Xét xử vụ án “Bố đánh chết con vì mất một bao tiêu”: Muộn màng những giọt lệ sám hối

Thứ Sáu, 20/06/2014, 08:40
Sáng 18/6, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử lưu động sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Lam (31 tuổi, trú thôn 1, xã Ea Ral, huyện Ea Hleo) phạm tội giết người và cố ý gây thương tích. Đây là vụ án gây xôn xao dư luận bởi nạn nhân không ai khác chính là con đẻ của bị cáo. Một phiên tòa đầy nước mắt, nước mắt của bị cáo, người thân của bị cáo đã rơi trong suốt phiên tòa…

Ngay từ sáng sớm, từ cổng cho đến sân của trụ sở UBND xã Ea Ral, huyện Ea Hleo đã có hàng ngàn người dân đứng ngồi chen chúc nhau để được theo dõi diễn biến của phiên toà. Người bế con, người kiễng chân trước cửa, người bàn tán xôn xao nhưng trong thâm tâm họ, ai nấy đều tỏ ra xót thương cho nỗi đau của gia đình nhỏ này.

Có mặt từ rất sớm tại phiên toà, vợ và 2 con nhỏ của Lam liên tục khóc nức nở từ khi Lam bước xuống chiếc xe của lực lượng Cảnh sát. Trước vành móng ngựa, suốt phiên tòa bị cáo luôn cúi gằm mặt, thỉnh thoảng mới ngoái đầu quay lại nhìn trộm vợ con cùng với ánh mắt đỏ hoe vì khóc ăn hận.

Theo lời khai nhận đầy nước mắt của bị cáo trước tòa, vào khoảng 8h ngày 31/12/2013, bị cáo cùng vợ là Phan Thị Nhị lên rẫy của gia đình ở buôn Tùng Xá, xã Ea Ral để tưới cà phê. Trước khi đi làm, Lam có dặn hai con là cháu Nguyễn Thị Hà (12 tuổi) và Nguyễn Thị Long (10 tuổi) ở nhà trông nhà, đến trưa thì ra nhà trẻ đón em Nguyễn Thị Thuý (5 tuổi) về. Đến khoảng 8h30 cùng ngày, cô giáo nhà trẻ báo tin về cho gia đình biết là em Thuý đi đâu mà không thấy đến nhà trẻ nên 2 cháu Hà và Long đóng cửa nhà để đi tìm em rồi đưa về nhà.

Khi cháu Hà và Long dẫn em trở về nhà thì phát hiện 1 bao tiêu (khoảng 40kg) để trong góc bếp đã bị trộm vào lấy cắp. Sau đó, cháu Hà đi nấu cơm trưa cho cả 3 chị em ăn rồi cắp sách vở đi học, còn cháu Long và Thuý ở nhà. Đến khoảng 14h cùng ngày, vợ chồng Lam đi làm về thì phát hiện hàng rào thép gai nhà mình sau bếp bị xé toang liền chạy vào kiểm tra thì thấy bao tiêu đã “không cánh mà bay”.

Đi làm về mệt mỏi, lại bị mất trộm nên Lam đã kêu cháu Long và Thuý nằm lên giường lấy thước nhựa và dây thắt lưng đánh 2 cháu với lý do mải chơi không giữ nhà nên đã bị trộm lấy cắp tài sản. Đến khoảng 17h, cháu Hà đi học về thì bị Lam bắt cả 3 chị em nằm lên giường rồi lấy dây cột chân cháu Hà lại. Sau đó, Lam tiếp tục lấy 1 đoạn ống nước bằng nhựa đánh vào vùng lưng, tay, chân, ngực và mặt của 3 chị em. Thấy vậy, chị Nhị vào can ngăn và nói: “Đằng nào thì của đã mất rồi, thôi đừng đánh con nữa, coi như của đi thay người” thì Lam mới chịu dừng lại. Đến khoảng 19h cùng ngày, trong lúc ăn cơm, cháu Hà bị đau nên không ăn cơm mà bỏ lên giường nằm ngủ. Nhưng đến khoảng 3h sáng 1/1/2014, chị Nhị phát hiện cháu Hà đã chết. Sau đó Lam ra Công an xã Ea Ral đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo Lam luôn cúi mặt trước vành móng ngựa trong buổi xét xử.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau ngày lập gia đình, cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng Nguyễn Văn Lam dắt díu nhau từ Bắc vào Tây Nguyên tìm kế sinh nhai. Trải qua nhiều thăng trầm, khoảng 2 năm trước khi xảy vụ việc đau lòng trên, họ về thôn 1, xã Ea Ral, huyện Ea HLeo, Đắk Lắk, mua đất định cư. Với nhiều nông dân, có hơn 1ha rẫy trồng tiêu và cà phê thì cuộc sống tạm ổn.

Song với gia đình Lam thì chừng đó chưa đủ để họ xua được cái nghèo. Hai năm về Ea Ral định cư, ngôi nhà của Lam vẫn trống huơ trống hoác, thậm chí chẳng sắm nổi cái giường. Cả gia đình Lam với 5 người hằng đêm ngủ chung trên một tấm nệm trải giữa nhà.

Có mặt tại phiên tòa, qua lời kể của mẹ và vợ Nguyễn Văn Lam, chúng tôi hình dung Lam là con người ít nói, ít giao tiếp, tính tình cộc cằn và hơi độc đoán. Ưu điểm của anh ta là rất siêng năng, biết vun vén cho cuộc sống gia đình. Lam ít uống rượu, không la cà quán xá mà chỉ lầm lũi suốt ngày với cuộc sống mưu sinh. Còn vợ Lam, chỉ nhìn qua thôi đã thấy toát lên sự cơ cực. Người phụ nữ ấy tuy vừa bước sang tuổi 30 nhưng rất gầy gò, đầu tóc rối bù, tay chân nứt nẻ vì những công việc ruộng rẫy cực nhọc.

Những đứa con của vợ chồng Lam dù đang tuổi đến trường nhưng cuộc sống cũng cơ cực, lem luốc, rất đáng thương. Bà Lưu Hải Yến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Ral có mặt tại tòa cho biết, khi đến thăm gia đình, nhìn lên những mảnh giấy khen treo khắp nhà, có thể thấy con cái của Lam không phải là những đứa trẻ hư hỏng đến mức bị bố trừng phạt nặng nề như thế. Phải chăng cơn giận dữ và sự ra tay “tàn ác” với chính con của mình xuất phát từ việc Lam tiếc bao tiêu, thứ mà Lam phải vất vả lắm mới gom góp được?

Khi được vị thẩm phán - chủ tọa phiên tòa hỏi: “Vì sao lại lại đánh con đến mức độ như vậy?”, Lam chỉ biết cúi mặt, khóc nức nở nói: “Lúc ấy bị cáo đi làm về mệt, trước khi đi làm dặn con trông nhà nhưng vẫn bị mất trộm nên bực tức, nóng giận dẫn đến mất khôn. Bị cáo chỉ nghĩ rằng làm như vậy để răn dạy con cái, nào ngờ hậu quả lại khôn lường đến vậy”.

Giờ nghị án, bị cáo ngồi cúi đầu, thu mình trước vành móng ngựa, thỉnh thoảng tiếng khóc nấc vẫn cất lên. Có lẽ bị cáo đang thật sự hối tiếc, chỉ vì một phút thiếu kiềm chế nên hậu quả khôn lường. Có nỗi đau nào đau hơn khi “hổ dữ không nỡ ăn thịt con” nhưng chỉ vì một phút nóng giận mà bị cáo đã phải trả giá đắt. Đó không chỉ là những ngày tháng lao tù, lương tâm bị cắn rứt mà còn là quãng đời bất hạnh của những đứa trẻ sớm phải xa bố, gia đình chia cắt.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, trong cuộc sống bị cáo là người hiền lành, yêu vợ thương con, lại thuộc gia đình chính sách nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, xét thấy tính chất của vụ án đặc biệt nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 18 năm tù về tội giết người, 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích, tổng mức hình phạt mà Lam phải nhận là 21 năm tù giam

Văn Thành
.
.
.