Nhiều cựu lãnh đạo Sở của Sơn La bị đề nghị 7 năm tù trong vụ bồi thường “thừa” tiền tỷ

Thứ Ba, 28/05/2019, 16:56
Sau một tuần TAND tỉnh Sơn La mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử nhiều cựu lãnh đạo Sở trong vụ bồi thường “thừa” tiền tỷ tại Dự án thuỷ điện Sơn La, ngày 28-5, đại diện Viện KSND tỉnh Sơn La thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử đã nêu quan điểm giải quyết vụ án này và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo. 

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Sơn La, trong quá trình thực hiện Dự án thuỷ điện Sơn La, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Sơn La Triệu Ngọc Hoan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Sơn La Trương Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La Phan Tiến Diện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường La Phan Đức Chính cùng 13 bị can khác giữ các vị trí chủ chốt các phòng hữu quan của Sở, ngành tỉnh Sơn La và huyện Mường La đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự án thuỷ điện Sơn La là dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư. Từ đầu năm 2000, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá tại khu vực mặt bằng công trường tại huyện Mường La và xã Tân Lập (huyện Mộc Châu). 

Từ đó tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất đối với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất phục vụ xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La và di chuyển dân ra khỏi mặt bằng công trường. 

Ngày 22-10-2003, UBND tỉnh Sơn La có Quyết định số 3708/QĐ-UB về việc thu hồi 2.070ha đất tại một số xã của huyện Mường La và xã Liệp Tè (huyện Thuận Châu) tạm giao cho Ban Quản lý dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La để xây dựng tổng mặt bằng thi công công trình thuỷ điện Sơn La, đồng thời triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành. Khi trả tiền bồi thường, nhiều hộ dân có đất thu hồi tại khu vực Nhà máy Thủy điện Sơn La không đồng ý vì cho rằng còn thiếu nhiều diện tích chưa được hỗ trợ.

Các bị cáo tại phiên xử.

Năm 2014, ông Trương Tuấn Dũng (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La) trực tiếp chỉ đạo công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp cho các hộ thuộc khu vực trong và ngoài công trường Nhà máy thuỷ điện Sơn La. 

Quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện, ông Dũng ký ban hành Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La không đúng với các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Sơn La, Bộ TN&MT, trong đó nghiêm trọng nhất là việc ông Dũng đã cho phép đơn vị tư vấn đo đạc, lập bản đồ địa chính khi không có các thủ tục pháp lý, dẫn tới việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ sai cho hộ dân Đèo Văn Ban (63 tuổi, trú tại xã Mường Chùm, huyện Mường La, là Phó Bí thư Chi bộ và cũng là bị can trong vụ án này) số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Ông Phan Tiến Diện thời điểm phạm tội là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La (sau khi kiện toàn là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La thay ông Dũng) tiếp tục chỉ đạo công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân. Ông Diện biết Kế hoạch số 41 do ông Dũng ký ban hành có nội dung không đúng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên nhưng vẫn ký các quyết định phương án thu hồi đất, phương án bồi thường hỗ trợ, dẫn đến việc bồi thường hỗ trợ sai cho các hộ dân, trong đó có hộ ông Đèo Văn Ban. 

Với chức vụ Giám đốc Sở TN&MT Sơn La, ông Triệu Ngọc Hoan có thẩm quyền ký ban hành bản đồ địa chính do đơn vị chuyên môn và Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện nhưng đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không kiểm tra tài liệu, không nắm được bản đồ địa chính do Văn phòng đăng ký đất đai lập có đúng hay không, nhưng vẫn ký xác nhận hỗ trợ cho các hộ dân.

Các bị cáo khác dù biết Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La trái với văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La cũng như Bộ TN&MT, nhưng vẫn thực hiện dẫn đến việc thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền lớn. 

Ngày 11-7-2018, Viện KSND tỉnh Sơn La đã ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án này về hai tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trước khi mở phiên toà này, TAND tỉnh Sơn La đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung liên quan đến việc bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân theo Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La có sai phạm không? 

Nếu có thì xác định mức độ sai phạm và xem xét trách nhiệm của các bị can và các đối tượng có liên quan. Toà án cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của Công ty cổ phần Tư vấn và đo đạc Bảo Bình (đơn vị có chức năng đo đạc, lập bản đồ địa chính đất nông nghiệp đối với hộ ông Đèo Văn Ban.

Ngày 2-9-2018, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La có kết luận điều tra bổ sung các yêu cầu của toà án. Bản kết luận điều tra bổ sung xác định, không đủ căn cứ chứng minh và quy kết trách nhiệm hình sự về sai phạm của các bị can và đối tượng khác có liên quan trong đo đạc, bồi thường với các hộ dân khác trừ hộ Đèo Văn Ban. Cơ quan điều tra không đủ căn cứ xem xét thêm trách nhiệm hình sự Công ty cổ phần Tư vấn và Đo đạc Bảo Bình.

Quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La xác định, trong thời gian thực hiện công tác đo đạc, bồi thường, hỗ trợ đất khu vực trong và ngoài mặt bằng công trường Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, ngoài vi phạm trực tiếp liên quan đến hộ ông Đèo Văn Ban, các bị can khác còn có dấu hiệu vi phạm trong đo đạc, bồi thường hỗ trợ đối với các hộ dân tái định cư tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Nội dung này cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xác minh làm rõ, khi nào có đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Quá trình xét xử, một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội hoặc chỉ nhận một phần hành vi so với nội dung cáo trạng truy tố. Nêu quan điểm giải quyết vụ án này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, cáo trạng truy tố các bị cáo về hai tội: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là đúng pháp luật. 

Việc các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội hoặc chỉ nhận một phần hành vi là để tránh bị pháp luật xử lý. Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Tuấn Dũng, bị cáo Phan Tiến Diện, bị cáo Phan Đức Chính từ 6- 7 năm tù; các bị cáo Phan Xuân Khoa, Trần Mạnh Trì và Tòng Văn Thành từ 5- 6 năm tù; bị cáo Đèo Văn Ban từ 4- 5 năm tù. 

Các bị cáo khác tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị đề nghị mức án tương xứng với hành vi phạm tội. Sau khi đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo, phiên toà chuyển sang phần tranh luận.

NGUYỄN HƯNG
.
.
.