Dồn dập cuộc gọi, tin nhắn mạo danh tổ chức tín dụng để lừa đảo

Thứ Bảy, 21/08/2021, 15:54

Thời gian qua, tình trạng người dân liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi mạo danh các tổ chức tín dụng để lừa đảo có dấu hiệu gia tăng. Đã có nhiều trường hợp khách hàng làm theo và bị chiếm đoạt sạch tiền trong tài khoản.

Gần đây, xuất hiện khá nhiều tình trạng đối tượng mạo danh công ty tài chính gọi điện mời người dân vay vốn. Sau khi thuyết phục người dân đồng ý vay, kẻ gian hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng Auto Cash để giải ngân nhanh. Lúc này, một tài khoản Zalo lạ sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng. Sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân, khách hàng sẽ được ứng dụng Auto Cash giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu, chữ ký giả mạo công ty tài chính.

Dồn dập cuộc gọi, tin nhắn mạo danh tổ chức tín dụng để lừa đảo -0
Người dân liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi mạo danh các tổ chức tín dụng để lừa đảo có dấu hiệu gia tăng.

Tuy nhiên, muốn nhận được tiền vay thì khách hàng phải gửi mật khẩu để xác nhận. Để có mật khẩu này khách hàng phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền đặt cọc thì đối tượng lừa đảo cắt hoàn toàn liên lạc.    

Không chỉ thực hiện các cuộc gọi giả mạo công ty tài chính mời chào vay vốn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kẻ gian còn thực hiện các chiêu thức, thủ đoạn tinh vi như thực hiện gửi nội dung thông báo giả mạo thương hiệu các ngân hàng kèm theo đường link lừa đảo qua tin nhắn SMS, email, ứng dụng mạng xã hội…Từ đó, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.  

Trước vấn nạn này, các tổ chức tín dụng liên tục đưa ra các cảnh báo người dân cảnh giác với các chiêu thức mà kẻ lừa đảo sử dụng.

Cụ thể, các ngân hàng cảnh báo khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp khách hàng đã bấm vào đường link, tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản và dịch vụ ngân hàng số. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới bất cứ hình thức nào. 

Ngân hàng còn khuyến cáo, trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng nên chủ động thực hiện các biện pháp khẩn cấp gồm khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến; đổi mật khẩu của dịch vụ đã cung cấp thông tin cho kẻ gian; gọi điện ngay đến Hotline  cho ngân hàng và chủ động trình báo vụ việc tới cơ quan công an trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng thông báo, qua xác minh, các tin nhắn mạo danh này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo.

Đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, được các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, đặc biệt là người dùng tại các khu vực đô thị.

Tình trạng kẻ gian lợi dụng danh nghĩa ngân hàng, công ty tài chính để thực hiện các vụ lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin bảo mật cá nhân, chiếm đoạt tiền trong tài khoản, yêu cầu chuyển tiền đặt cọc…không phải là mới, tuy nhiên nhiều người dân vẫn mắc bẫy. Thậm chí, khi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, người dùng hoang mang không biết xử lý như thế nào để tránh bị kẻ gian lừa đảo.

Theo đại diện công ty tài chính FE CREDIT cho biết, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn mạo danh, khách hàng cần bình tĩnh tìm hiểu thật kỹ thông tin, kiểm tra chi tiết địa chỉ website xem có các dấu hiệu bất thường. Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền cũng như cung cấp thông tin bảo mật cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo. Đồng thời, không thực hiện giao dịch các khoản vay tiêu dùng tại các ứng dụng vay tiền trôi nổi không được cấp phép.

“Đối với các khách hàng của FE CREDIT chỉ truy cập và khai báo tên đăng nhập, mật khẩu, mã PIN tại các địa chỉ chính thức của công ty như website https://fecredit.com.vn/ (có biểu tượng ổ khóa an toàn) và ứng dụng FE CREDIT Mobile. Khách hàng cũng hạn chế sử dụng máy tính và mạng không dây công cộng khi truy cập vào dịch vụ FE CREDIT điện tử.” Vị đại diện cho biết thêm.

PV
.
.
.