma túy; giữ mối đoàn kết trong các dòng họ, thôn bản).
Sau những nỗ lực bám dân, bám địa bàn của lực lượng Công an tăng cường cho cơ sở, đã có sự chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế-xã hội ở những vùng đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân được cải thiện từng ngày, tình hình ANTT được giữ vững. Nhiều thôn bản đã xây dựng được tổ tự quản hoạt động rất tích cực, các bản hương ước đi vào cuộc sống, giúp bà con nâng cao nhận thức, chấp hành tốt pháp luật và có ý thức xây dựng nếp sống mới, văn minh tiến bộ.
3.Đêm đầu tiên chúng tôi ngủ lại bản Mông, dưới một cái ổ rơm bện gần bếp lửa. Không màn, chỉ có cái chăn thổ cẩm to xụ và…nặng mùi. Mặc cả đống quần áo vào người nhưng sao vẫn ngứa.
Nằm bên cạnh, Chư kể như thế này còn sướng chán, chứ vào đợt đi kiểm tra, vận động dân chống tái trồng và chặt phá cây thuốc phiện, cả tháng trời các anh lọ mọ trong rừng sâu. Tối ngủ trải lá cây làm chiếu, phủ vải mưa làm màn, vắt sên dựng vòi, chỉ cần hở ra tý thịt là nhâu nhâu bấu vào hút máu. Muỗi rừng vô số kể, nhiều anh đi được một tuần đã lăn đùng ra sốt. Việc buộc phải đi vào thật sâu trong rừng, để tìm xem có khóm anh túc trồng trộm nào không. Đói bụng đã có lương khô mang theo, khát thì xuống khe múc nước mà uống. Bộ quần áo Cảnh sát mặc lưu cữu trên người cả tháng. Khi về đến huyện thì buộc phải vất đi, vì gai cào, đá cứa rách bươm. Người yêu của Chư ở ngay huyện dưới, mà cả năm cũng chỉ đi thăm được 1-2 lần…
Hỏi Đội trưởng Làng, Thượng sỹ Chư có tâm tư nguyện vọng gì không. Họ bảo: “Chỉ mong sao xã nào cũng có cái nhà “công vụ”, để anh em có chỗ ăn nghỉ đảm bảo sức khỏe, sau những lúc xuống dân. Chứ bây giờ lắm khi từ bản về xã đã 10 giờ đêm mà không tìm được chỗ ăn, chỗ tắm, chỗ nghỉ, không biết trông vào đâu, tội lắm!”.
Ao ước chỉ thế thôi, nhưng cũng không dễ dàng gì trong điều kiện nghèo khó giữa chốn mù mây. Và dù gian khổ còn nhiều, nhưng chúng tôi tin họ vẫn sẽ cần mẫn khắc vào đá núi dấu chân vững chãi của những người đi giữ đất, giữ dân.