Chùa Bồ Đề nhận nuôi trẻ bỏ rơi chỉ với mục đích từ thiện
>> Phải sớm đưa trẻ ở chùa Bồ Đề vào cơ sở nuôi dưỡng hợp pháp
Chiều 19/8, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND quận Long Biên đã thông tin chính thức với báo chí kết quả thanh tra chùa Bồ Đề trong thời gian qua. Theo ông Hải, đầu tháng 8, sau khi hai đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi) và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi) bị bắt để điều tra hành vi mua bán trẻ em, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội và quận Long Biên đã chia làm 4 tổ để kiểm tra toàn diện về thực trạng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi, công tác tiếp nhận, quản lý... tại chùa này.
Chùa Bồ Đề đề nghị đưa các đối tượng đang nuôi dưỡng vào Trung tâm bảo trợ TP
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch UBND quận Long Biên, ông Đỗ Mạnh Hải cho biết, bên cạnh những hoạt động nhân đạo, từ thiện mà chùa Bồ Đề đã làm được, cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tại chùa Bồ Đề.
Tại thời điểm kiểm tra, có 135 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 55 trẻ từ 0-6 tuổi; 37 trẻ em từ 6-16 tuổi; 16 người tàn tật; 34 người cao tuổi và 9 trường hợp lang thang cơ nhỡ đang tạm xin tá túc. Đối chiếu tổng số người có mặt tại thời điểm kiểm tra với hồ sơ do phía nhà chùa cung cấp cho thấy, có 24 người, gồm 21 trẻ em và 3 người già, có tên trong hồ sơ nhưng không có mặt.
Công an quận Long Biên đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an phường Bồ Đề trực tiếp cử người xác minh theo các địa chỉ do Trụ trì chùa là sư Thích Đàm Lan cung cấp.
Kết quả thanh tra tại đây cho thấy, đã có 3 người già và 5 trẻ em đã được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội; 13 trẻ em hiện được gia đình nuôi dưỡng; 1 trẻ em được nhận làm con nuôi (có quyết định của UBND phường Bồ Đề) và 2 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại chùa khác.
Theo đó, Đoàn liên ngành cho biết, chùa Bồ Đề có sổ sách theo dõi người đang cư trú, có số đăng ký tạm trú với chính quyền cơ sở, đã phân công người chịu trách nhiệm theo dõi, thực hiện. Tuy nhiên, việc phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý nhân hộ khẩu chưa nghiêm túc, không tự giác khai báo những di biến động về số trẻ em và đối tượng bảo trợ xã hộ, chỉ khi chính quyền cơ sở rà soát mới báo cáo; cơ sở vật chất chùa Bồ Đề không đảm bảo quy định; không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực y tế…
Chủ tịch UBDN quận Long Biên khẳng định, chùa Bồ Đề nuôi trẻ bỏ rơi chỉ với mục đích từ thiện. “Chùa Bồ Đề chỉ nuôi trẻ bỏ rơi với mục đích từ thiện. Đây là cơ sở từ thiện, trách nhiệm của nhà chùa chỉ có mở lòng từ bi và nhận nuôi. Nhà chùa chỉ tiếp nhận chứ không có bất kỳ hành vi kinh doanh gì. Số lượng người đến chùa ngày càng đông, chính quyền địa phương đã hướng dẫn hàng năm chùa Bồ Đề đưa các đối tượng bảo trợ xã hội về các trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng vẫn chưa được thực hiện”.
Khi kiểm tra về điều kiện cơ sở vật chất tại khu nuôi dưỡng các trẻ em và người già, người tàn tật, đoàn liên ngành ghi nhận diện tích ở trung bình mỗi người tính theo mét vuông là không đảm bảo quy định. Trang thiết bị khu bếp đơn giản, sơ sài, không đảm bảo phòng tránh côn trùng. Khu vệ sinh cũng không đáp ứng tốt nhu cầu. Nhà chùa có bố trí người phục vụ chăm sóc trẻ em, tuy nhiên, nhiều người trong số đó không có chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ. Ngoài ra, 100% trẻ trong độ tuổi 0-6 chưa được đi học tại các cơ sở giáo dục theo quy định, còn lại các trẻ 6-16 tuổi, có 18 trẻ được đi học thường xuyên. Hiện nay, có 80/92 trẻ chưa được đăng ký khai sinh.
Tại cuộc giao ban, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, kết quả thanh tra chùa Bồ Đề mà quận Long Biên đã báo cáo là chính xác. "Chúng tôi chưa xác định được sư Thích Đàm Lan có dấu hiệu vi phạm pháp luật", Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết. Ngay sau cuộc thanh tra, đến ngày 18/8, UBND quận Long Biên nhận được văn bản của chùa Bồ Đề đề nghị đưa toàn bộ số đối tượng đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trả lời tại cuộc họp báo. |
Kết quả điều tra xác minh các trường hợp nghi mất tích hoàn toàn chính xác
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định chùa Bồ Đề không phải là “cơ sở chui” mà là cơ sở tôn giáo, việc tiếp nhận các trường hợp đều bị động, xuất phát từ những số phận lầm lỡ tìm đến nơi cửa phật.
Tuy nhiên, ông Phan Đăng Long cho hay sẽ xem xét trách nhiệm của sư thầy Thích Đàm Lan với tư cách là quản lý tại chùa Bồ Đề để xảy ra vụ việc đáng tiếc. "Đây là vụ việc cá biệt, một người phụ nữ vô sinh nhận để nuôi chứ không có đường dây buôn bán trẻ em tại chùa" - ông Long cho biết. Liên quan đến thông tin 11 cháu bé mất tích và nghi vấn về kết quả điều tra trong vụ việc này như một số báo thông tin, ông Phan Đăng Long, khẳng định đã có trong tay địa chỉ cụ thể của từng cháu, do cơ quan điều tra cung cấp. Trong đó có 7 cháu đang ở với gia đình, 2 cháu được nhận làm con nuôi, còn lại các cháu ở chùa Bồ Đề và chùa khác. Về trường hợp hai cháu được nhận làm con nuôi, cơ quan chức năng đã xác định tên tuổi và địa chỉ cụ thể ở Nam Định, Đồng Nai…"Các cháu đã sống ổn định với gia đình nên chúng tôi không đưa tên cụ thể, chúng tôi chịu trách nhiệm trước thông tin này", ông Long nói.
Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định, các cháu đã được nhận làm con nuôi thì một số gia đình đã đổi tên, đổi họ. “Các cháu đều đã được chăm sóc, khôn lớn và nhiều cháu trưởng thành. Chúng ta nên hết sức ủng hộ các gia đình đã nhận các cháu làm con nuôi. Bản thân gia đình và các cháu không muốn nêu danh tính để yên ổn cuộc sống”.
Về việc chùa Bồ Đề có tiếp tục được nuôi dưỡng các cháu hay không, ông Long cho biết, TP đang xem xét vì hiện nay nhiều người muốn nhà chùa vẫn giữ hoạt động như trước và mong thành phố sẽ có những hỗ trợ và quan tâm hơn nữa