Triệu tập mẹ ‘siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như’ đến tòa phúc thẩm

Thứ Hai, 15/12/2014, 16:22
HĐXX Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã triệu tập mẹ bị cáo Huyền Như - bà Nguyễn Thị Lang. Bà Lang là người đứng tên biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng tại Hội An, Quảng Nam đã bị kê biên trong vụ án.
>> Xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như

Ngày 15/12, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank - chi nhánh TP HCM).

Đúng 8h sáng, Huyền Như cùng 4 bị cáo bị tạm giam trong vụ án này gồm Võ Anh Tuấn (42 tuổi; nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè); Huỳnh Hữu Danh (33 tuổi; nguyên nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TP HCM), Đào Thị Tuyết Dung (45 tuổi, giám đốc công ty TNHH Dung Vân) và Nguyễn Thị Lành (52 tuổi, nguyên giám đốc công ty CP đầu tư Phương Đông) được dẫn giải đến tòa trong 2 chiếc xe đặc dụng của cảnh sát. Tuy nhiên, do số lượng bị cáo, nguyên đơn dân sự, người bị hại, những người có nghĩa vụ và liên quan trong vụ án, số lượng các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo quá đông nên phần thủ tục tốn nhiều thời gian khiến đến 9h HĐXX mới bắt đầu làm việc.

Bị cáo Huyền Như được dẫn giải đến tòa.

Ngay trong phần thủ tục, HĐXX nhắc nhở các bị cáo tại ngoại nếu có thái độ không tốt, không chấp hành nghiêm quy định (vắng mặt) nhẹ sẽ bị áp giải đến tòa, nặng sẽ bị HĐXX thay đổi biên pháp ngăn chặn, bắt tạm giam để đảm bảo cho việc xét xử.

Thay mặt HĐXX, Chủ tọa - Thẩm phán Quảng Đức Tuyên thông báo có tổng cộng 34 luật sư tham dự bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Vị cáo Võ Anh Tuấn.

Khi được HĐXX hỏi ý kiến về phần thủ tục, nhiều luật sư đề nghị HĐXX triệu tập những người nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB và các cá nhân liên quan là những người có chức vụ tại Vietinbank. Ngoài ra, có luật sư còn đề nghị HĐXX bác tư cách của luật sư Nguyễn Tiến Hùng, người tham gia bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank vì cho rằng luật sư này đã vi phạm điều cấm của luật sư bởi tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, luật sư này bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, trong khi quyền lợi giữa Vietinbank và bị cáo Như đối lập nhau trong cùng một vụ án.

Quang cảnh phiên tòa trước giờ khai mạc.

Sau khi nghe VKS phát biểu ý kiến và hội ý, HĐXX chỉ cấp nhận yêu cầu triệu tập ông Nguyễn Văn Sẻ - giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM tham dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng. Đối với các yêu cầu triệu tập Hội đồng quản trị, Ban điều hành ACB, theo HĐXX, đây là vụ án lừa đảo do Huỳnh Thị Huyền Như và các bị cáo khác thực hiện chứ không xét xử hành vi của Ban lãnh đạo ACB, tại tòa đã có đại diện của ngân hàng này nên không cần thiết triệu tập.

HĐXX cũng bác yêu cầu triệu tập các lãnh đạo Vietinbank vì tại phiên tòa đã có đại diện ủy quyền của ngân hàng này nên người đại diện có trách nhiệm trả lời tất cả các câu hỏi của các luật sư tham gia thẩm vấn.

Bị cáo Như tại tòa.

Đối với đề nghị bác tư cách của luật sư Nguyễn Tiến Hùng, VKS cho rằng không có căn cứ chấp nhận vì ông Hùng chỉ là người đại diện hợp pháp chứ không phải là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Vietinbank. Theo HĐXX, điều này không thuộc trường hợp cấm theo quy định của luật luật sư.

Tham gia phiên tòa, ngoài các bị cáo, luật sư, nguyên đơn dân sự, người bị hại, nhân chứng và 85 người được tòa sơ thẩm xác định là người liên quan đến vụ án tham gia phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm còn triệu tập mẹ bị cáo Huyền Như - bà Nguyễn Thị Lang (64 tuổi) với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bà Lang được dư luận biết đến là người đứng tên biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng tại dự án The Nam Hải rosort tại Hội An, Quảng Nam đã bị kê biên trong vụ án.

Các luật sư tham gia phiên tòa.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Huyền Như không kháng cáo về phần hình phạt mà chỉ xin Tòa phúc thẩm xem xét trả lại căn biệt thự nói trên cho mẹ ruột và xin lại một trong số các căn nhà bị kê biên khác để nuôi con. Tương tự, bà Lang cũng có đơn kiến nghị gửi Tòa phúc thẩm đề nghị được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đồng thời, bà kiến nghị Tòa tuyên hủy lệnh kê biên và trả lại căn biệt thự nói trên cho bà.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 6 đến ngày 27/1, TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Liên quan đến vụ án, 22 bị cáo còn lại cũng bị tuyên phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù với nhiều tội danh khác nhau. Về phần trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Như và các đồng phạm phạm tội lừa đảo có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Mẹ bị cáo Huyền Như được triệu tập đến tòa phúc thẩm với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND TP HCM đã kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với hai bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank - Chi nhánh TP HCM, án tuyên 20 năm tù), đối tượng giúp sức tích cực và tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo và Đào Thị Tuyết Dung (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân; án tuyên 12 năm tù).  

Cùng thời điểm này, có 20/23 bị cáo trong vụ án nộp đơn kháng cáo. Riêng bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo về phần dân sự, đề nghị xem xét giải quyết trả căn biệt thự H2 The Nam Hai, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho mẹ bị cáo và xin lại một trong những căn nhà bị cáo đang bị kê biên.

Ngoài ra, các nguyên đơn dân sự liên quan đến vụ án, như ACB, Công ty CP Chứng khoán Phương Đông (ORS), Công ty CP Chứng khoán Toàn Cầu, Công ty An Lộc, Ngân hàng Nam Việt (Navibank)… và các bị hại, người liên quan cũng đã lần lượt nộp đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại về phần dân sự bản án sơ thẩm đã tuyên.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra đến ngày 31/12 mới kết thúc.

A.Huy
.
.
.