Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an thông tin về tội phạm công nghệ cao
Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao qua quản lý hành chính về an ninh trật tự gồm: Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn; quản lý hồ sơ, tàng thư, căn cước phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh và các biện pháp quản lý hành chính, trật tự khác theo quy định của pháp luật.
“Cá nhân tham gia phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao bằng cách: bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình; phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao với cơ quan Công an, chính quyền cơ sở hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức nào gần nhất. Đồng thời có nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chuyên trách khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi phát hiện hoặc nhận được tố giác, tin báo về tội phạm và các vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền; cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu, dữ liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, hoặc thông báo cơ quan điều tra, cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật”, Nghị định nêu rõ.
Cơ quan Công an đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. |
Nghị định cũng quy định, các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/5/2014