Những thủ đoạn lừa đảo qua việc thuê ôtô và chơi “hụi”

Thứ Tư, 17/11/2021, 07:19

Thông qua mối quan hệ quen biết, Nguyễn Tấn Tài (SN 1992, ngụ phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã liên hệ anh Lê Minh Chí để thuê ôtô. Lúc đầu, Tài trả tiền thuê đầy đủ nên anh Chí hoàn toàn tin tưởng giao xe.

Tuy nhiên khi anh Chí yêu cầu Tài mang xe đến kiểm tra nhưng không được. Anh Chí nghi ngờ, sau đó phát hiện Tài đã mang ôtô đi bán nên trình báo cơ quan Công an.

Với thủ đoạn tương tự, Tài thuê ôtô của 5 người rồi đem đi cầm cố hoặc bán, chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng. Quá trình điều tra, tháng 10/2021, Tài bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

lua.jpg -0
Người dân đến cơ quan Công an tố cáo việc bị chủ hụi lừa đảo.

 Công an TP Cao Lãnh, Đồng Tháp cũng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Ngô Quốc Trung (SN 1984, ngụ phường 3, TP Cao Lãnh) điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo kết quả điều tra, Trung vay tiền ngân hàng để mua ôtô. Đến tháng 1/2020, Trung mang ôtô đến cơ sở ở TP Cao Lãnh, cầm cố 630 triệu đồng. Đến tháng 7/2020, Trung mất khả năng đóng lãi. Chủ tiệm cầm đồ đã kiểm tra, sau đó phát hiện giấy tờ xe là giả.

Thiếu tá Đặng Văn Bé Hai, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an TP Cao Lãnh khuyến cáo chủ xe trước khi cho thuê hãy tìm hiểu rõ về nhân thân cũng như kiểm tra giấy tờ tùy thân của người thuê xe, cần có hợp đồng ràng buộc về quyền, nghĩa vụ giữa các bên theo đúng quy định pháp luật.

Quá trình cho thuê xe, mượn xe, chủ phương tiện cần phải liên lạc, trao đổi thông tin thường xuyên với người thuê xe để nắm rõ về hiện trạng sử dụng xe. Theo Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp, về phương thức, thủ đoạn, đối tượng lợi dụng mối quan hệ quen biết với bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo.

Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội tiếp cận bị hại để tạo lòng tin và hứa hẹn vật chất, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trong quá trình mua bán hoặc cầm cố các tài sản có giá trị cao để tránh tiền mất, tật mang.

Tại Trà Vinh, cơ quan điều tra đã tiếp nhận tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức góp hụi, với số tiền trên 32 tỷ đồng. Cả trăm hụi viên tố giác bà Nguyễn Thị Cẩm Nguyên (SN 1983, ngụ phường 7, TP Trà Vinh) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên, thông qua hình thức góp hụi.

Theo các hụi viên, bà Nguyên làm chủ hụi (đầu thảo) huy động nhiều hụi viên tham gia. Ngày 5/11, bà Nguyên không khui hụi như bình thường và các hụi viên không thể liên lạc. Cơ quan điều tra xác minh bước đầu xác định, bà Nguyên có mở 2 tiệm nail và shop thời trang ở TP Trà Vinh.

Bà Nguyên làm chủ hụi nhiều năm và còn 90 dây hụi, có nhiều hụi viên tham gia góp vốn. Bà Nguyên lập danh sách và tạo một nhóm Zalo để các hụi viên tham gia, thông tin hụi viên hốt hụi sẽ được thông báo trong nhóm Zalo. Việc đóng hụi, hốt hụi qua chuyển khoản hoặc tiền mặt. Sau khi các hụi viên không liên lạc được, các cơ sở kinh doanh của bà Nguyên cũng đều đóng cửa.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, từ cuối năm 2018 đến nay, tại Trà Vinh đã xảy ra khoảng 2.000 vụ vỡ hụi. Cơ quan điều tra khởi tố 16 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 16 bị can, chủ yếu là đầu thảo hụi có hành vi gian dối chiếm đoạt trên 20 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, thủ đoạn lừa đảo của chủ hụi nổi lên với phương thức đặt tên khống rồi đưa vào các dây hụi để hốt hụi. Chủ hụi lấy tên hụi viên hốt hụi hoặc bán hụi khống cho hụi viên để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, TAND các cấp đã thụ lý, giải quyết gần 1.800 vụ dân sự liên quan đến việc góp hụi. Có thể thấy hoạt động góp hụi giúp hụi viên huy động vốn dễ dàng và thuận tiện nhưng rủi ro rất cao, bởi khi có vụ vỡ nợ thì việc hoàn lại tiền cho hụi viên sau khi bản án đã tuyên rất khó, thậm chí không thi hành được.

Văn Vĩnh - Thanh Thảo
.
.
.