Điều tra nghi án của làng báo

Thứ Hai, 30/05/2016, 08:16
Liên quan đến thông tin đăng tải trên mạng xã hội về việc URC hối lộ một số cơ quan báo chí, nhà báo để quảng bá cho loại nước đang bị gặp nghi vấn nhiễm chì, Cục An ninh thông tin truyền thông (A87 - Bộ Công an) cho biết đang vào cuộc điều tra xác minh.

Những ngày qua, báo chí đăng tải nhiều bài viết phản ánh về nghi vấn các sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty URC Việt Nam có hàm lượng chì vượt mức cho phép.

Khi sự việc chưa ngã ngũ thì sáng 24-5, trên mạng xã hội facebook đăng tải bài viết chỉ đích danh một số tờ báo cũng như nhà báo đã nhận tiền của một công ty truyền thông để quảng bá sản phẩm kém chất lượng và thực hiện các chiến dịch che đậy, dẫn dắt dư luận và bóp méo sự thật cho URC.

Một nguồn tin trên mạng xã hội cũng "bêu tên" một loạt phóng viên, nhà báo đã nhận một khoản tiền lớn để viết bài bênh vực các sản phẩm nước giải khát nghi nhiễm chì. Trong số nhà báo bị quy kết cầm tiền, người ít nhất nhận 100 triệu, người cao nhất lên đến 600 triệu đồng. Nhiều người cho rằng đây là một bài viết mang tính quy chụp, vu khống.

Còn theo một số lãnh đạo cơ quan báo chí bị quy kết nhận tiền để tuyên truyền cho loại nước đang bị gặp nghi vấn nhiễm chì đều khẳng định, đơn vị không ký bất kỳ hợp đồng hợp tác hay thỏa thuận nào với Công ty URC Việt Nam.

Đại diện Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định, bài viết có nội dung quy kết mang tính bịa đặt, vu khống gây ảnh hưởng đến uy tín của VOV.VN. Đài Tiếng nói Việt Nam không có phóng viên nào có tên giống như trang facebook này nêu. Đơn vị cũng không có bất kỳ hợp đồng quảng cáo, tài trợ nào với công ty URC cũng như đơn vị đại diện truyền thông của URC là Golden Group.

Ban Biên tập Báo điện tử Kiến thức cũng khẳng định, nội dung mà facebook nêu ra là sai sự thật, không có bằng chứng, có tính chất bôi nhọ, vu khống. Thời điểm xảy ra sự việc như facebook trên đăng tải, Phó Tổng biên tập báo Kiến thức có tên trong danh sách đang đi nước ngoài, không có mặt tại Việt Nam...

PV
.
.
.