Nỗi đau phía sau vụ án vợ giết chồng

Chủ Nhật, 06/04/2014, 11:45
Vụ án cô gái trẻ cầm dao đoạt mạng chồng từng gây chấn động dư luận tưởng đã kết thúc khi bị cáo đã bị sự trừng trị của pháp luật. Nhưng không, nỗi đau phía sau vụ án vẫn còn âm ỉ khi hố sâu ngăn cách giữa cô con dâu và gia đình chồng ngày càng khoét sâu…

Theo nội dung vụ án, bị cáo Ngô Thị Hồng Thắm ( 28 tuổi, ngụ Bình Chánh) và anh Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1985) chung sống với nhau từ năm 2003 và đã có một con chung (8 tuổi) nhưng đến năm 2011, cả hai mới đăng ký kết hôn. Thế nhưng, kể từ khi chính thức là vợ chồng, họ bắt đầu phát sinh mâu thuẫn do Thắm nghi ngờ chồng có người phụ nữ khác.

Đúng như suy nghĩ của Thắm, tối 15/2/2013, anh Tuấn đưa người phụ nữ tên T. về nhà giới thiệu là vợ bé và đề nghị từ nay cả ba sẽ sống chung với nhau một mái nhà. Biết là chồng có quan hệ ngoài luồng nhưng Thắm không thể ngờ có ngày chồng lại buộc cô chấp nhận mối quan hệ trái khoáy như thế. Cay đắng lẫn tức giận, Thắm cương quyết phản đối thì Tuấn dắt cô này bỏ đi kèm theo lời đe dọa: “Nếu không đồng ý sống chung thì mày phải ra khỏi nhà này”. Nói xong, Tuấn bỏ đi đến sáng hôm sau thì quay trở về nhà. Lúc này, Thắm năn nỉ chồng hãy nghĩ lại nhưng chỉ nhận được hai cái tát như trời giáng vào mặt. Đánh vợ xong, Tuấn bình thản lên lầu lấy điện thoại di động ngồi nhắn tin.

Ghen tuông mờ hết lý trí, Thắm lao xuống bếp xách con dao chặt thịt chạy lên phòng ngủ chém chồng hai nhát. Sau đó, để mặc cho người chồng nằm bất tỉnh, Thắm bế thốc đứa con đang nằm ngủ đến gửi nhà mẹ ruột (ở quận 6) rồi đến cơ quan Công an đầu thú. Thấy em dâu chở con ra khỏi nhà với thái độ rất lạ, anh Nguyễn Thanh Sang (anh trai Tuấn nhà ở kế bên) liền chạy sang thì phát hiện em trai nằm chết trên vũng máu.

Với hành vi phạm tội như trên, VKSND TP Hồ Chí Minh đã ra cáo trạng truy tố Thắm về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Xét nguyên nhân vụ án xảy ra do nạn nhân có một phần lỗi (có quan hệ bất chính với người con gái khác và buộc bị cáo phải cho sống chung…) dẫn đến bị cáo bị kích động về tinh thần nên đã có hành vi phạm tội nêu trên, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên phạt Thắm mức án 8 năm tù về tội “giết người”.

Chấp nhận bản án đã tuyên, Thắm không kháng cáo nhưng đại diện hợp pháp cho gia đình bị hại lại kháng cáo yêu cầu tăng nặng trách nhiệm đối với Thắm. Trình bày lý do kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 27/3 tại Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh, cậu của nạn nhân yêu cầu HĐXX lấy thêm lời khai của một số nhân chứng và cho rằng vụ án xảy ra anh Tuấn không có lỗi mà người có lỗi chính là bị cáo…

Quá trình xét hỏi tại tòa, Thắm vẫn giữ nguyên lời khai trước đó, nghẹn ngào trình bày với HĐXX, Thắm kể lại đầu đuôi ngọn nguồn dẫn đến vụ án xảy ra. Quyết liệt bác bỏ những lời khai của đứa con dâu, đại diện bị hại cho rằng những lời khai của Thắm là không đúng sự thật. Họ cho rằng cuộc sống vợ chồng Thắm mâu thuẫn là do trước đó Thắm từng bỏ nhà đi. Ý định giết chồng của Thắm đã có từ trước và lợi dụng lúc nạn nhân sơ hở Thắm giết chồng để ngoại tình. Lúc xảy ra vụ án, cháu H. (8 tuổi, con trai Thắm và nạn nhân) đang thức và chứng kiến sự việc nhưng Thắm khai con đang ngủ để có lợi cho mình. Kết thúc, họ yêu cầu HĐXX cho cháu H. ra làm nhân chứng trước tòa…

Trả lời những câu “chất vấn” của gia đình chồng, Thắm khóc ngất, khai: chuyện cô bỏ nhà đi là có thật nhưng nguyên nhân là do bị chồng đánh đập nên cô về nhà mẹ ruột ở một thời gian. Được mấy tuần thì chồng tìm đến giảng hòa nên cô mới khăn gói quay về. Không chỉ mỗi lời khai của Thắm, tại cơ quan điều tra, những nhân chứng và người liên quan, trong đó có anh ruột của nạn nhân (ở cạnh nhà Thắm) thừa nhận Tuấn có qua lại với người phụ nữ tên T. và có đưa cô này về nhà giới thiệu là vợ bé, bắt Thắm phải sống chung.

Những lời khai này của Thắm vẫn không làm phía gia đình chồng “hạ hỏa”, buộc thẩm phán Quảng Đức Tuyên, một trong ba thẩm phán ngồi ghế HĐXX hôm ấy phải cắt ngang để làm dịu không khí phiên tòa. Ông nói: Dù thế nào trước đây bị cáo cũng là dâu con trong gia đình. Nay bị cáo phạm tội nên phải trả giá nhưng sau lưng bị cáo còn có gia đình mình, còn có đứa trẻ là con của bị cáo nhưng cũng là con bị hại, là cháu trong gia đình. Vì vậy, phía bị hại đừng vì bức xúc mà nói ra những điều chỉ do mình suy đoán, đừng khoét sâu nỗi đau của đứa trẻ khi nó đã mất cha, mẹ phải vào tù. Với một người mẹ phải bỏ rơi con, cuộc sống trong chốn lao tù đã là một sự trả giá quá đắt. Người lớn hãy cố gắng để đứa trẻ có tương lai tốt hơn, đừng làm cho nó có những suy nghĩ về mẹ nó như vậy trong khi đó chỉ là suy đoán…

Tiếc rằng những lời khuyên chí tình hôm ấy của HĐXX vẫn không thuyết phục được gia đình bị hại. Bản án phúc thẩm vừa tuyên “bác kháng cáo của đại diện hợp pháp gia đình bị hại, giữ nguyên mức hình phạt 8 năm tù đối với bị cáo…” xong, những người này hậm hực bước ra khỏi phòng xử án kèm theo câu nói hằn học “sẽ đề nghị giám đốc thẩm lại bản án”.

Hành vi phạm tội của Thắm đã phải trả giá, chỉ tội cho đứa trẻ sống trong môi trường đầy hận thù như thế (cháu H đang được gia đình bên nội nuôi dưỡng), không biết lớn lên sẽ ra sao?

A.Huy

.
.
.