Làm rõ nhóm doanh nghiệp hối lộ 2 tỷ đồng cho Thanh tra giao thông

Thứ Bảy, 30/05/2020, 07:43
Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố nhóm doanh nghiệp (DN) đưa hối lộ cho Thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT).


Những người bị đề nghị truy tố, gồm: Nguyễn Thọ Điền (Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát An Giang), Huỳnh Anh Duy (quản lý Công ty TNHH sản xuất thương mại Thái Dương), Nguyễn Bá Kiệt (chủ DNTN Minh Khang), Tống Thanh Triều (nguyên Giám đốc Công ty CP vận tải xi măng Tây Đô), Nguyễn Thị Kim Dung (Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, chi nhánh Cần Thơ), Âu Thị Trúc Mai (nguyên điều hành xe Công ty TNHH Thủy Hồng Phát) và Nguyễn Thành Phong (quản lý Công ty TNHH Thuận Thành Phong).

Ông Dương Minh Tâm, nguyên Phó chánh Thanh tra giao thông Cần Thơ khi bị khởi tố.

Theo kết luận điều tra, một số cán bộ TTGT có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải. Đặc biệt, Đội cơ động đường bộ kiểm tra, xử lý các xe liên tục, có sự giúp sức của nhiều “cò”, trong việc phát hiện họ hoạt động tại Cần Thơ nhưng chưa chi tiền.

Trực tiếp cán bộ TTGT gợi ý chi tiền, đưa số điện thoại của “cò” cho tài xế tự liên hệ, gợi ý chi tiền để không kiểm tra xử lý xe vi phạm hoặc kiểm tra xử lý nhẹ hơn lỗi thực tế vi phạm. Các tổ chức, cá nhân bị kiểm tra rơi vào danh sách của TTGT và “cò”, nếu không tự nguyện hoặc đã gợi ý nhưng không chi tiền thì sẽ tiếp tục kiểm tra, làm khó.

Những ai đã chi tiền, nếu không chi tiếp hoặc chi trễ thì “cò” chỉ điểm hoặc trực tiếp cán bộ TTGT liên tục kiểm tra, xử lý. Nếu xe không có vi phạm thì TTGT xử lý các lỗi cảm tính như bánh xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, biển số không rõ, đèn chiếu sáng không đảm bảo.

Một số tổ chức, cá nhân không bị ép chi tiền nhưng với áp lực bị kiểm tra, xử lý liên tục họ phải chủ động đặt vấn đề trước, chi tiền để không bị kiểm tra hoặc họ phải chi tiền với mức quá cao dẫn đến thua lỗ phải ngưng hoặc chuyển qua địa bàn khác kinh doanh.

Năm 2012, xe của Nguyễn Thọ Điền chở bia từ khu công nghiệp Trà Nóc đến An Giang, thường xuyên bị Đội TTGT cơ động đường bộ kiểm tra, lập biên bản xử phạt. Tài xế gọi cho Điền, Điền kêu tài xế xin TTGT không lập biên bản. Khi đó, tài xế nói cán bộ TTGT này không giải quyết được chỉ có Bùi Văn Minh (Đội trưởng). Điền sau đó gọi điện thoại cho Minh xin không lập biên bản. Minh trả lời sẽ lập biên bản, xử lý lỗi nhẹ hơn.

Điền tiếp tục nhờ Minh giúp đỡ các xe gắn logo Lộc Phát 3, hoạt động tại địa bàn Cần Thơ. Bù lại, Điền hỗ trợ khoản tiền tiếp khách. Số tiền Điền chi cho Minh gần 350 triệu đồng. Trường hợp chủ DNTN Minh Khang, có phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải, thường bị TTGT kiểm tra, lập biên bản xử phạt.

Thông qua người khác, Kiệt liên hệ Lý Hoàng Minh (Đội phó), Võ Hoàng Anh (Đội trưởng Đội TTGT số 3), Dương Minh Tâm (Phó chánh Thanh tra), giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh. 3 cán bộ TTGT đặt điều kiện, chủ DN chi 3 triệu đồng/tháng.

Tổng số tiền Kiệt đưa cho TTGT là 131 triệu đồng. Hoàng Anh nhận 78 triệu đồng, Tâm nhận 27 triệu đồng, Minh nhận 24 triệu đồng. Kiệt bị nhóm cán bộ TTGT ép buộc, nếu không chi thì tìm mọi cách kiểm tra, lập biên bản vi phạm.

Công ty CP Vận tải xi măng Tây Đô bị ép buộc chi tiền hàng tháng để xe ít bị kiểm tra. Công ty này có 12 xe, chủ doanh nghiệp chi ít nhất mỗi tháng 12 triệu đồng cho Nguyễn Văn Cần là “cò”, đứng ra nhận tiền. Tổng cộng, Công ty CP Vận tải xi măng Tây Đô chi cho Cần 154 triệu đồng để đưa cho Đoàn Vũ Duy, Đội trưởng Đội TTGT.

Nguyễn Thành Phong, quản lý Công ty TNHH Thuận Thành Phong đưa 892 triệu đồng. Âu Thị Trúc Mai đưa 297 triệu đồng. Nguyễn Thị Kim Dung 136 triệu đồng, Huỳnh Anh Duy 147 triệu đồng. 

Theo cơ quan điều tra, cán bộ TTGT nhận số tiền rất lớn thông qua “cò”, nhận trực tiếp, nhận qua tài khoản ngân hàng hoặc thuê người khác đứng tên mở tài khoản.

Quá trình điều tra chứng minh 7 bị can trên đã đưa cho cán bộ TTGT bằng tiền mặt, chuyển khoản với tổng số tiền 2 tỷ đồng. Trước đó vào năm 2017, nhóm 9 bị cáo gồm 7 cán bộ TTGT và hai “cò” bị tuyên phạt từ 7 năm tù đến chung thân về tội nhận hối lộ. Cơ quan tố tụng yêu cầu khởi tố vụ án đưa hối lộ, truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, cá nhân có liên quan.

Văn Vĩnh
.
.
.