Siết chặt việc quản lý phiếu xét nghiệm COVID-19
Từ thông tin về việc một cá nhân được lấy mẫu test COVID-19 ngay trên xe ôtô và nhận được kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kiểm định vaccine và Sinh phẩm y tế (thuộc Bộ Y tế), vào những ngày cuối tháng 9/2021, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) vào cuộc điều tra, đã làm rõ danh tính của hai nhân viên y tế.
Khi tình hình dịch, bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; việc cấp, sử dụng giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 là một trong các biện pháp quan trọng để kiểm soáttình hình. Lợi dụng việc này, một cá nhân đã làm giả hoặc sửa chữa các phiếu xét nghiệm COVID-19 để qua chốt kiểm dịch. Gần đây nhất là việc hai nhân viên y tế tổ chức xét nghiệm cho người có nhu cầu trên xe ôtô, một lần nữa cảnh báo về việc quản lý đối với các phiếu xét nghiệm COVID-19; quản lý nhân viên y tế…
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 trên xe ôtô
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an phường Đại Kim và Đội Cảnh sát hình sự, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cóthông tin về trường hợp có dấu hiệu "cò mồi" xét nghiệm COVID- 19 (xét nghiệm PCR) liên quan đến Trung tâm Kiểm định vaccine và Sinh phẩm Y tế (thuộc Bộ Y tế), địa chỉ số 1 đường Nghiêm Xuân Yêm, phường Đại Kim. Đi sâu vào nắm tình hình, các trinh sát của hai đơn vị nắm được thông tin, một cá nhân có nhu cầu test PCR để đi Nhật Bản, thông qua sự môi giới, đã được lấy mẫu xét nghiệm ngay trên xe ôtô, rồi cùng ngày đã nhận được kết quả từ Trung tâm Kiểm định vaccine và Sinh phẩm y tế.
Ban Chỉ huy Công an quận Hoàng Mai đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an phường Đại Kim, khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin. Cơ quan Công an đã xác định và triệu tập những người có liên quan đến vụ việc để làm rõ gồm: Người đã chia sẻ thông tin về "đường dây cò mồi" (là phóng viên của 1 cơ quan báo chí tại Hà Nội); người môi giới là ông U.T.H (SN 1981, trú ở phường Đại Kim); người tiến hành lấy mẫu xét nghiệm là bà N.T.H (SN 1983, trú tại phường Đại Kim, là cộng tác viên Bệnh viện Đa khoa Tràng An); người xét nghiệm mẫu phẩm là bà N.T.P, cán bộ Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm y tế…
Quá trình điều tra bước đầu xác định: Hồi 8h30 ngày 31/8, U.T.H nhận được điện thoại của một người đàn ông tên Nghĩa (chưa xác định nhân thân, lại lịch) nói có người tên Lan Anh muốn làm test PCR đề xuất cảnh sang Nhật Bản. Sau khi U.T.H đồng ý thì có một người tên là Lan Anh chủ động liên hệ với U.T.H, hẹn gặp nhau ở số 1 Nghiêm Xuân Yêm, phường Đại Kim.
Qua mối quan hệ quen biết với T.A.T (SN 1987, cộng tác viên của Bệnh viện Đa khoa Tràng An), U.T.H đã xin được số điện thoại và chủ động liên lạc với N.T.H (SN 1983, cộng tác viên của Bệnh viện Đa khoa Tràng An) nhờ lấy mẫu xét nghiệm cho Lan Anh. Sau khi N.T.H đồng ý, U.T.H đã hướng dẫn Lan Anh sang 32 Đại Từ và liên lạc với N.T.H để được lấy mẫu…
Khoảng 9h30 cùng ngày, sau khi được lấy mẫu, Lan Anh quay lại số 1 Nghiêm Xuân Yêm đưa lại mẫu cho U.T.H và U.T.H đã mang mẫu của Lan Anh đi vào Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm y tế đưa cho N.T.P, cán bộ Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm làm trong viện để lấy kết quả. Đến buổi tối cùng ngày, sau khi nhận được kết quả, người đàn ông tên Nghĩa đã chuyển số tiền 600.000 đồng bằng Internet banking cho U.T.H. Sau khi nộp thanh toán số tiền 320.000 đồng cho Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm và chuyển khoản 100.000 đồng cho N.T.H là tiền công lấy mẫu, Hà được hưởng 180 nghìn đồng.
Xác minh tại Viện Kiểm định vaccine Quốc gia và Sinh phẩm y tế người được cấp giấy test PCR ngày 31/8 là Trần Thị Lan Anh mã cấp là DHHH 13… Hành vi của U.T.H đã vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên Công an phường Đại Kim phối hợp UBND phường xử lý hành chính đối tượng U.T.H theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực y tế.
Trong sự việc này, hai nhân viên y tế đã vi phạm quy định về việc giãn cách xã hội và quy chế quản lý nhân viên y tế của bệnh viện; tự ý đi lấy mẫu xét nghiệm PCR mà không được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị; việc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu hứng, ngay trên xe ôtô… tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Đây chỉ là một trong những vụ việc được phát hiện và ngăn chặn trong thời gian qua. Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đồng thời củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Văn Công (trú tại phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn).
Theo kết quả điều tra thì Công đã làm hơn 100 giấy xét nghiệm giả bán cho các lái xe, người buôn bán và công nhân. Khám xét chỗ ở và kiểm tra máy tính của đối tượng, Công an đã phát hiện nhiều tài liệu, hơn 200 mẫu dấu tròn của các cơ quan tổ chức, chữ ký, dấu chức danh của các cá nhân có liên quan để phục vụ việc làm giả giấy tờ. Trong vụ án này, đối tượng thu gom giấy xét nghiệm thật hoặc hết hạn sử dụng rồi scan vào máy tính.
Sau khi thỏa thuận với người có nhu cầu, các đối tượng sẽ dùng máy tính, máy in để làm giả giấy xét nghiệm. Với các giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng đã có thể mua được giấy xét nghiệm hoặc giấy đi đường giả nên nhiều người đã đặt mua để đi qua các chốt kiểm dịch; thậm chí để có giấy xét nghiệm PCR nhanh nhất, nhiều người còn đi cửa sau, với sự "giúp đỡ" nhiệt tình của nhân viên y tế…
Một số đối tượng còn sửa chữa giấy xét nghiệm để thông chốt. Vụ việc xảy ra vào hồi 8h ngày 20/9, tại chốt kiểm soát dịch A08 (Km50+700 quốc lộ 5 lối cầu Hàn đi Nam Sách thuộc TP Hải Dương) là một ví dụ. Khi kiểm tra xe ôtô tải BKS 29H - 276.36 thuộc diện xe luồng xanh do lái xe Nguyễn Văn Mai (SN1981, ở Dược Hạ, xã Tiên Dược) điều khiển đi từ Sóc Sơn (Hà Nội)… tổ công tác đã phát hiện phiếu kết quả xét nghiệm test nhanh COVID-19 của anh Nguyễn Văn Mai có dấu hiệu bị sửa chữa, thay đổi ngày làm xét nghiệm và ngày trả kết quả xét nghiệm.
Khi phiếu xét nghiệm COVID-19 trở thành giấy tờ bắt buộc để tham gia giao thông thì các đối tượng nắm bắt được cơ hội đã không từ phương thức nào để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài các vụ làm giả, còn có việc sửa chữa để thông chốt… và còn làm tắt, qua "cò mồi" như trên. Những hành vi trên không chỉ là hành vi tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường khi cả nước đang gồng mình chống dịch. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý, khởi tố cả những đối tượng sử dụng giấy xét nghiệm giả.