Ngăn chặn nạn mua bán người - giải cứu những phận đời cùng cực

Ngăn chặn nạn mua bán người ở vành đai biên giới - Bài 2

Thứ Sáu, 08/10/2021, 06:45

Để ngăn chặn nạn mua bán người, vai trò của lực lượng Công an các tỉnh biên giới vô cùng quan trọng. Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, những ngày này, trên các tuyến biên giới, lực lượng Công an các tỉnh Lào Cai, Lai Châu… phối hợp với Bộ đội Biên phòng đã và đang tăng cường đảm bảo tình hình an ninh trật tự, trong đó có tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua bán người qua biên giới.

Khi đặt bút viết về cuộc chiến thầm lặng của người lính miền biên ải trong cuộc đấu trí với tội phạm mua bán người, tôi nhớ đến nụ cười rạng ngời của Thiếu tá Mang Hoài Nam, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm mua bán người và tệ nạn xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai và đồng đội, khi giải cứu thành công một nạn nhân bị lừa bán từ Trung Quốc trở về; rồi nhớ đến giọt nước mắt đoàn viên của các nạn nhân trong giây phút trùng phùng bên những người thân trong gia đình và cả đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi sau nhiều ngày lăn lộn những nơi rừng thiêng, nước độc, lần tìm theo dấu vết của những kẻ buôn người…

ngan.jpg -0
Các lực lượng phối hợp tuần tra biên giới, ngăn chặn nhiều vụ mua bán người.

Sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ; đặc biệt các dịch vụ nhạy cảm như karaoke, massage… ở phía bên kia biên giới. Đồng thời, sự mất cân bằng giới tính của phía Trung Quốc và những rào cản về pháp lý giữa hai quốc gia đã tạo ra áp lực và sự gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán người qua biên giới mà chủ yếu là mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm hoặc cưỡng ép hôn nhân trái pháp luật.

“Lào Cai được xác định là một trong các tỉnh trọng điểm ở khu vực Tây Bắc và trên toàn quốc, vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán người”- Thiếu tá Mang Hoài Nam cho biết.

Theo Thiếu tá Nam, tội phạm mua bán người trên địa bàn Lào Cai có những đặc điểm riêng. Các đối tượng thường đến vùng sâu vùng xa, nơi đồng bào còn nhiều khó khăn về kinh tế, cũng như hạn chế về nhận thức để lừa phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán. Tình trạng xuất cảnh trái phép diễn biến phức tạp, có hàng nghìn người sang nhiều khu vực ở Trung Quốc làm thuê thời vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ bị mua bán.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng Công an và Biên phòng, các đối tượng mua bán người thường lấy tên và địa chỉ giả để lừa dối nạn nhân khi tiếp xúc làm quen; đồng thời sử dụng nhiều số máy điện thoại loại “sim rác” để liên lạc với bị hại và cả đồng bọn trong từng vụ cụ thể, sau khi gây án, đối tượng hủy sim hoặc thay sim mới.

Đối tượng đồng thời sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để làm quen với người bị hại, sau đó lừa gạt đưa sang Trung Quốc bán. Đặc biệt nổi lên tình trạng đối tượng phạm tội sử dụng ảnh đại diện trên Facebook là người Trung Quốc và tự giới thiệu là cán bộ Hải quan, Biên phòng hoặc Công an đang sinh sống, làm việc tại Trung Quốc để làm quen và lừa gạt người bị hại đi sang Trung Quốc chơi, sau đó đưa đi bán cho người Trung Quốc mua làm vợ.

Có những trường hợp, sau khi dụ dỗ, lừa gạt được phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán, đối tượng đã lấy điện thoại của nạn nhân rồi khai thác thông tin từ danh bạ điện thoại của nạn nhân. Sau đó, chúng sử dụng điện thoại để liên lạc và dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em khác đưa đi bán. Các đối tượng phạm tội mua bán người thường hoạt động lưu động liên huyện, liên tỉnh và xuyên quốc gia nên rất khó khăn trong công tác điều tra, xác minh, truy bắt, xử lý đối tượng.

 Cho đến bây giờ, cán bộ Đội phòng, chống tội phạm mua bán người và tệ nạn xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai vẫn còn nhớ lần triệt phá đường dây mua bán người do Sùng A Chớ, có biệt danh Minh “lợn” (SN 1991, HKTT tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, Điện Biên) cùng đồng bọn phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, xảy ra trên địa bàn Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn…

Từ năm 2018 đến 2020, Chớ và các đối tượng trong ổ nhóm đã lừa bán khoảng 42 bị hại. Qua công tác nắm tình hình, trước đó Công an tỉnh Lào Cai đã phát hiện ổ nhóm chuyên lừa gạt các nạn nhân ra nước ngoài. Địa bàn và khu vực đối tượng ẩn náu là trên đồi núi, ở các lán trại ở Trung Quốc; kẻ cầm đầu rất ít khi về Việt Nam.

Vào thời điểm chuyên án được xác lập, các thành viên của Ban chuyên án phải đối mặt với không ít khó khăn. Từ lời khai và mô tả của một số nạn nhân đã trở về, họ xác định đối tượng cầm đầu đường dây có biệt danh là Minh “lợn”, thường xuyên lẩn trốn ở khu vực giáp biên giới Trung Quốc, còn tên tuổi và địa chỉ thì không xác định được bởi đối tượng thường dùng tên và địa chỉ giả. Minh “lợn” không về Việt Nam mà sử dụng điện thoại để trao đổi với các chân rết để tìm các nạn nhân mang sang Trung Quốc bán.

Ngoài ra, đối tượng còn sử dụng điện thoại, lấy thông tin của họ để tán tỉnh, làm quen để điều các nạn nhân sang Trung Quốc… Từ thông tin trên, Công an tỉnh Lào Cai và Công an Trung Quốc đã nhiều lần truy quét nhóm đối tượng này nhưng mỗi lần truy quét thì đối tượng lại di chuyển địa điểm và lẩn sâu hơn vào trong rừng. Để tránh bị truy bắt, đối tượng còn bố trí người canh gác trên đường vào khu vực ở và sử dụng cả bộ đàm, nuôi chó dữ canh gác.

Xét tính chất phức tạp của vụ việc, xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, Lào Cai chỉ là địa bàn trung chuyển, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã báo cáo Cục Cảnh sát hình sự lập chuyên án.

Chuyên án được mở nút thắt vào 3h ngày 2/7/2020 khi Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai tổ chức bắt giữ 3 đối tượng trong ổ nhóm gồm: Sùng A Chớ, Thào Seo Hoà, biệt danh là ông ngoại (SN 1976, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên) và Thào Sao Áo, có biệt danh là Lùng Thai (SN 1995, trú tại xã Tân Tiến, huyện Lục Yên, Yên Bái), khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Quá trình đấu tranh, mở rộng, Công an tỉnh Lào Cai bắt Chang A Vương, còn có tên gọi khác là Phong (SN 1987, bản Lùng Than, xã Tà Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu) cùng với Chang A Lử (SN 1996, cùng trú tại địa chỉ trên). Từ đây, Ban chuyên án đã triệt phá thành công đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Cũng như Lào Cai, khu vực biên giới Việt - Trung ở tỉnh Lai Châu mang đậm nét đặc thù về dân tộc, thân tộc; cùng với những đặc điểm, yếu tố về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội là núi liền núi, sông liền sông rất thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán, thăm thân; lợi dụng điều đó, các đối tượng đã câu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người qua biên giới, nhất là hoạt động dụ dỗ, lừa gạt đưa phụ nữ, trẻ em Việt Nam sang Trung Quốc bán vào các tổ chức bán dâm, ép kết hôn hoặc bóc lột sức lao động.

Khó khăn chung của các tỉnh biên giới như Lào Cai, Lai Châu… trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đó là khi người bị hại bị mua bán chưa trở về thì việc tố cáo chủ yếu là do người thân của bị hại đến trình báo nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng là rất khó khăn.

Nhất là trường hợp các bị hại sau khi bị bán ra nước ngoài thường bị đưa sâu vào nội địa, đặc biệt có những trường hợp người bị hại bị đưa đi bán ở khu vực biên giới giáp ranh giữa Trung Quốc với nước khác như Myanmar nên không thể giải cứu được.

Nhiều trường hợp có những bị hại được Công an Trung Quốc phát hiện và giải cứu nhưng do đã bị bán đi quá lâu hoặc do bất đồng về ngôn ngữ, đã không thể khai báo chính xác về nhân thân và gia đình của nạn nhân ở Việt Nam nên rất khó khăn trong việc xác định nhân thân, lai lịch người bị hại để hoàn thiện thủ tục tiếp nhận.

Một số bị hại chỉ làm quen với đối tượng thông qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội; chỉ gặp đối tượng một lần khi bị đưa đi bán nên không biết thông tin về đối tượng, không nhận dạng được đối tượng nên rất khó khăn cho việc chứng minh tội phạm, xử lý đối tượng.

 Khó khăn là vậy, gian nan là thế nhưng trong những năm qua, Công an tỉnh Lào Cai, Lai Châu… đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã có nhiều giải pháp ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán người. Công an các tỉnh Lào Cai, Lai Châu… đã thường xuyên phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, các địa bàn trọng yếu, đường mòn, lối mở, kịp thời ngăn chặn tình trạng đưa người vượt biên trái phép và giải cứu phụ nữ trẻ em đang trên đường đưa sang Trung Quốc bán.

Tại Lào Cai, Phòng Cảnh sát hình sự đã thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu vận động, giáo dục các chủ đò ký cam kết không tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng, đường dây, ổ nhóm nghi vấn buôn bán người.

Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền cho cư dân ở khu vực biên giới, đổi mới và lồng ghép các hình thức tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và nâng cao tinh thần tố giác tội phạm cho nhân dân khu vực biên giới.

Trong đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố, thị xã đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng điều tra, khám phá 23 vụ/ 67 đối tượng mua bán người; phối hợp đấu tranh 3 chuyên án, tiếp nhận 3 đối tượng phạm tội, bắt 5 đối tượng truy nã, giải cứu và tiếp nhận 182 nạn nhân bị mua bán; phối hợp thực nghiệm điều tra, xác định hiện trường 75 vụ án do lực lượng Công an tỉnh Lào Cai phát hiện, khởi tố, thụ lý điều tra.

Công an tỉnh Lai Châu cũng đã chủ động thường xuyên phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh biên giới”.

Trong năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đã  điều tra, làm rõ đường dây mua bán người do Má A Hồng (SN 1995, trú tại: Bản Sin Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) điều hành. 

Vào khoảng tháng 10/2020, qua mạng xã hội, Ma A Hồng quen biết tán tỉnh, yêu đương với Lùng Thị S (trú tại tỉnh Lai Châu). Sau đó, Má A Hồng rủ Lùng Thị S đi làm thuê tại TP Lai Châu rồi đưa nạn nhân đến mốc 68, khu vực biên giới thuộc xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bán cho một người đàn ông Trung Quốc không biết tên được 5.000 NDT. Vụ án hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Công tác hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua đã có hiệu quả, nhiều vụ án đã được lực lượng chức năng phối hợp điều tra, nhiều nạn nhân được phối hợp giải cứu, đặc biệt nhiều vụ được giải cứu ngay ở vành đai biên giới, khi nạn nhân bị các đối tượng trong đường dây lừa gạt, trên đường đưa sang Trung Quốc bán.

Trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID- 19, công tác phối hợp điều tra truy bắt hạn chế hơn, các tổ công tác không thể sang trực tiếp để trao đổi, tuy nhiên, thông tin trao đổi của lực lượng chức năng hai nước về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người vẫn được thông suốt bằng công văn phối hợp hoặc các cuộc điện thoại…

Và có “vành đai lửa” ngăn chặn ở đường biên, sẽ góp phần chặn bước chân của các đối tượng mua bán người, giảm bớt số lượng nạn nhân, đồng nghĩa với nhiều cuộc đời không bị rơi vào bi kịch

Xuân Mai
.
.
.