Người đàn bà chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng từ lừa góp vốn kinh doanh

Thứ Sáu, 10/09/2021, 21:01

Viện KSND TP Hà Nội vừa chuyển hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng tới TAND TP Hà Nội để xét xử theo trình tự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Lan (SN 1974, trú tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Lan không có nghề nghiệp ổn định. Lan tự đưa ra thông tin gian dối về việc bản thân có thể mua được máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ và bán lại giá ưu đãi. Ngoài ra, Lan còn mạo nhận có quan hệ với Tổng Giám đốc Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam và các sếp trong ngành xi măng. Lan cam kết, nếu ai muốn đầu tư kiếm lợi nhuận thì đưa tiền để chị ta mua máy móc và chia lợi nhuận cao nên nhiều người đã "xuống tiền". Để tạo lòng tin ban đầu, Lan luôn trả tiền gốc và chia lợi nhuận đúng hẹn. Nhưng cũng ngay sau đó, Lan tiếp tục huy động vốn với số tiền lớn hơn nhằm chiếm đoạt.

Người đàn bà chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng từ lừa góp vốn kinh doanh -0
Bị cáo Lan tại phiên toà sơ thẩm lần thứ nhất.

Sau đó, Lan lập tài khoản zalo và giới thiệu với các bị hại rằng, tài khoản này là của Tổng Giám đốc Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam. Đồng thời, Lan nhắn tin cho các bị hại mạo nhận và hứa hẹn, lập các hợp đồng mua bán khống... để chiếm đoạt tiền. 

Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2014 đến tháng 9/2017, Lan đã lừa đảo chiếm đoạt của 31 người với tổng số tiền 291 tỷ đồng. Trong đó, chị Trần (quê Ninh Bình) bị chiếm đoạt số tiền rất lớn lên tới hơn 31 tỷ đồng. Lần đầu, chị Trần đưa cho Lan 1 tỷ đồng. Sau hai ngày, Lan đưa lại cho chị Trần 1 tỷ đồng tiền gốc kèm 300 triệu đồng lãi. Thấy có lợi cao nên chị Trần tiếp tục đưa tiền cho Lan nhiều lần. Và sau mỗi lần nhận tiền, Lan đều trả lợi nhuận rất cao cho chị Trần. 

Tháng 3/2017, sau khi chị Trần đưa gần 20 tỷ đồng nhưng Lan không trả gốc và lãi đúng hẹn nên chị đòi tiền. Lúc này, Lan đưa cho chị Trần xem bản hợp đồng mua bán phế liệu trị giá 56 tỷ đồng và nói, chuẩn bị lấy hàng. Tin tưởng Lan, chị Trần tiếp tục nhiều lần đầu tư tiền. Tháng 8/2017, Lan đã nhận của chị Trần tổng số tiền 31,4 tỷ đồng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, Lan đã lừa đảo và chiếm đoạt của bà Hà (quê Thanh Hóa) số tiền 23,5 tỷ đồng. Ban đầu, Lan rủ bà Hà góp vốn để Lan mua xi măng giá rẻ mang bán cùng chia lợi nhuận. Lần đầu tiên, bà Hà đầu tư 6 tỷ đồng. Sau 4 ngày, Lan chia lợi nhuận cho bà Hà 500 triệu đồng. Thấy kiếm được nhiều tiền nhanh chóng, bà Hà nhiều lần đưa tiền cho Lan để góp vốn đầu tư. Sau khi nhận của bà Hà hàng chục tỷ đồng, Lan chiếm đoạt luôn. 

Đến khi vụ án xảy ra, tổng số tiền Lan còn chiếm đoạt của bà Hà là 23,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Lan khai đã dùng tiền của 31 bị hại đưa cho ông Bùi Hồng Minh (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) khoảng 129 tỷ đồng; đưa cho ông Nguyễn Sỹ An (quê Nghệ An) hơn 42 tỷ đồng. Nhưng ông Minh và ông An không thừa nhận lời khai của Lan. 

Ngoài ra, Lan còn khai đã nhờ ông An làm giả các hợp đồng mua bán hàng hóa khống để Lan sử dụng nhằm mục đích lừa đảo. Tuy nhiên, Lan không bàn bạc, không nói cho ông An biết mục đích của mình nên cơ quan điều tra xác định, ông An không đồng phạm với Lan và không đề cập xử lý.

Trước đó, ngày 11 và 12/1/2021, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử vụ án này. Nhưng trong quá trình xét xử, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhằm làm rõ thêm hành vi của những người liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm như đã nêu trên.

Nguyễn Hưng
.
.
.