Đấu tranh với hàng giả trên nền tảng số và thương mại truyền thống

Thứ Sáu, 02/04/2021, 08:13
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, kể từ ngày 1/4/2021 đến hết tháng 12/2025, lực lượng QLTT sẽ tập trung triển khai việc đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả thương mại truyền thống và trên nền tảng số.


Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giày dép, quần áo, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ kiện trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, túi, ví, thiết bị điện tử, dụng cụ, đồ dùng thể thao, dược phẩm, dược liệu và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm thương mại truyền thống và trên nền tảng số sẽ thuộc diện kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT.

Những kho hàng lậu, hàng giả lớn liên tục bị lực lượng chức năng triệt phá trong những ngày gần đây.

Theo ông Linh, mục tiêu của kế hoạch này là vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp với việc ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh truyền thống cũng như trong thương mại điện tử, các cơ quan, tổ chức quản lý chợ - trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm, làng nghề…

Dự kiến, năm 2021, tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại tại 12 tỉnh, thành lớn sẽ không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, các sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang thương mại điện tử bán hàng lớn: FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado đều ký cam kết và thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lưu Hiệp
.
.
.