Phòng ngừa khi sử dụng điện thoại bị cài đặt phần mềm nghe lén
Chiều 2/12, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội liên quan đến vụ dùng phần mềm để nghe lén điện thoại.
Đại tá Lê Hồng Sơn cho biết: “Để phòng ngừa ngăn chặn việc cài đặt phần mềm nghe lén điện thoại của người sử dụng cần quản lý chặt chẽ máy của mình, không cho người lạ, người thiếu tin cậy mượn máy điện thoại; cài mật khẩu; cần tránh truy cập vào các đường link, không nick vào những thông tin lạ; dùng thêm phần mềm bảo vệ điện thoại... Nếu không thông thạo công nghệ, nên đến các trung tâm bảo hành máy chính hãng, tránh đưa vào các cửa hàng lạ”.
Người nghe lén điện thoại có bị xử lý?
Giữa năm 2014, Công an TP Hà Nội liên tiếp phá 2 vụ bán phần mềm nghe lén điện thoại khiến hàng nghìn thuê bao di động bị lộ thông tin cá nhân. Đối tượng bán phầm mềm đã bị bắt nhưng người mua sử dụng liệu có bị xử lý.
Đến thời điểm này, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã kết thúc điều tra 2 vụ án “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông Internet” (vi phạm Điều 226 BLHS) liên quan đến hành vi bán phầm mềm giám sát điện thoại. Trong đó, vụ Lê Viết Tám (41 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố về tội danh nêu trên.
Cơ quan Công an kiểm tra tang vật thu giữ tại Công ty Việt Hồng. |
Riêng vụ Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng), Viện KSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố 4 bị can và phê chuẩn quyết định bắt 3 bị can là Nguyễn Việt Hùng, 40 tuổi, Phó Giám đốc công ty; Lê Thanh Lâm, 32 tuổi, Trưởng phòng kỹ thuật; Trần Minh Ngọc, 24 tuổi, nhân viên hỗ trợ khách hàng. Trường hợp bị can Nguyễn Thị Nga, 24 tuổi, nhân viên tư vấn khách hàng hỗ trợ văn phòng do đang mang thai nên cơ quan CSĐT đã thống nhất với Viện KSND TP áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Vụ án này đang ở giai đoạn kết thúc điều tra.
Ngày 13/5, một sự việc gây chấn động dư luận khi Phòng PC50 phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đồng loạt tiến hành kiểm tra hoạt động của Công ty Việt Hồng và phát hiện trong vòng gần 1 năm, đã cung cấp phần mềm nghe lén (Ptracker) vào 14.140 thiết bị di động, thu lợi bất chính gần 1 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, máy chủ của Công ty Việt Hồng còn lưu dữ liệu của 7.447 tài khoản, 6.693 tài khoản đã bị xóa dữ liệu khỏi máy chủ và 670 khách hàng đang còn trong thời hạn Công ty Việt Hồng giám sát các thuê bao di động đang hoạt động. Cùng thời điểm trên, Đoàn thanh tra liên ngành cũng kiểm tra hành chính phát hiện, bắt quả tang Lê Viết Tám đang thực hiện hành vi bán phần mềm giám sát điện thoại có tên là “mspy”. Cơ quan điều tra xác định, có 877 tài khoản người dùng mspy trên trang web của Tám, trong đó có 741 tài khoản đang ở chế độ hoạt động.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ dữ liệu đang lưu tại máy chủ của Lê Viết Tám và Công ty Việt Hồng hầu như chỉ liên quan đến đời sống cá nhân trong các gia đình. Theo cơ quan điều tra, xét về hành vi, những đối tượng thuê giám sát đã vi phạm pháp luật, nhưng việc khởi tố bị can đối với những người này còn phải xem xét nhiều góc độ do người nghe lén và người bị nghe lén chủ yếu là người thân trong gia đình, họ hàng với nhau.
Các dấu hiệu có thể bị cài phần mềm nghe lén
Làm thế nào để phát hiện điện thoại của mình có bị cài phần mềm nghe lén hay không, cách gỡ chúng ra khỏi điện thoại như thế nào? Chỉ cần tìm kiếm từ khóa tiếng Việt "phần mềm nghe lén điện thoại", Google sẽ lập tức trả về khoảng nửa triệu kết quả tìm kiếm, trong đó giới thiệu nhiều địa chỉ cung cấp các loại phần mềm này cùng với cả những video chỉ dẫn cách cài đặt lên điện thoại.
Các phần mềm nghe lén, giống như phần mềm Ptracker trong vụ của Công ty Việt Hồng, âm thầm thu thập nhiều thông tin từ các điện thoại bị cài đặt như tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật tắt 3G/GPRS và điều khiển từ xa thông qua các lệnh gửi bằng tin nhắn SMS. Có thể thấy việc cài đặt phần mềm Ptracker cần thực hiện trực tiếp trên điện thoại, nghĩa là ít nhất người muốn nghe lén phải tiếp cận được điện thoại cần nghe lén trong vài phút. Một chuyên gia kỹ thuật nhận định, để cài phần mềm nghe lén thì bắt buộc phải có thao tác là tải phần mềm về máy điện thoại rồi cài đặt trực tiếp trên máy, chứ không thể cài đặt phần mềm theo dõi này từ xa được.
Như theo giới thiệu của Công ty Việt Hồng, phần mềm Ptracker được cung cấp cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu theo dõi người thân, con cái hoặc nhân viên. Khách hàng muốn cài đặt phần mềm này lên điện thoại phải soạn tin nhắn để lấy đường dẫn tải phần mềm Ptracker về cài đặt vào máy dưới dạng file .apk. Nếu đường truyền (Wi-Fi hoặc 3G) tốt thì quá trình tải phần mềm về cài đặt phần mềm lên điện thoại chỉ mất khoảng 3-5 phút.
Theo cơ quan điều tra, các phần mềm nghe lén thường chạy ngầm trong hệ điều hành của chiếc điện thoại, nên người sử dụng sẽ không biết hoặc khó phát hiện được di động của mình đang bị theo dõi. Dòng điện thoại dễ bị nghe lén nhất là smartphone. Những điện thoại chạy hệ điều hành Android, iOS. 100% các điện thoại có tính năng cài đặt đều có nguy cơ bị cài đặt thêm các phần mềm không mong muốn. Chỉ trừ các điện thoại không có bất kỳ tính năng cài đặt, còn cứ có tính năng cài đặt là có nguy cơ bị nghe lén. Có thể để ý một số thay đổi bất thường trên điện thoại như pin hao nhanh bất thường có thể là một dấu hiệu, bởi phần mềm nghe lén khiến máy hoạt động liên tục; lưu lượng dữ liệu hoặc cước 3G tăng đột biến.
Ngoài ra, phần mềm nghe lén có thể gây ra một số dấu hiệu khác như biểu tượng GPRS thường xuất hiện trên góc màn hình, dù người dùng không kích hoạt tính năng này; điện thoại đột nhiên chạy chậm đi; có tiếng nền lạ khi gọi điện; nhận được tin nhắn lạ (tin nhắn gửi lệnh điều khiển từ xa)...