Phải xử lý hành vi bịa đặt, vu khống trên Internet
Những hành vi bịa đặt, vu khống trên mạng Internet
Hành vi vu khống được hiểu là việc bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Vu khống có từ lâu, không phải là sản phẩm của Internet. Tuy nhiên, khi Internet bùng nổ, nó trở thành phương tiện truyền tải hành vi vu khống với cường độ, phạm vi, tính chất phức tạp hơn bội lần. "Tội vu khống" được quy định tại Điều 122, BLHS với 3 dạng hành vi chính. Thứ nhất, người phạm tội có hành vi đưa ra những thông tin sai sự thật và có nội dung xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của người khác mặc dù biết rõ người đó không có hành vi này. Đặc biệt, hình thức vu khống bằng Internet đang lan rộng.
Trường hợp thứ hai, người phạm tội tuy không tự đưa ra những thông tin sai sự thật và có nội dung xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của người khác nhưng có hành vi loan truyền những thông tin này. Hành vi loan truyền này cũng có yếu tố bắt buộc là người phạm tội biết rõ thông tin loan truyền không có thật nhưng cố tình đưa ra để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Trên mạng Internet, đây là hành vi diễn ra khá phổ biến.
Thị trường chứng khoán luôn chịu ảnh hưởng nhạy cảm trước các tin đồn, vu khống trên mạng. |
Thứ ba, dạng hành vi viết đơn, thư tố cáo người khác có hành vi phạm tội trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dù biết rõ thông tin trong đơn thư tố cáo là sai sự thật nhưng vẫn tung lên mạng.
Về hậu quả, hành vi vu khống khiến nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến lợi ích vật chất cũng như quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ. Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan Nhà nước về việc người khác phạm tội. Mặt chủ quan, lỗi người phạm pháp cố ý "biết rõ là bịa đặt".
Đặc biệt, động cơ, mục đích việc bịa đặt, loan truyền nhằm "xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội". Thiệt hại có thể tính bằng vật chất hoặc phi vật chất (nhân phẩm, danh dự)... Việc tung tin sai sự thật nhằm vào cán bộ ngân hàng, tín dụng bị bắt thường để lại hậu quả lớn, cả vật chất và phi vật chất. Hậu quả trước hết là cá nhân và tổ chức bị tung tin bịa đặt. Tiếp đó, hành vi gây hậu quả trực tiếp đến thị trường chứng khoán. Như vụ BIDV, ngay sau khi tin đồn đưa ra, hoạt động bán tháo chứng khoán diễn ra trên diện rộng làm chỉ số chứng khoán giảm sụt mạnh. Nhưng nghiêm trọng hơn, hành vi này gây hậu quả lớn đến dư luận, tâm lý xã hội, đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, làm giảm lòng tin người dân đối với chính sách điều hành tiền tệ của Nhà nước tại thời điểm đó...
Nghị định 63/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin quy định hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác với các mức phạt nghiêm.
Xử lý trách nhiệm chủ trang mạng như thế nào?
Vấn đề đặt ra: Ngoài cá nhân tung tin vu khống lên diễn đàn mạng bị xử lý thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, chủ các trang mạng khi cho đăng tải thông tin đó sẽ bị xử lý ra sao? Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP nghiêm cấm việc lợi dụng Internet đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Tại Điều 7, Thông tư 14 ngày 29/6/2010 của Bộ Thông tin Truyền thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm khi phát hiện hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, chủ sở hữu các trang mạng có cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải chịu trách nhiệm đối với thông tin đưa lên diễn đàn. Khi cá nhân, tổ chức bị vu khống trên diễn đàn mạng thì cá nhân, tổ chức bị vu khống cần gửi văn bản yêu cầu trang mạng đó phải tiến hành biện pháp ngăn chặn, loại bỏ thông tin vu khống. Nếu trang mạng đó vẫn không thực hiện thì cá nhân, tổ chức bị vu khống gửi văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.
Theo quy định, sau khi xác định thiệt hại xảy ra đối với cá nhân, tổ chức do hành vi vu khống gây ra, chủ diễn đàn mạng và cá nhân có hành vi vu khống phải chịu trách nhiệm, tùy mức độ bị xử phạt, bồi thường. Trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 122, tội vu khống (mức phạt tù khung cơ bản là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm). Người có hành vi vu khống cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226, Bộ luật Hình sự.
Tung tin vu khống trên mạng khó "thoát lưới" cơ quan An ninh Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư A84 cho biết, tung tin truyền miệng trong dân chúng là rất khó truy tìm. Nhưng tung tin vu khống trên mạng thì có căn cứ truy tìm và vừa qua cơ quan An ninh đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, làm rõ các đối tượng tung tin kiểu này. Trên cơ sở đó, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích việc tung tin bịa đặt là gì. Nhiều khi vì chuyện nói đùa của ai đó rồi tung lên, nhưng cũng có nhiều trường hợp tung tin là có chủ ý, động cơ rất rõ ràng... Theo Thiếu tướng, khi có tin sai lệch trong dư luận, các ngân hàng cần phải có thông tin chính thức, công bố kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng làm rõ. Tin đồn nhằm vào ngân hàng nào thì trước hết, ngân hàng đó phải chủ động thông tin cải chính, thông báo công khai, kịp thời để ổn định tâm lý người dân, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động ngân hàng đó và thị trường tài chính, ngân hàng nói chung. |