Đánh chết trộm chó, 10 bị cáo ra hầu tòa
Kết thúc phiên xét xử, các bị cáo đều bị tuyên phạt tù do đã có hành vi phạm vào tội “Cố ý gây thương tích". Song có một điều dễ nhận thấy, phiên tòa vẫn chưa kết thúc được với hàng nghìn người dự tòa và quan tâm tới vụ án…
Vụ án xảy ra vào tối 28/8/2012. Người dân thôn Nhỉ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã đánh hội đồng, gây thương tích nặng hai đối tượng trộm chó dẫn đến tử vong. Vậy là, 10 nông dân, thanh niên đang làm ăn lương thiện bỗng phải vướng vào vòng lao lý. TAND tỉnh Quảng Trị từng mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ án này vào cuối tháng 12/2013 nhưng do cáo trạng chưa được đầy đủ nên buộc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Giống với lần mở tòa trước, lần này hàng nghìn nông dân đã tạm hoãn công việc đồng áng, lặn lội lên tới thành phố để nghe tòa xét xử.
Đứng trước vành móng ngựa,10 bị cáo tuổi đời từ 19 đến 60, cùng ở làng Nhỉ Thượng. Ngoại trừ một học sinh, tất cả đều là nông dân. Khi được hỏi về hành vi phạm tội, một số bị cáo đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nêu lý do khiến họ đánh người, là do người đó là kẻ trộm chó. Với các câu trả lời đại khái như: “Bị cáo nghĩ đồ trộm chó thì phải đánh cho chừa; hay, hôm đó dân làng thấy việc bị cáo đánh bọn trộm chó là đúng và bị cáo thấy dân làng đánh bọn trộm chó cũng đúng". Sự việc khiến chủ tọa phiên tòa phải nhiều lần nhắc nhở các bị cáo, chỉ khai việc đánh người như thế nào, chứ không phải nêu nguyên nhân. Đến khi đó, hầu hết các bị cáo mới khai rõ ràng. Chủ tọa cũng giải thích với các bị cáo rằng, việc đối tượng trộm khi bị đánh, liền tìm cách chạy thoát thân, hay có các hành động như rú ga xe máy, chiếu đèn pin và ném vỏ chai vào người truy đuổi mình… đều là hành vi bản năng.
Hàng nghìn người đến dự phiên tòa. |
Chủ tọa đánh giá cao việc làm của bị cáo Nguyễn Đăng Sơn (39 tuổi), khi cho rằng bị cáo này đã rượt đuổi và vượt lên đón đầu đối tượng trộm là Ng.Đ.C. (33 tuổi, trú xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) để bắt giữ đối tượng này chứ không tiếp tục đánh. Khác với các bị cáo khác, trong đó có Nguyễn Đăng Quý (41 tuổi) là Công an viên nhưng khi bắt được đối tượng trộm, đã không chủ trương đảm bảo an toàn tính mạng cho đối tượng mà còn tiếp tục tham gia với người khác để đánh.
Phiên tòa diễn ra trật tự cho tới phần chủ tọa hỏi người nhà của bị hại về các yêu cầu bồi thường, các khoản bồi thường, trong đó có việc các bị cáo phải nuôi các con nhỏ của các bị hại đến hết 18 tuổi. Lúc này, người dự tòa bỗng trở nên ồn ào phía dưới, bên trong phòng xử và cả hai bên hành lang hội trường. Bà con cho rằng, do đi trộm chó nên mới bị đánh chết. Bị đánh chết thì chịu chứ ai nuôi con cho. Làm sao mà vô lý thế được... Chủ tọa giải thích, tính mạng của con người là quý nhất chứ không phải con chó. Không ai có quyền tước đi sinh mạng của người khác, ngay cả khi người đó phạm tội nhưng không đe dọa đến tính mạng của những người xung quanh. Có tội và tội đó như thế nào, thì pháp luật xét xử công bằng. Việc các bị cáo đánh thương tích nặng hai đối tượng trộm chó dẫn đến tử vong, phải nuôi các con nhỏ của các bị hại đến hết 18 tuổi là công bằng… Được giải thích như vậy, nhưng những người nông dân dự tòa vẫn không cảm thấy thỏa mãn…
Tại phiên tòa, những người nông dân căm phẩn hành vi trộm chó chừng nào, thì những người nhà của bị hại đau khổ thêm chừng ấy. Người bố của nạn nhân Ng.Đ.C. tóc đã bạc gần hết mái đầu, đôi chân run rẩy, cố gượng lên khi được chủ tọa hỏi về các yêu cầu của gia đình. Ông đau khổ nói từng lời chậm chạp mà không nhớ tới câu hỏi của vị chủ tọa: “Gia đình tui sai đến đâu thì chịu đến đó". Rồi ông co người, ngồi xuống ghế như thể sợ đụng phải vật gì đó xung quanh.
Những năm lại đây, nhiều địa phương xảy ra hàng chục nghìn vụ trộm chó. Kẻ trộm dùng nhiều thủ đoạn để bắt trộm và chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy đuổi. Không ít người bị trộm chó đánh trả rất dã man, thậm chí dùng súng bắn chết. Hành vi trộm chó có thể nói đang ngày càng lộng hành và mang tính chất côn đồ, rất nguy hiểm. Khi trộm này lộng hành, bà con không chỉ bị mất của là con chó (một loại vật nuôi được yêu thích trong gia đình và có tác dụng canh trộm cao), mà đời sống sinh hoạt của bà con bị đe dọa, ANTT thôn xóm bị xáo trộn; việc nuôi chó còn được xem là nét đẹp văn hóa thuần quê bị xâm hại. Nhưng không vì thế mà người dân có những hành động vượt quá giới hạn khi truy đuổi hay bắt được trộm này. Cuộc sống chỉ thực sự bình yên và hạnh phúc khi mọi công dân đều hiểu biết và tôn trọng pháp luật. Qua những vụ án đau lòng này mong là hồi chuông cảnh tỉnh đối với kẻ trộm cũng như người mất của