Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo lợi dụng dịch bệnh

Thứ Hai, 06/09/2021, 07:38

Lợi dụng chủ trương nhân văn của Chính phủ là hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong lúc dịch bệnh hoành hành, kẻ gian đã tìm nhiều chiêu thức đánh vào sự cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã bị kẻ gian mạo danh gửi thư cho khách hàng nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ này. Đường link này dẫn tới website giả mạo trang đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

image001-1630888738249.png
Người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa. Ảnh minh họa.

“Vietcombank không bao giờ liên hệ với khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin định danh, mật khẩu, mã xác thực OTP (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này”, Vietcombank thông tin. Nhà băng đồng thời còn khuyến cáo khách hàng nếu nhận được yêu cầu cung cấp thông tin theo hình thức như trên, khách hàng vui lòng thông báo cho ngân hàng thông qua điểm giao dịch Vietcombank gần nhất, hoặc gọi đến đường dây nóng để được hỗ trợ kịp thời. Khách hàng cũng có thể thông báo cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn để phối hợp với cơ quan thẩm quyền ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Cũng là một “đích nhắm” để tạo lòng tin đối với khách hàng, TPBank cho biết đã bị kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng này để hỗ trợ khoản vay, mở thẻ. Sau đó, kẻ gian yêu cầu khách hàng thanh toán phí hồ sơ, phí bảo hiểm, phí khoản vay.

Cụ thể, “đánh” vào nhu cầu vay vốn trong thời điểm khó khăn, đối tượng mạo danh cán bộ, nhân viên TPBank hoặc TPBank Fico (khối tín dụng ngân hàng) để mời khách hàng vay vốn với thủ tục nhanh gọn và đơn giản. Sau khi tư vấn qua điện thoại, Zalo, Facebook, đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng thao tác tải một số ứng dụng giả mạo, được thiết kế tương tự các ứng dụng, web của TPBank.

Nhằm tạo sự tin tưởng, đối tượng còn làm giả/cắt dán chữ ký và con dấu của TPBank để làm thông báo gửi cho khách hàng hoặc tạo tài khoản Zalo/Facebook đăng tải nhiều hình ảnh cá nhân kèm thẻ nhân viên, bằng khen của cán bộ nhân viên TPBank, TPBank Fico. Cuối cùng, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng nộp phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm, phí khoản vay… vào một tài khoản cá nhân và chiếm đoạt số tiền này.

"Ngân hàng không yêu cầu khách hàng đóng thêm các khoản phí để tham gia chương trình hoặc không yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của cán bộ, nhân viên mở tại TPBank hay tại ngân hàng khác để thanh toán các khoản vay, khoản phí. Trong mọi trường hợp, ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật - như tên đăng nhập, mã OTP, mật khẩu tài khoản, mã mở khóa eToken qua các đường link…" - TPBank khuyến cáo.

Tương tự, một thủ đoạn lừa đảo mới trong giai đoạn dịch COVID-19 cũng vừa được BIDV cảnh báo. Theo đó, lợi dụng nhu cầu mua sắm online tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, một số đối tượng đã tạo các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, có liên kết thanh toán trực tuyến với các ngân hàng, như ebanking-shopee.vn, ibanking-shopee.vn, ibank-shopee.vn, ebankingshopee.vn, ibankingshopee.vn, mobilebanking-shopee.vn, shopeemobilebanking.vn…

Đối tượng gửi đường link truy cập các trang web lừa đảo này qua tin nhắn SMS, email… hoặc gọi điện thoại để hướng dẫn khách hàng giao dịch trên trang giả mạo, với mục đích lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã số OTP nhằm thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Không phải chỉ các ngân hàng thương mại đưa ra lời cảnh báo, trước hiện tượng lừa đảo lợi dụng dịch bệnh nhằm vào tài khoản ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đưa ra cảnh báo các chiêu thức lừa đảo mà tội phạm đang sử dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng thông qua hoạt động thanh toán. Theo đó, tại Văn bản số 4893/NHNN-TT “V/v đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán”, NHNN cảnh báo các hiện tượng liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán thời gian gần đây.

Các thủ đoạn được NHNN đề cập bao gồm mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để lừa đảo. Nếu người dùng cung cấp mã OTP giao dịch trực tuyến, sẽ bị mất tiền trong tài khoản. Một chiêu trò khác là chuyển một số tiền nhỏ cho khách hàng, sau đó giả mạo ngân hàng gọi điện yêu cầu nạn nhân đăng nhập tài khoản vào trang web giả để xử lý sự cố giao dịch là một hình thức lừa đảo khác bị cảnh báo. Nếu người dùng làm theo các bước được yêu cầu, sẽ có nguy cơ bị kẻ gian lấy cắp tài khoản.

Ngoài các thủ đoạn kể trên, NHNN cũng cảnh báo nhiều chiêu trò mà kẻ gian thường xuyên sử dụng gần đây để lừa đảo tiền của khách hàng như giả mạo công ty tài chính mời vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài app trên điện thoại; mạo danh nhân viên nhà mạng nhằm chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại của khách hàng…

Ngoài NHNN, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thời gian gần đây cũng liên tục đưa ra các cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo nạn nhân như cảnh báo app “giật đơn” hàng online, lừa đảo qua dịch vụ "ship cod" để thu khoản chênh lệch giá, lừa đảo qua lệnh chuyển khoản giả, lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine COVID-19… Tương tự, lực lượng Công an cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo và khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa để tránh bị lừa đảo.

Hà An
.
.
.