Giải pháp ngăn chặn người trẻ phạm tội
Tại toạ đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội” do Báo Thanh niên tổ chức ngày 15-4, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết từ năm 2018 đến hết quý I/2021, toàn thành phố ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện, truy bắt 884 đối tượng.
Trong đó, đã khám phá 474/516 vụ, xử lý 775 đối tượng, gồm: xử lý hình sự 336 vụ/554 đối tượng, xử phạt hành chính 108 vụ/221 đối tượng, đang tiếp tục điều tra 42 vụ/109 đối tượng. Độ tuổi tội phạm dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi 27,26%, dưới 18 tuổi 69,12% Về giới tính, nam 95,99%, nữ 4,01%; Trình độ văn hóa, không biết chữ 3,75%, tiểu học 29,33%; THCS 46,51%; THPT 20,41%. Trong 884 đối tượng, có 553 đối tượng đã bỏ học, chiếm 71,44%.
Theo Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh đã liên tục tham mưu Ban Giám đốc chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền ngay tại các trường học nhằm làm tốt công tác phòng ngừa người phạm tội dưới 18 tuổi; rà soát danh sách học sinh bỏ học để thông báo cho Công an địa phương có biện pháp giáo dục phù hợp hơn.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự đề nghị các bậc cha mẹ cần kiểm soát, kiểm duyệt những nội dung phim ảnh khi con em mình xem. Đây là điều này rất cần thiết, vì thời gian qua trên mạng xã hội, các phim ảnh, clip ngắn của các nghệ sĩ, danh hài cũng lồng ghép rất nhiều phim “đại ca”, bạo lực làm ảnh hưởng đến suy nghĩa của thanh thiếu niên, “nghệ sĩ làm đại ca và đại ca làm nghệ sĩ”. Do đó, trách nhiệm trong vấn đề này còn có vai trò của các nhà làm phim, các nghệ sĩ.
Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý, trăn trở khi không thấy văn bản quy định xử lý tình trạng các bạn trẻ tiếp tay bạo lực. Do đó, giải pháp về vấn đề này chưa đồng bộ để xử lý triệt để.Trong khi đó, hiện nay các bạn trẻ tiếp nhận thông tin, thụ hưởng thông tin từ Internet, từ smartphone quá nhanh, nhưng lại không có bộ lọc thông tin. Vì vậy, việc phối hợp để có giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng là rất quan trọng.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm thì cho rằng các nội dung giáo dục trong nhà trường vẫn quá nặng nề về lý thuyết, kỹ năng mềm học ở trường lại hạn chế. Chưa có tài liệu hay bộ sách riêng thống nhất về kỹ năng sống để đưa chính thức vào chương trình giảng dạy của Bộ GD-ĐT. Như vậy, các em khó biết cách để đối phó với những đối tượng xấu đang muốn lôi kéo. “Đào tạo kỹ năng sống cũng phải rõ ràng, có chương trình rõ ràng, mới trang bị cho các em kỹ năng tốt được", Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho biết.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, giải pháp căn cơ là phải giữ được các em trong trường để dạy và học, càng nhiều em ở lại trường học, không nghỉ học thì mới quản lý được để tránh các em vi phạm tội. “Các số liệu thống kê cũng đã chỉ ra rằng người trẻ phạm tội phần lớn nghỉ học, bỏ học, do hoàn cảnh khó khăn. Nên nếu giữ được học sinh trong nhà trường chính là cơ hội để ngăn chặn tối đa nguy cơ tội phạm trẻ hóa", ông Trọng nói. TP Hồ Chí Minh đã và đang làm giáo dục toàn diện cho học sinh. Trường học không chỉ là nơi dạy và học mà phải còn là nơi tham gia hoạt động nhiều hoạt động toàn diện. Đây là quan điểm chung của ngành Giáo dục.
“Cụ thể, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, là nội dung lớn mà nhà trường cần phổ cập đến các em học sinh. Hình thành vốn và nền tảng kiến thức pháp luật cho các em học sinh, ngăn ngừa nguy cơ sai phạm pháp luật. Đồng thời, tạo ra sân chơi, môi trường thỏa mãn niềm đam mê của học sinh, sau đó định hướng tâm lý cho học sinh. Giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện kỹ năng cho từng cá thể học sinh. Ngoài ra, mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh cũng rất quan trọng, nhất là với giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh học sinh phải phối hợp với nhà trường, trên tinh thần phòng ngừa trước", ông Trọng chia sẻ.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ GD-ĐT cho rằng công tác quản lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của người trẻ là nhiệm vụ toàn xã hội, không riêng gì ngành Giáo dục. “Ngành Giáo dục từ nhiều năm qua đã có những giải pháp tốt, mô hình hay để góp phần vào công tác này. Ngành Giáo dục xác định có 3 nguyên nhân cơ nản dẫn đến tình trạng này gồm: Đạo đức lối sống xuống cấp, thiếu hiểu biết pháp luật, coi thường pháp luật. Từ đó, ngành Giáo dục có nhiều chương trình tập trung giải quyết 3 nguyên nhân nói trên và từng chương trình sẽ phù hợp với lứa tuổi, quy định pháp luật”, ông Đạt chia sẻ.
Xung quanh thắc mắc của nhiều phụ huynh: Trường hợp học sinh vi phạm pháp luật, nhà trường thường áp dụng biện pháp đuổi học để xử lý, việc này sẽ đẩy các em vào đường cùng, ngành Giáo dục có giải pháp nào hiệu quả hơn không?". Ông Trần Văn Đạt cho biết hiện Bộ GD-ĐT quy định chỉ tạm nghỉ học trên lớp mà học bằng các hình thức khác. “Xử lý người trẻ vi phạm cần linh hoạt tùy từng hoàn cảnh, không nên cứng nhắc mà gây hậu quả không tốt. Trong quá trình xử lý phải linh hoạt để đưa ra giải pháp hợp lý”, ông Đạt lưu ý.
Theo các chuyên gia về pháp luật, tâm lý, giáo dục, để xảy ra tình trạng người trẻ phạm tội là có trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, cần cả xã hội vào cuộc chứ không riêng ngành Giáo dục.