Nguyên Tổng giám đốc tập đoàn lừa đảo chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng

Thứ Tư, 11/05/2016, 16:52
Với thủ đoạn làm thủ tục mượn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp đem ra ngân hàng khác vay tiền sau đó gán nợ luôn, nguyên Tổng giám đốc cùng đồng bọn đã chiếm đoạt số tiền trên 966 tỷ đồng của nhà nước.

Sau 3 ngày xét xử và nghị án, sáng nay, 11-5, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã bác toàn bộ đơn kháng cáo của các bị cáo và bị hại, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, tuyên phạt Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc, Công ty CP Tập đoàn Bình Phát) mức án tù chung thân về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngoài bản án này, trước đó Cường từng bị TAND TP Hồ Chí Minh phạt tù chung thân cũng về tội "Lừa đảo".

Liên quan đến vụ án, Lê Thành Công (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương) lãnh 25 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

HĐXX cũng bác kháng cáo của hai cán bộ ngân hàng để xảy ra sai phạm, tuyên phạt Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc chi nhánh) 20 năm tù, Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng tín dụng) 19 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Liên quan đến vụ án, trước đó án sơ thẩm còn tuyên phạt hàng loạt bị cáo khác với mức án tù có thời hạn.

Theo án sơ thẩm, thực hiện chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi TP của UBND TP Hồ Chí Minh, tháng 12-2006, Lê Thành Công (Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương, 100% vốn Nhà nước) ký hợp đồng liên doanh với Công ty cổ phần bất động sản Phương Nam để hợp tác kinh doanh xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng số 10 Âu Cơ, phường 17, quận Tân Bình.

Các bị cáo trước giờ tuyên án.

Để có tiền kinh doanh, Dương Thanh Cường chỉ đạo Thái Cường (Giám đốc Công ty Tấn Phát, công ty con do Thanh Cường thành lập) lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của ngân hàng, thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại số 10 đường Âu Cơ của Công ty Đông Phương cùng với bất động sản tại 44 đường An Dương Vương (quận 8) do công ty của Cường đứng tên. 

Sau đó, Thanh Cường chỉ đạo Thái Cường mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ để làm thủ tục chuyển đổi sở hữu quyền sử dụng đất nhưng thực tế là Thanh Cường đem thế chấp tại một ngân hàng khác để vay tiền. Đến hạn trả nợ, do không có tiền trả cho ngân hàng, Thanh Cường đã bán tài sản số 44 An Dương Vương để trả nợ nhưng vẫn còn nợ trên 44 tỷ đồng.

Ngoài phi vụ nói trên, Thanh Cường còn chỉ đạo cho Lê Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Thanh Phát, công ty con khác của Cường) sử dụng  23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và 3 quyền sử dụng đất tại các quận 12, Bình Tân và quận 8  vay thêm 628 tỷ đồng của ngân hàng. 

Khi biết dự án không được phê duyệt, ngân hàng còn đang giải ngân thì Cường tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối, chỉ đạo Lê Sơn Hùng (nguyên Giám đốc Công ty Thanh Phát) làm thủ tục mượn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp đem ra ngân hàng khác vay tiền sau đó gán nợ luôn. Với thủ đoạn gian dối như trên, Thanh Cường cùng đồng bọn đã chiếm đoạt số tiền trên 966 tỷ đồng của nhà nước.

A.Huy

.
.
.