Thi hành án vụ Vũ “nhôm” vướng mắc như thế nào?
Báo CAND đã có hàng loạt bài viết tường thuật các phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ, còn gọi Vũ “nhôm”, cùng 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và một số cán bộ liên quan đến việc “thâu tóm” nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng.
Đặc biệt, trong phiên tòa xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội, đã xác định, các bị cáo trên đã gây thiệt hại cho Nhà nước 22 nhà, đất công sản là trên 2.400 tỷ đồng; tại 7 dự án khác là trên 19.600 tỷ đồng. Tổng thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng. Vậy Phan Văn Anh Vũ, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng các cán bộ liên quan trong “đại án” này đã khắc phục ra sao cho Nhà nước về những thiệt hại mà họ đã gây ra?
Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội (từ ngày 4/5/2020 đến 12/5/2020), HĐXX xác định, bị cáo Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011 và bị cáo Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014, đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và các quy định về quản lý đất đai, như đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ), chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng; chuyển đổi tên người nhận QSDĐ trái quy định của pháp luật đối với nhiều nhà đất công sản và các dự án đầu tư xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất công sản và các dự án này…
Việc làm của bị cáo Trần Văn Minh đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 19.625 tỷ đồng; riêng sai phạm tại dự án 29ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng. Còn bị cáo Văn Hữu Chiến đã gây thiệt hại cho Nhà nước 2.400 tỷ đồng. Do đó, ngoài mức án đã tuyên phạt các bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến về 2 tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, làng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” (Trần Văn Minh bị xử phạt 17 năm tù, Văn Hữu Chiến bị xử phạt 10 năm tù), HĐXX phúc thẩm còn tuyên buộc bị cáo Trần Văn Minh bồi thường cho Nhà nước hơn 390 tỷ đồng; bị cáo Văn Hữu Chiến bồi thường 146 tỷ đồng; các bị cáo khác tùy theo mức độ phạm tội mà liên đới bồi thường số tiền hơn 400 tỷ đồng. Riêng bị cáo Phan Văn Anh Vũ, ngoài mức án 30 năm tù, về trách nhiệm dân sự còn phải bồi thường cho Nhà nước hơn 3.100 tỷ đồng…
Qua tìm hiểu, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng cho biết, đối với việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, năm 2021 đơn vị này phải thi hành 46 việc, với tổng số tiền hơn 9.261 tỷ đồng; trong đó có hơn 4.132 tỷ đồng liên quan đến tín dụng ngân hàng; số có điều kiện thi hành là 28 việc, với số tiền hơn 5.110 tỷ đồng.
Cục THADS TP Đà Nẵng đã thi hành 11 việc, với tổng số tiền hơn 712.256 triệu đồng. Số chưa có điều kiện thi hành là 18 việc, với tổng số tiền hơn 4.150 tỷ đồng. Ngoài ra, Cơ quan THADS đã thi hành vụ Phan Văn Anh Vũ theo Bản án số 48/HSST ngày 30/1/2019 của TAND TP Hà Nội; Bản án số 346/HSPT ngày 13/6/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội; Quyết định Giám đốc thẩm số 14/HS-GĐT ngày 5/12/2019 của TAND Tối cao, thu hồi và bàn giao cho UBND TP Đà Nẵng 4/4 cơ sở nhà, đất…
Giải thích việc thi hành án năm 2021 đạt tỷ lệ thấp, ngoài lý do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, Cục THADS TP Đà Nẵng còn cho rằng, các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng có giá trị phải thi hành lớn, rất khó thi hành; có trường hợp số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản chưa xử lý được do vướng mắc về cơ sở pháp lý, liên quan chủ trương chính sách của Nhà nước, của địa phương; vướng mắc về hiện trạng tài sản, dẫn đến chưa thể xử lý tài sản đảm bảo. Điển hình như vụ Phạm Công Danh, xử lý sân vận động Chi Lăng; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phải xử lý 28 tài sản là bất động sản. Đáng chú ý, báo cáo của Cục THADS TP Đà Nẵng nêu có trường hợp do bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành trên thực tế, cụ thể là vụ Phan Văn Anh Vũ(?!).
Thực tế, đối với vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ trong quá trình Chấp hành viên Cục THADS TP Đà Nẵng thực hiện trình tự thủ tục theo quy định, tiến hành xác minh, xác định hiện trạng 28 tài sản mà Tòa án tuyên tiếp tục duy trì lệnh kê biên đảm bảo thi hành án thì nhận được nhiều đơn khiếu nại của vợ Phan Văn Anh Vũ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền, ông Phan Văn Anh Quốc, Công ty CP Xây dựng 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty CP Bắc Nam xây dựng 79.
Ngay cả Phan Văn Anh Vũ cũng có đơn khiếu nại. Nội dung các đơn khiếu nại nêu ra, trong số 28 tài sản Tòa tuyên kê biên có tài sản đứng tên Phan Văn Anh Vũ, có tài sản đứng tên bà Hiền, đứng tên công ty, hoặc các cá nhân khác. Vì thế, Cục THADS TP Đà Nẵng xử lý toàn bộ tài sản để thi hành án cho Phan Văn Anh Vũ là không đúng, vi phạm Luật Thi hành án dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Doanh nghiệp… Cũng từ việc khiếu nại trên, dư luận râm ran về một số quan chức liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ đã “nhanh tay” ký đơn li dị vợ để tẩu tán tài sản, nhằm mục đích “thí mạng cùi” vào tù(?).
Tất nhiên, việc thi hành án phần dân sự của vụ án Phan Văn Anh Vũ sẽ được cơ quan chức năng giải quyết theo đúng pháp luật. Vấn đề ở đây ai cũng thấy rõ, vụ thâu tóm nhà, đất công sản ở TP Đà Nẵng đã mang về cho Phan Văn Anh Vũ khối tài sản khủng trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh và Tòa án đã xét xử chỉ ra từng chi tiết cụ thể, thì tài sản đó có được “thay hình đổi dạng” đứng tên công ty, hoặc cá nhân khác, cũng khó thể thay đổi bản chất sự thật của vụ việc. Vì vậy, có thể chấp nhận được không, nếu trong số tài sản kia có đứng tên vợ của Phan Văn Anh Vũ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền và những người khác? Liệu có thể áp dụng Luật Hôn nhân gia đình để rồi giải quyết đối với số tài sản Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính theo luận điểm lập lờ rằng “của chồng, công vợ”?...