Nhiều nhà máy trong khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường

Thứ Ba, 07/09/2021, 06:25

Khu công nghiệp (KCN) Phong Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) đã 12 năm đi vào hoạt động, với nhiều nhà máy sản xuất trên các lĩnh vực khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

 

Vì thế, một số nhà máy trong KCN này sau khi tự xử lý nước thải đã xả thẳng ra môi trường; ra các ao hồ, kênh rạch, sông suối trên địa bàn, thẩm thấu vào đất, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

nha may.jpg -0
Tình trạng cá chết ở ao hồ do nhà máy chế biến tôm đông lạnh của Công ty C.P xả thải.

Điển hình mới đây, vào các ngày 17 và 18/8, người dân ở thị trấn Phong Điền phát hiện gần 1 tấn cá tự nhiên ở ao hồ, khe suối gần KCN Phong Điền chết nổi trắng bụng. Ngay sau đó, Ban Quản lý (BQL) khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh lấy mẫu tại khu vực cá chết bất thường; quan trắc nước thải đột xuất tại nhà máy chế biến tôm đông lạnh của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Huế (gọi tắt Công ty C.P), cách khu vực cá chết khoảng 300m và mương nước dẫn từ nhà máy ra khu vực cá chết.

Kết quả quan trắc nước thải sau xử lý của nhà máy thuộc Công ty C.P vào hai thời điểm khác nhau cho thấy có 5/10 chỉ tiêu đo đạc, phân tích vượt giá trị nồng độ tối đa cho phép. Trong đó, 2 chỉ tiêu là amoni tổng số (NH4+-N) vượt giới hạn cho phép 15 lần và tổng nitơ vượt 5,94 lần.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó phòng Quy hoạch, Xây dựng, TN&MT thuộc BQL khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau khi có kết quả quan trắc, Ban đã có văn bản yêu cầu Công ty C.P tạm ngừng hoạt động xả thải của nhà máy chế biến tôm đông lạnh vào môi trường để kiểm tra, rà soát quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Đồng thời yêu cầu công ty này kích hoạt hồ sự cố của nhà máy để phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải trong trường hợp chất lượng nước thải sau khi xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Ngoài ra, yêu cầu Công ty C.P liên hệ với 2 đơn vị tiến hành lấy mẫu, quan trắc độc lập nước thải sau xử lý của nhà máy khi hệ thống xử lý nước thải vận hành ổn định và đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan kiểm tra quá trình lấy mẫu. Đặc biệt, phải khẩn trương lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục của nhà máy và phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021...

Được biết, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 2 khu kinh tế, 6 KCN thu hút nhiều dự án đang hoạt động, nhưng chỉ có KCN Phú Bài và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là có nhà đầu tư hạ tầng KCN nên có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

5 KCN còn lại gồm Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Quảng Vinh đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Vì thế, thời gian qua, nhiều nhà máy ở các KCN này trong quá trình hoạt động đã tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu dân cư gây bức xúc cho người dân địa phương.

Hiện, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang kêu gọi nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, xây dựng hệ thống xử lý nước thải để sớm chấm dứt tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.

PV
.
.
.