Vụ lộ thông tin hơn 14.000 người: Viết phần mềm được trả công 8 triệu

Thứ Tư, 07/01/2015, 17:09
Lâm viết xong phần mềm, trong đó có bổ sung một số tính năng bí mật ghi âm, lấy tin nhắn từ điện thoại và được Hùng trả công 8 triệu. Theo thống kê thì số filelog còn lưu lại trên máy chủ công ty là 14.140 tài khoản.

Ngày 7/1, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ án nghe lén điện thoại, đề nghị viện KSND cùng cấp truy tố 7 bị can về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet."

Đại tá Dương Văn Giáp tại buổi họp giao ban Thành uỷ.

7 bị can là: Nguyễn Việt Hùng, (41 tuổi), Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng); Lê Thanh Lâm, (33 tuổi); Nguyễn Văn Tuấn, (27 tuổi); Lê Sỹ Phán, (27 tuổi); Nguyễn Ngọc Kiều, (29 tuổi); Trần Minh Ngọc, (25 tuổi) cùng Nguyễn Thị Nga, (25 tuổi), đều trú tại TP Hà Nội.

Theo kết luận điều tra, ngày 13/5/2014, Thanh tra Sở Thông tin và truyền TP Hà Nội phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực thông tin truyền thông tại Công ty Việt Hồng.

Cơ quan Công an thu giữ thiết bị nghe lén trái phép.

Qua thanh tra đã phát hiện người đại diện pháp nhân công ty này tự tạo ra, cung cấp, cài đặt và duy trì hoạt động phần mềm Ptracker có chức năng thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại di động gồm âm thanh, hình ảnh, video, số liệu, định vị vị trí, số điện thoại đi, đến, nội dung tin nhắn, danh bạ điện thoại, thông tin về các web máy điện thoại đã truy cập, lưu giữ tại máy chủ để cung cấp cho khách hàng khai thác theo mục đích cá nhân. Thông qua phần mềm này, Công ty Việt Hồng đã cố ý truy cập bất hợp pháp vào điện thoại của nhiều người.

Cơ quan điều tra xác định việc phát triển phần mềm Ptracker đã được thực hiện tại Công ty Việt Hồng từ tháng 6/2013 và người phụ trách việc phát triển, cung cấp dịch vụ này là Nguyễn Việt Hùng, là Phó giám đốc công ty. Nguyễn Việt Hùng phụ trách kinh doanh thiết bị giám sát hành trình nhưng do việc kinh doanh này không có hiệu quả nên Hùng nảy sinh ý định viết một phần mềm cài đặt vào các máy điện thoại thông minh, sử dụng hệ điều hành Androi, thay thế cho thiết bị giám sát.

Để thực hiện điều này, tháng 6/2013, Hùng đã liên hệ với Lê Thanh Lâm kỹ sư lập trình để thuê viết phần mềm và thuê một số người làm nhân viên để phục vụ chương trình phát triển phần mềm của mình.

Đến tháng 9/2013, Lâm viết xong phần mềm, trong đó có bổ sung một số tính năng bí mật ghi âm, lấy tin nhắn từ điện thoại và được Hùng trả công 8 triệu đồng, có hứa hẹn sẽ thưởng thêm nếu làm tốt. Đồng thời, Hùng cũng tuyển dụng Lâm vào làm việc tại công ty Việt Hồng với tiền lương 15 triệu đồng/tháng. Sau khi tuyển dụng Lâm vào làm việc, Hùng chỉ đạo bị can này tiếp tục phát triển các chức năng bí mật ghi âm xung quanh, lấy danh bạ điện thoại, quay phim chụp ảnh... từ điện thoại bị giám sát và tăng lương cho Lâm lên 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Lâm và các nhân viên trong công ty còn được hưởng tiền thưởng từ doanh thu phần mềm Ptracker.

Đối với số nhân viên khác, Hùng giao cho Trần Minh Ngọc làm video, bài viết hướng dẫn tải và cài đặt cho khách hàng; Nguyễn Thị Nga có nhiệm vụ tư vấn khách hàng, hỗ trợ văn phòng công ty; Lê Sỹ Phán thiết kế đồ hoạ; Nguyễn Ngọc Kiều và Nguyễn Văn Tuấn có nhiệm vụ giúp việc cho Lâm. Phần mềm Ptracker có chức năng chạy ngầm trên điện thoại, dữ liệu được bí mật lấy từ điện thoại bị giám sát và chuyển về máy chủ của công ty Việt Hồng.

Toàn bộ dữ liệu lấy được thì các nhân viên kỹ thuật của công ty hoàn toàn có thể xem, xoá, khai thác nội dung dữ liệu đó mà không cần tới tài khoản của người đã mua phần mềm này. Lâm tự sử dụng quyền quản trị thống kê toàn bộ tin nhắn, số lượng tài khoản, danh bạ, bị trí điện thoại bị giám sát. Theo thống kê của Lâm thì số filelog còn lưu lại trên máy chủ công ty là 14.140 tài khoản, trong đó 7.447 tài khoản chưa bị xoá dữ liệu; có 670 tài khoản còn đang trong thời gian giám sát (gói dịch vụ mà khách hàng mua còn thời hạn sử dụng).

Về phí sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể lựa chọn các gói 400.000 đồng/tháng hoặc 900.000 đồng/3 tháng, hoặc 1,2 triệu đồng/6 tháng hoặc 1,8 triệu đồng/năm. Đặc biệt khách hàng có nhu cầu sử dụng gói dịch vụ cài đặt vĩnh viễn  và nâng cao phần mềm vào điện thoại thì giá cài đặt vĩnh viễn này là 5 triệu đồng/máy và nâng cao là 1,5 triệu đồng/máy. Lâm khai nhận đã có khoảng 20 khách hàng sử dụng các dịch vụ cài đặt vĩnh viễn. Cơ quan điều tra cũng xác định người sử dụng dịch vụ chủ yếu là vợ/chồng muốn kiểm tra hành vi của nhau...

Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội, đã kết thúc điều tra vụ án “Lê Viết Tám can tội đưa hoặc sử dụng thông tin trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”, đề nghị Viện KSND TP Hà Nội truy tố bị can Lê Viết Tám, (42 tuổi), trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng về tội danh trên. Theo kết luận điều tra, Lê Viết Tám đã có hành vi bán phần mềm giám sát điện thoại có tên là “mspy” cài vào máy điện thoại di động của người khác  để thu thập thông tin dữ liệu của người sử dụng gồm các cuộc gọi đi, gọi đến, định vị vị trí máy điện thoại qua GPS, các dữ liệu hiện có của máy...

Từ tháng 9/2012, Tám bắt đầu kinh doanh bán phần mềm này với mức giá từ 90.000 đồng/tháng đến 1 triệu đồng/6 tháng tuỳ theo từng gói thu thập thông tin cụ thể như thế nào. Cơ quan điều tra xác định có 877 tài khoản người dùng mspy trên trang web của Tám, trong đó có 741 tài khoản đang ở chế độ hoạt động. Cơ quan điều tra cũng xác định số tiền Tám đã thu được từ việc kinh doanh này là hơn 60 triệu đồng.

Qua hai vụ án nêu trên, người sử dụng điện thoại cần cảnh giác khi mua và sửa chữa điện thoại di động của mình, để tránh bị cài đặt thiết bị nghe lén.

Đào Minh Khoa
.
.
.