Nữ giảng viên lừa đảo nhận bản án 16 năm tù

Thứ Ba, 29/07/2014, 15:42
Lợi dụng danh nghĩa là Giảng viên Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ trong thời gian ngắn, Phạm Thị Phúc đã lừa nhiều cá nhân đưa tiền cho Phúc để được mua chung cư, đất liền kề với giá ưu đãi. Sau khi nhận tiền của họ, Phúc không thực hiện như đã hứa mà chiếm đoạt để sử dụng cá nhân. Sau khi Phúc bị bắt, Đảng ủy Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với Phạm Thị Phúc. Ngày 29/7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án này.

Bị cáo Phạm Thị Phúc, 57 tuổi, trú tại 76 Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời điểm gây án, Phúc đang là giảng viên Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Kết quả điều tra thể hiện: Do quen biết với ông Nguyễn Quốc Xương, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà), Phúc biết được Công ty Hồng Hà được TP Hà Nội giao chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ. Ông Xương đưa một số tài liệu phô tô liên quan đến dự án và hứa hẹn cho Phúc đăng ký mua một số căn hộ chung cư với giá ưu đãi khi dự án đủ điều kiện rao bán. Tuy nhiên trên thực tế, ông Xương cũng như Công ty Hồng Hà chưa được thực hiện việc mua bán căn hộ chung cư. Ông Xương không hứa hẹn với Phúc về việc mua bán nhà liền kề, đất liền kề ở dự án giãn dân phố cổ.

Trong quy hoạch dự án giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) có phần đất quy hoạch xây dựng nhà biệt thự, nhưng Công ty Hồng Hà chưa được UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) giao cho bất cứ công việc gì liên quan đến khu đất này. Vì vậy, Công ty Hồng Hà không có quyền huy động vốn và không có quyền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đăng ký mua đất tại dự án này. Trong danh sách khách hàng góp vốn xây dựng dự án giãn dân phố cổ, không có khách hàng nào tên nào Phạm Thị Phúc. Và trên thực tế thì Công ty Hồng Hà cũng không có bất kỳ quan hệ kinh tế nào với Phạm Thị Phúc.

Bị cáo Phạm Thị Phúc tại phiên xử ngày 29/7.

Tháng 4/2012, Phúc nói với bà Nguyễn Thị Hải, ở Hà Nội rằng, Phúc có quan hệ với lãnh đạo Công ty Hồng Hà nên được mua giá ưu đãi một số suất căn hộ chung cư và suất đất liền kề ở Khu đô thị Việt Hưng, thuộc dự án giãn dân phố cổ. Do không có nhu cầu sử dụng nên Phúc muốn bán lại để hưởng chút chênh lệch. Để bà Hải tin tưởng, Phúc đã đưa cho bà Hải một số giấy tờ phô tô liên quan đến dự án này. Tin tưởng Phúc đang cán bộ Nhà nước nên bà Hải đã chuyển cho Phúc số tiền gần 2 tỷ đồng đặt cọc để mua căn hộ chung cư và đất liền kề tại dự án giãn dân phố cổ. Sau khi nhận tiền của bà Hải, Phúc không thực hiện được như đã hứa mà sử dụng số tiền của bà Hải vào mục đích khác.

Cũng với thủ đoạn như trên, Phúc đã giới thiệu cho bà Lê Thị Thu, ở Hà Nội về việc có khả năng mua nhà chưng cư tại Khu đô thị Việt Hưng, thuộc dự án giãn dân phố cổ. Phúc hứa hẹn sau ba tháng kể từ khi nhận tiền đặt cọc sẽ đưa bà Thu vào ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư, sau đó bà Thu sẽ nộp tiền theo tiến độ thi công. Tin tưởng Phúc là giảng viên Học viện có uy tín, bà Thu đã đưa cho Phúc số tiền 600 triệu đồng tiền đặt cọc mua căn hộ tại Khu đô thị Việt Hưng. Sau khi nhận tiền, Phúc không làm thủ tục gì cho bà Thu mà sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Tháng 7/2013, mặc dù không có chức năng, nhiệm vụ gì trong việc kinh doanh, mua bán vé máy bay, nhưng Phúc vẫn đưa ra thông tin gian dối về việc mua được lô 1.000 vé báy bay nội địa giá rẻ và rủ bà Nguyễn Thị Hai, ở Hà Nội đầu tư mua vé để hưởng chênh lệch. Do tin tưởng Phúc vừa là bạn thân, vừa là cán bộ Nhà nước nên bà Hai đã chuyển cho Thu số tiền 1,5 tỷ đồng để đầu tư mua vé máy bay giá rẻ.

Sau khi nhận tiền của bà Hai, Phúc không thực hiện gì như cam kết mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên của bà Hai để sử dụng vào mục đích cá nhân. Trước đó, do cần tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nên Phúc hỏi vay tiền anh Phạm Xuân Hà, ở Hà Nội. Anh Hà không có tiền mặt nên đã cho Phúc mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình anh tại phường Bồ Đề, quận Long Biên để Phúc đem thế chấp vay số tiền 1 tỷ đồng. Đến hẹn trả sổ đỏ anh Hà, Phúc không có tiền chuộc nhưng vẫn nói dối anh Hà rằng đã có gần đủ tiền và hỏi vay tiếp anh Hà số tiền 280 triệu đồng để đi chuộc sổ đỏ. Sau khi anh Hà đưa số tiền trên, Phúc không đem đi chuộc sổ đỏ mà chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân.

Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Quốc Xương, Phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà không biết, không thỏa thuận, bàn bạc gì với Phúc về việc nhận tiền của những người mua đất liền kề, mua chung cư. Bản thân ông Xương cũng không nhận tiền khoản tiền nào của Phúc nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Xương. Trước đó, liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 136 tỷ đồng từ dự án giãn dân phố cổ ở Hà Nội, ngày 12/6, ông Nguyễn Quốc Xương đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi phiên tòa này diễn ra, gia đình Phúc đã bồi thường được một phần hậu quả, nhưng vẫn còn chiếm đoạt của các bị hại số tiền 3 tỷ 260 triệu đồng. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Phúc 16 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại

Nguyễn Hưng
.
.
.