"Tín dụng đen" là nguyên nhân hơn 6.300 vụ giết người, cướp, cưỡng đoạt tài sản...
“Hoạt động “tín dụng đen” hiện nay diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp, hậu quả của nó gây ra cho xã hội là rất nghiêm trọng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là sự an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia; là nguyên nhân, điều kiện thúc đẩy các loại tội phạm hình sự, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tình hình, công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội” – Đó là đánh giá của Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát tại Hội thảo “Thực trạng tình hình và giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen” do Tổng cục Cảnh sát tổ chức ngày 30/7, tại Hà Nội.
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; đại diện các đơn vị chức năng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức và liên quan. Từ “tín dụng đen” đã xảy ra 6.367 vụ việc, gồm giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Ngoài ra, những hệ lụy phát sinh từ “tín dụng đen” đã dẫn đến các hành vi vi phạm khác như: bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản…
Trước thực trạng trên, lực lượng Công an đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong đó nổi bật là đã ban hành kế hoạch công tác an ninh góp phần đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tài chính, tiền tệ nói chung, hoạt động “tín dụng đen” nói riêng; phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động “tín dụng đen”, tăng cường phát hiện, xử lí nghiêm những hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật xảy ra trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, liên quan đến “tín dụng đen”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong việc điều tra, giải quyết tình trạng “tín dụng đen”, những kẽ hở pháp luật trong quy định đối với loại tội phạm này; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để ngăn chặn, không để tội phạm “tín dụng đen” tiếp tục hoạt động.
Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu, thời gian tới, cần phải quan tâm, làm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng. Ngân hàng, tổ chức tín dụng cần đáp ứng cầu vay chính đáng của người dân, ưu tiên lãi suất cho phát triển sản xuất; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân; các ngân hàng cần kịp thời cung cấp thông tin, trao đổi với Công an địa phương để xem xét các hoạt động tín dụng phi chính thức ở địa phương để ngăn chặn; cần tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân về nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác của nhân dân trước hoạt động tín dụng kể cả người cho vay, người vay; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật trong hoạt động này…
Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, lực lượng Công an phải rà soát, chủ động nắm tình hình pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, cảnh báo cho người dân biết thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, vay lãi suất cao để chiếm đoạt; kết hợp chặt chẽ giữa việc đấu tranh với tội phạm có tổ chức và tội phạm có hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án để bàn bạc, xem xét phương án xử lí làm sao phù hợp; cần rà soát, đánh giá lại hoạt động của các công ty đòi nợ thuê có phương án quản lí phù hợp; tiếp tục phối hợp với ngân hàng trong đề xuất tái cấu trúc hệ thống tín dụng của ngân hàng…