Vụ mua bán quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương:

Xét xử đúng người, đúng tội

Thứ Hai, 21/12/2020, 08:37
Là Bộ trưởng, người đứng đầu được giao quản lý tài sản Nhà nước, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, nhưng ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ký văn bản đề nghị tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí, đồng thời “giới thiệu” người quen tham gia đấu giá.


Còn Đinh Ngọc Hệ, nhờ có sự “ưu ái” của ông Thăng đã chỉ đạo nhân viên “làm đẹp” hồ sơ năng lực (Công ty Yên Khánh và Khánh An, đang thua lỗ thành có lãi) để tham gia đấu giá và Yên Khánh đã giành được quyền thu thí dự án trên.

Thế nhưng, trong suốt những ngày phiên tòa diễn ra, ông Đinh La Thăng luôn phủ nhận cáo trạng. Ông cho rằng cáo trạng mà Viện Kiểm sát (VKS) truy tố mình là không có căn cứ, áp đặt, oan sai… Bị cáo Thăng còn cho rằng mình không phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ án, không phân công trực tiếp cho thứ trưởng nào, không tác động ai… mà chỉ chịu trách nhiệm về hành chính là người đứng đầu Bộ GTVT.

Tuy nhiên, qua các tài liệu, chứng cứ, cơ quan điều tra và VKS đã xác định Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) nhờ mối quan hệ với ông Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải GTVT), Hệ được “ưu ái” giành được quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương. Có được quyền thu phí, Hệ đã có những hành vi cách cắt giảm, che giấu doanh thu thu phí thực tế, che giấu việc kiểm soát doanh thu thu phí của Bộ GTVT, Cơ quan Thuế và các cơ quan của Nhà nước có chức năng thanh, kiểm tra…

Hồ sơ đã chứng minh, con số thực tế được ghi trong hồ sơ, tổng số tiền thu được trong thời hạn thu phí 5 năm từ 2014-2018 là hơn 3.266 tỉ đồng. Số tiền sau khi bị can thiệp, điều chỉnh và che giấu bằng phần mềm gian dối là hơn 2.541 tỉ đồng. Như vậy, số tiền Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm đã chiếm đoạt là hơn 725 tỉ đồng.

Trong phần tranh tụng tại phiên tòa, đại diện VKS đã nêu ra phản biện của mình để chứng minh việc truy tố các bị cáo hoàn toàn chính xác, đúng người, đúng tội. Thứ nhất về quyền thu phí 5 năm liên quan đến nhà nước như thế nào? Đại diện công tố dẫn điều luật về “Tài sản, tài nguyên đều do nhà nước quản lý”. “Tài sản công là tài sản nhà nước gồm hạ tầng giao thông…”.

Cáo trạng nhận xét, bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước. VKS đưa ra hàng loạt thông tư để chứng minh toàn bộ hoạt động doanh thu quản lý và sử dụng phí là nguồn thu thuộc về ngân sách nhà nước… Từ những phản biện trên, VKS khẳng định đủ cơ sở xác định toàn bộ quyền thu phí từ khoảng thời gian 1/1/2014 - 1/1/2019 là của nhà nước. Việc các luật sư cho rằng “Hợp đồng thu phí giữa Cửu Long và Yên Khánh không bao gồm quyền thu phí nhà nước” là không đúng. Đây là hành vi cố ý làm trái dẫn đến hành vi gian dối chiếm đoạt 725 tỉ đồng của Hệ.

Các luật sư cho rằng hợp đồng đã được thanh toán và lời ăn lỗ chịu là không đúng. Nhà nước đã quy định người được quyền mua đấu giá phải có nguồn tài chính để đảm bảo giao đúng hạn, ở đây các bị cáo không giao đúng hạn. Ngoài ra, Hệ đã chỉ đạo Hùng, Hùng chỉ đạo Diệt làm giả các hồ sơ tài chính, đây là hành vi gian dối. Mối quan hệ giữa Hệ và nhân viên là mối quan hệ chủ tớ.

Đối với việc Hệ chỉ đạo can thiệp vào phần mềm của Bộ GTVT, VKS nêu: những người miền Tây qua trạm thu phí họ phải đóng 100 ngàn đồng nhưng trong biên lai thu phí 50 ngàn đồng, vậy là gian dối. Hệ đã chỉ đạo các bị cáo khác xâm nhập phần mềm thu phí để thay đổi seri nhiều lần và thay đổi giá vé từ cao thành thấp. Như vậy việc chỉ đạo của Hệ là xuyên suốt, nhất quán.

Còn về nội dung cáo trạng truy tố Đinh Là Thăng, đại diện VKS cho rằng, bị cáo giữ vai trò chính gây thiệt hại cho Nhà nước. Trước hết, đại diện công tố nói về quan hệ Thăng và Hệ thì giữa Thăng và Hệ đã gặp nhau xin số điện thoại liên lạc với nhau. Năm 2012, nhân chứng là thư ký ông Thăng nói ông Thăng có giới thiệu Hệ là người quen và tôi gặp Hệ tại Bộ GTVT. Thư ký khác của ông Thăng cũng khai rằng, khi ngồi làm việc, tôi thấy một người đàn ông trọc đầu hay đến phòng làm việc của anh Thăng, sau này tôi biết là ông Đinh Ngọc Hệ…

VKS cũng dẫn chứng lời khai Tuấn Minh và Minh đều có lời khai khẳng định bị cáo Thăng đã giới thiệu gọi điện nói có anh Út bên Công ty Thái Sơn muốn xin vào làm một số việc bên Cửu Long. Rồi VKS đưa ra một đoạn nói chuyện của ông Thăng giới thiệu Hệ cho Minh để tham gia các dự án. Ngoài ra, VKS còn đưa ra thêm một số nhân chứng chứng minh mối quan hệ giữa ông Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ cùng những dẫn chứng khác để chứng minh vai trò và vị trí của ông Đinh La Thăng trong vụ án.

Đại diện VKS nêu dẫn chứng, trong giai đoạn bán quyền thu phí có 11 văn bản ghi nơi nhận là Bộ trưởng Đinh La Thăng. Khi Công ty Yên Khánh vi phạm hợp đồng chậm trả tiền, ông Thăng đã có bút phê chỉ đạo yêu cầu các bên thực hiện đúng quy định.

Từ các bằng chứng cụ thể, VKS xác định cáo trạng truy tố ông Thăng là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Bùi Thanh
.
.
.