Xử lý nghiêm nạn săn bắt chim trời

Thứ Ba, 21/09/2021, 08:51

Phú Lộc là một huyện đầm phá ven biển nằm ở cực Nam của tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi có hàng chục ngàn hecta rừng. Vì thế, hằng năm, từ giữa tháng 9, khi mùa mưa bão bắt đầu thì có nhiều loại chim di cư thường dừng chân, hoặc tìm đến trú ngụ ở các cánh đồng, lùm cây... Từ đây, nạn săn bắt chim trời lại rộ lên.

Thượng tá Đoàn Minh Hải, Trưởng Công an huyện Phú Lộc cho biết, để ngăn chặn vấn nạn này, Công an huyện vừa yêu cầu Công an các xã, thị trấn tăng cường tham mưu cho chính quyền tổ chức tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ các loài chim di cư. Đồng thời, ra quân xử lý nghiêm tình trạng săn bắt chim trời tại các địa phương trên địa bàn huyện.

Sáng 19/9, có mặt tại một cánh đồng lúa ở xã Lộc Trì (huyện Phú lộc), chúng tôi ghi nhận một số loài chim, như cò, vạc, triết… đến trú ngụ và tìm kiếm thức ăn. Trên cánh đồng này, các đối tượng săn bắt chim trời rải hàng trăm con cò giả được làm bằng xốp nhằm thu hút chim đến để bẫy. “Số cò này sau khi bẫy được, chúng tôi đưa về nhà làm thịt rồi đem ra dọc QL1A bán cho khách qua đường. Những năm trước không có dịch COVID-19, chúng tôi còn gửi vào Đà Nẵng để bán”, một đối tượng tiết lộ.

Chúng tôi đến cánh đồng ven quốc lộ 1A của xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), một thanh niên đang bẫy chim ở đây nói rằng, khi chim về nhiều thì chỉ việc giăng lưới lên cánh đồng là có thể bắt được. Tuy nhiên, vài năm gần đây, số lượng chim ít hơn nên nhiều người nghĩ ra cách thu âm tiếng các loài chim, cò, vạc, cuốc… để dụ chim đến. Chỉ cần giăng lưới ra giữa đồng, đặt con chim giả mồi ở giữa rồi bật loa thu âm được giấu kỹ trong bụi cây. Những con chim khác nghe tiếng đồng loại kêu tưởng là an toàn liền sà xuống, khi đó lưới vây ụp là bắt gọn.

Lãnh đạo một số địa phương thừa nhận, mặc dù đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động đến tận các khu dân cư, hộ gia đình nhưng tình trạng săn bắt chim trời vẫn còn tái diễn. Điều này cho thấy ý thức bảo tồn động vật hoang dã nói chung, chim tự nhiên nói riêng của một bộ phận người dân còn thấp. Cán bộ địa phương không thể thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nên khó ngăn chặn triệt để nạn săn bắt chim trời.

Thiếu tá Đặng Quang Hòa, Trưởng Công an xã Lộc Trì cho hay, nhiều khu vực trên địa bàn xã đang thực hiện giãn cách do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện, lực lượng Công an đang tham gia chốt chặn tại 11 chốt kiểm soát dịch COVID-19, nhưng trước tình trạng khai thác, săn bắt chim trời diễn ra phức tạp, lực lượng Công an xã vừa chống dịch vừa ra quân ngăn chặn, xử lý tình trạng săn bắt chim trời.

Trong 3 ngày qua (từ ngày 17 đến 19/9), tại các cánh đồng, Công an xã Lộc Trì thu giữ hơn 200 con cò giả bằng xốp và gần 1.000 que dính nhựa dùng để giăng bẫy. Công an các địa phương khác của huyện Phú Lộc cũng thu giữ hàng trăm cò giả, cùng hàng ngàn dụng cụ để săn bắt, khai thác chim trời. Quá trình ngăn chặn, xử lý; lực lượng Công an toàn huyện đã giải cứu hàng trăm con cò sống, thả về với môi trường tự nhiên.

Xử lý nghiêm nạn săn bắt chim trời -0
Công an xã Lộc Trì thu gom các phương tiện săn bắt chim trời, thả nhiều cá thể cò, vạc về với môi trường tự nhiên.

Tương tự, tại huyện Quảng Điền, Công an các xã Quảng An, Quảng Thái, Quảng Lợi... cũng tuần tra, ngăn chặn nạn săn bắt chim trời trái phép. Hơn 50 năm sinh sống bên bờ phá Tam Giang, ông Nguyễn Văn Tư, người dân Quảng Điền nói rằng, vùng đập cửa Lác hạ nguồn sông Ô Lâu một thời còn hoang sơ chưa có nhiều sự tác động của con người nên vẫn còn tồn lưu nhiều loài chim có giá trị. Hai bên đập, cây cỏ lác mọc um tùm, cao quá đầu người là điều kiện ưu đãi, nơi quần tụ nhiều loài chim quý hiếm. Số lượng các loài chim quý này tuy không nhiều nhưng người dân thường bắt gặp mỗi khi ra đồng. Còn các loài gà nước, cò, vạc thì vô số. Mỗi lần chúng đến tìm kiếm thức ăn hay trú ngụ thì vùng cửa Lác thường phủ một màu trắng xóa.

Theo Trung tá Võ Tiến Thảo, Trưởng Công an xã Quảng Lợi, khoảng 1 tuần nay, tình trạng khai thác, săn bắt chim trời diễn ra rầm rộ, Công an xã tuần tra, truy quét xuyên đêm, đã phát hiện, ngăn chặn nhiều đối tượng săn bắt chim trời. Bên cạnh đó, Kiểm lâm của nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang tổ chức, phân công lực lượng bám địa bàn, tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn người dân vào rừng săn bắt; đồng thời kiểm tra, phát hiện và tháo gỡ các loại bẫy thú, bẫy chim.

Cán bộ Kiểm lâm trong quá trình kiểm tra, giám sát kết hợp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong quản lý, bảo tồn động vật hoang dã nói chung và các loài chim nói riêng; đặc biệt là các loài chim quý hiếm, trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Thời gian qua, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực tuyên truyền các quy định về bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhưng vấn nạn săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và chế biến trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời như vịt trời, chim cu, chim cuốc, trích cồ, cổ rắn, vạc, cò trắng... vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Vì vậy, UBND tỉnh ban hành công văn hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật mức phạt từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng…

Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời.

Hải Lan
.
.
.