Tội phạm công nghệ cao: Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Thứ Hai, 18/01/2021, 06:37
Hiện nay, cùng với xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, không gian mạng đã giúp cho con người dễ dàng giao lưu, kết nối với nhau hơn. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, tích cực thì kèm theo đó là xuất hiện một loại tội phạm mới - tội phạm công nghệ cao.


Tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những thủ đoạn khá phổ biến của các đối tượng là sử dụng dịch vụ cuộc gọi thoại trên nền Internet (VoIP) giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát...) gọi điện cho người dân để đe dọa, cho rằng nạn nhân có liên quan đến một vụ án hình sự hay đường dây ma túy nào đó hoặc nhắc nợ cước viễn thông, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng để kiểm tra, xác minh nhưng thực chất là chiếm đoạt. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) cũng diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý là tình trạng người nước ngoài câu kết với một số người Việt Nam làm quen với bị hại, tạo lòng tin, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị, sau đó giả mạo nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan để chiếm đoạt. Ngoài ra, các đối tượng còn giả danh nhà mạng nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu người trúng thưởng nạp tiền làm các thủ tục để nhận thưởng…

Nạn nhân trình báo vụ việc tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang.

Trong năm 2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang đã tiếp nhận và xử lý 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Nạn nhân không chỉ là người dân, chủ doanh nghiệp mà còn có cả cán bộ, công nhân viên chức,… do ít tiếp cận với các thông tin liên quan đến loại tội phạm này nên khi bị những lời lẽ hăm dọa tinh vi của các đối tượng dễ khiến các nạn nhân hoang mang, mất bình tĩnh và dễ dàng "sập bẫy".

Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thị Thu Lan (SN 1990), Nguyễn Trọng Trung (SN 1995) và Huỳnh Vũ Bằng (SN 1978, cùng trú tại TP Hồ Chí Minh) về tội "Rửa tiền".

Vào khoảng tháng 3/2020, nhóm của Lan đã giả danh cán bộ Công an TP Đà Nẵng điện thoại đe dọa chị L.T.T.U. (trú tại TP Long Xuyên, An Giang) thông báo có lệnh bắt vì chị U. liên quan đến hoạt động mua bán ma túy. Các đối tượng nói rằng, nếu chị U. không muốn bị bắt tạm giam thì phải gửi vào tài khoản một số tiền để bảo lãnh.

Dù biết mình không làm gì phạm pháp nhưng lo sợ bị tạm giữ sẽ ảnh hưởng đế việc kinh doanh, chị U. đã làm theo sự hướng dẫn của các đối tượng, đi mở một tài khoản ngân hàng rồi nộp vào 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, mua một điện thoại di động để liên lạc riêng, các đối tượng yêu cầu chị U. cài đặt phần mềm Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (giả danh phóng viên) và cung cấp các thông tin tài khoản cho bọn chúng. Sự việc chỉ bị phát giác khi nhóm của đối tượng Lan tiếp tục điện đe dọa và kêu nộp thêm tiền, chị U. đến cơ quan Công an trình báo sự việc.

Thượng tá Thái Công Tuấn,  Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang cho biết, trong quá trình điều tra, các đối tượng khai nhận đã sử dụng giấy chứng minh nhân dân của mình và cả người đã chết để mở nhiều cùng lúc nhiều tài khoản chuyển cho một đối tượng ở Malaysia sử dụng vào việc chuyển dòng tiền bất hợp pháp. Mỗi tài khoản, hằng tháng đối tượng được chi trả 1,5 triệu đồng.

Đối tượng Trung khai nhận, do đang thiếu tiền phụ giúp gia đình và được Lan trấn an, cam đoan là sẽ không làm gì bất hợp pháp nên Trung thực hiện các yêu cầu của Lan. Cụ thể, Trung đã cùng chị mình đã mở tổng cộng 17 tài khoản chuyển cho Lan và được Lan chi trả 77 triệu đồng. Chỉ vì hám lợi, Trung và nhiều đối tượng đã vô tình trở thành người giúp sức cho bọn lừa đảo.

Thượng tá Thái Công Tuấn cảnh báo: Cơ quan Công an hay các cơ quan bảo vệ pháp luật khác như: Tòa án, Viện Kiểm sát... không có quy định về việc thông báo bắt người bằng hình thức thông báo trên mạng xã hội hoặc điện thoại di động. Cơ quan Công an khi bắt người phải đúng luật và trực tiếp, đồng thời phải có chính quyền địa phương để chứng kiến, giám sát.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, người dân cần đề cao cảnh giác khi tham gia các trang mạng xã hội. Cẩn trọng khi nhận cuộc gọi từ người lạ (có các đầu số 00), tuyệt đối không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng,... chủ động chia sẻ thông tin với người thân và cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm.

Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, các cơ quan chức năng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để mọi người biết và cảnh giác; hạn chế đăng tải thông tin cá nhân lên mạng xã hội, nhằm tránh các đối tượng xấu lợi dụng để hoạt động phạm tội. Khi nhận thấy các yêu cầu nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản có dấu hiệu nghi vấn thì phải trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý…

Trần Lĩnh
.
.
.