10 năm "khát nước" giữa lòng Thủ đô

Thứ Tư, 09/05/2012, 15:38

Đã hơn 10 năm nước đã trở thành mặt hàng xa xỉ ở Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội). Mỗi mét khối nước tại đây với giá khoảng 100.000 đồng. Ước tính một nhân khẩu tốn khoảng 200.000 đồng/ tháng. Như vậy mỗi hộ gia đình ở một vùng quê nông thôn này phải bỏ ra cả triệu bạc một tháng cho nước. Nước giặt xong lại để rửa chân, rửa rau xong để dành nước rửa bát…

Cứ như thế bao năm nay người dân phải sống quay quắt với tình cảnh "khát nước". "Nếu có một nhà máy nước chúng tôi sẵn sàng đóng bao nhiêu tiền cũng được. Cứ sống thế này quả thực chúng tôi không chịu được nữa" - Bất cứ ai ở Chàng Sơn đều nói như vậy khi hỏi về nước.

Nơi nước quý như vàng

Thấy người lạ, người dân xã Chàng Sơn lại có dịp bàn tán xôn xao. Người thì chỉ chỏ rồi nói với nhau "cán bộ về khảo sát xây dựng nhà máy nước", người lại lắc đầu ngán ngẩm: "Ồi dào! Về bao nhiêu lần song lại mất hút… Chẳng biết bao giờ dân hết khổ". 10 năm trôi qua, thời gian quá dài đó khiến người dân Chàng Sơn quen dần với cảnh "khát nước".

Kêu không thấu họ đã tìm đủ mọi cách để sống chung với nó. Cứ chiều đến khắp xã đâu cũng bắt gặp những chiếc xe cải tiến chở thùng phuy nước đến từng nhà giao bán. Cả xã Chàng Sơn có tới 7 thôn với khoảng 2.600 hộ, 9.000 nhân khẩu. Nhưng có tới 2/3 số dân bị thiếu nước nghiêm trọng, hằng ngày phải cắn răng bỏ tiền mua từng thùng nước.

Cách đây khoảng 3 năm ở Chàng Sơn rộ lên phong trào đào và khoan giếng. Đến nay không còn ai ngó ngàng đến chuyện đó nữa. Theo ước tính, toàn xã có tới hơn 1 nghìn chiếc giếng nhưng chỉ có vài chiếc có nước. "Bây giờ không ai dám mạo hiểm đào giếng nữa vì đào cũng chẳng có nước. Trong khi chi phí cho mỗi chiếc giếng đào lên tới 20-30 triệu đồng. Có nhà đào đến 30m vẫn khô, thậm chí có cái đến 70m cũng chẳng có giọt nước nào" - Anh Phí Đình Cường người dân Chàng Sơn chia sẻ.

Bán nước trở thành nghề hốt bạc bất đắc dĩ.

Với chiếc giếng khơi có rất ít nước và nước vẩn màu vàng đục nhưng cũng được coi là may mắn, của giời cho. Tuy vậy mỗi khi muốn lấy nước anh Cường phải rất vất vả, thường xuyên phải sửa máy do giếng quá sâu, nước quá ít. Cặm cụi sửa chiếc máy bơm, anh Cường chia sẻ: "Nhà tôi may mắn vì giếng có chút ít nước nhưng mỗi lần bơm là lại phải sửa máy. Các ống nước thường bị teo, hỏng phốt do nước cạn máy không kéo được lên. Từ Tết tới giờ tôi đã phải quấn lại mô tơ 3 lần rồi".

Anh Nguyễn Văn Sở nổi tiếng khắp xã với kỷ lục khoan giếng. Nhưng với 3 lần khoan giếng thì cả 3 lần anh phải lắc đầu vô vọng. "Ba cái giếng nhà tôi khoan cách nhau cả chục mét. Mũi đầu sâu tới 30m, khói bốc lên khét mù chắc vì đụng vào đá sỏi ở dưới. Mũi thứ hai chỉ có tí tẹo nhưng vài ngày lại trơ sỏi đá. Chiếc giếng thứ 3 sâu tới 30m nhưng cũng chỉ cho ít nước vào ba tháng mùa mưa" - anh Sở nói. Tại Chàng Sơn người quyết tâm đào giếng tìm nước phải kể đến gia đình ông Chúc Hồng. Ông Hồng bỏ ra tới 40 triệu đồng để khoan giếng sâu đến 75m, song vẫn "bặt vô âm tín" với nước. Và cứ như vậy, lâu nay người ta ví giếng nhà ai có nước nhà đó có vàng.

Nước - mặt hàng xa xỉ

Bà Phí Thị Hồng ở xóm 1 (Chàng Sơn) cẩn thận múc từng ca nước vừa lầm bầm: "Lại mùa hè đến rồi, lại một mùa khát nước nữa lại đến. Không biết năm nay người ta có đẩy giá lên nữa không. Cả triệu đồng tiền nước mỗi tháng thì sao mà chịu được". Theo người dân ở đây, việc dùng nước cực kỳ tốn kém.Với mức giá trung bình khoảng 100 nghìn đồng/m3. Một gia đình 4 người dùng tiết kiệm một ngày cũng ngốn hết khoảng 30 nghìn đồng. Chàng Sơn lại là làng nghề, thu hút rất nhiều lao động từ các vùng lân cận nên việc "khát nước" lại càng trầm trọng. Và, việc chi tiêu cho nước là một khoản không nhỏ.

Chính vì lẽ đó, tại Chàng Sơn bỗng dưng xuất hiện một nghề hốt bạc bất đắc dĩ. Đó là những gia đình may mắn giếng có nước. Bà Hồng (xóm 1) giọng mỉa mai: "Buôn gì bằng bán nước bây giờ! Nhà nào có nước mỗi ngày họ phải kiếm được 300.000 đồng đấy". Việc mua nước có 2 cách, thứ nhất đến tận nhà người bán để chở thì mức giá khoảng 600 đồng/thùng (1 thùng tương đương 120 lít). Nếu gọi điện giao tận nhà giá khoảng 12.000 đến 15.000 đồng/thùng.

Trao đổi với chị Nguyễn Thị Thanh người bán nước sinh hoạt, chị cho biết: "Nhiều lúc cũng rất phiền toái, người dân không có nước mình đành phải bán. Kéo nước đi giao cũng mệt mỏi lắm nhưng biết làm sao được. Nhiều khi ốm cũng phải đi vì không đi thì bà con không có nước dùng. Chúng tôi chỉ tha thiết làm sao có nước sạch về cho dân".

Buổi chiều tại Chàng Sơn trở nên nhộn nhịp hơn hẳn bởi những chiếc xe cải tiến chở nước tấp nập đi giao hàng. Những người phụ nữ gồng mình kéo từng phuy nước đến từng nhà. Tiếng máy bơm, tiếng người gọi nhau í ới ra lấy nước làm náo loạn cả một vùng. Thấy tiếng người lạ, lại nhắc đến từ "nước" bà Phí Thị Hồng phản xạ tự nhiên: "Không mua đâu, suốt ngày nước. Khổ lắm rồi!".

Giặt quần áo xong không ai dám đổ nước đi vì để dành rửa chân.

Đã nhiều năm nay người dân Chàng Sơn nói không với máy giặt. Với họ, chỉ có đại gia mới dám dùng máy giặt, những gia đình khác mua máy giặt cũng chỉ với nhiệm vụ vắt quần áo. Việc dùng nước được họ tính toán kỹ lưỡng như tính tiền chi tiêu hằng ngày. Gia Đình chị Đỗ Thị Tuyết Mai với 4 nhân khẩu, thuộc dạng khá giả nhưng cũng không tránh khỏi sự tính toán với nước. Chị nói: "Mấy đứa nhỏ nhà em đùa nghịch bẩn cũng không dám rửa, chờ đến tối mới dám rửa cho chúng nó. Rửa rau xong cũng không dám đổ nước đi, còn bớt lại rửa bát. Giặt quần áo xong rồi lưu lại nước để rửa chân tay".

Việc "khát nước" khiến tất cả mọi sinh hoạt của người dân trở nên bị xáo trộn. Đặc biệt mỗi khi các gia đình có đám, nhiều người ví "đặt cỗ cưới còn dễ hơn đặt nước". Mỗi khi các gia đình có đám cưới việc lo lắng đầu tiên là phải đặt nước dùng. Có khi phải chuẩn bị đặt nước từ nhiều ngày, huy động nhiều thùng phuy xếp dọc ngõ.

Việc thiếu nước, người dân phải đi mua tình trạng không đảm bảo vệ sinh nguồn nước là điều dễ hiểu. Chị Tuyết Mai chia sẻ, để tiết kiệm nước sinh hoạt đa số người dân mang quần áo, chăn chiếu ra chiếc ao đầu thôn giặt giũ. Tuy nhiên nước tại đó không được đảm bảo vì nằm ngay cạnh bãi tha ma của làng. Nước rất bẩn, nhiều khi còn váng đục màu vàng khiến quần áo ố màu. Thậm chí nước người dân sử dụng vào việc nấu nướng hằng ngày cũng không có gì đảm bảo an toàn. "Nhiều lúc nước người ta mang đến xanh lèo lèo nhưng vẫn phải dùng. Trời mưa có hứng được nước thì đề để 1 lúc nước cũng biến dạng thành màu đen" - bà Hồng bức xúc.

Dài cổ chờ nước máy

Chàng Sơn nổi tiếng với nghề mộc, tuy không quá giàu có nhưng cũng thuộc diện có "của ăn của để". Hơn nữa chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km. Thế nhưng cuộc sống luôn "khát nước" như ở đảo xa. Tính bình quân mỗi khẩu phải mất khoảng 200.000 đồng tiền nước/tháng. Trao đổi với Ban Giám hiệu một số trường mầm non trên địa bàn xã: Mỗi cháu phải đóng thêm 14.000 đồng/tháng tiền nước sinh hoạt.

Tất cả nỗi khổ đó, sự tốn kém đó người dân Chàng Sơn sẵn sàng bỏ tiền túi để xây dựng nhà máy nước. Mỗi lần nói đến nhà máy nước, ống dẫn nước là ai nấy đều vui mừng phấn khởi. Nhưng nhiều người cũng thấy ngán ngẩm vì nói đến dự án rồi lại im bặt. "Chúng tôi sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu để có được nhà máy nước. Chúng tôi đã quá khổ vì nước rồi. Thỉnh thoảng cũng có thấy xã rậm rịch nói đến chuyện nhà máy nước, rồi có đoàn còn về lấy ý kiến của dân. Không hiểu sao lại im bặt!"- anh Cường chán nản nói. Hiện tượng bỗng dưng dân Chàng Sơn bị ông trời "cắt nguồn nước" được người dân phán đoán là do bê tông hóa nhiều. Khắp đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa, nhiều ao hồ bị lấp đi xây dựng.

Mỗi gia đình của Chàng Sơn vật dụng quan trọng nhất, quý giá nhất lại là thùng phuy chứa nước. Khắp trong sân, ngoài ngõ đâu đâu cũng ngổn ngang thùng chứa nước. Chiều đầu hè oi ả báo hiệu một mùa "khát nước" lại đến. Lại thêm một năm nữa người dân "khát". Một năm nữa người ta lại chờ, lại đợi nhà máy nước về làng. Nắng đã ngả về chiều, các phuy đựng nước đã đầy. Chúng tôi dời khỏi Chàng Sơn mà không khỏi ám ảnh câu nói của bà Hồng: "Không biết năm nay người ta có ép giá nước lên nữa không!".

Phó Chủ tịch xã Chàng Sơn, ông Nguyễn Kim Toàn trả lời báo chí, chính bản thân gia đình ông cũng phải ăn nhờ nước của một người họ hàng. Ông Toàn chia sẻ, mong mỏi có nước sạch dùng của nhân dân đã kéo dài cả chục năm nay. Có thể nói đây là mong mỏi lớn nhất. Khi nào có nước máy về là câu hỏi mà chính ông Toàn cũng không trả lời được.

Đã từng có hai dự án về Chàng Sơn, họ đã về khảo sát và lấy ý kiến của nhân dân, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cũng không thấy trở lại. Năm 2006, một công ty cổ phần đã về xã Chàng Sơn và một số vùng lân cận về khoan, lập dự án. Chẳng hiểu sao, các xã khác lại có, còn Chàng Sơn thì lại không. Một dự án khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được khởi công năm 2007. Họ đã về phát phiếu điều tra, bắt dân ký cam kết dùng bao nhiêu khối nước, trong thời gian bao lâu. Theo kế hoạch, quý 1 năm 2012 phải thực hiện. Vậy mà họ cũng đi luôn.

Mặc dù hiện tượng khát nước đã xảy ra hơn mười năm tại Chàng Sơn nhưng khi chúng tôi liên hệ với các cơ quan chức năng có liên quan thì đều nhận được những cái lắc đầu rất vô cảm. Họ nói rằng vì chưa có khảo sát nào nghiên cứu về nó nên không thể trả lời gì. Không biết với sự thờ ơ ấy thì đến khi nào người dân nơi đây mới hết "khát nước".

Tiêu Phong - Ngọc Anh
.
.
.