Nâng cao hiệu lực quản lý, giảm thiểu tai nạn giao thông

Thứ Năm, 29/10/2020, 11:13
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam đã xảy ra 334.901 vụ, làm chết 101.810 người (trung bình mỗi năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), Đồng thời gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản. Đáng chú ý, nguyên nhân gây TNGT đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm trên 90% số vụ.

Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn; vi phạm pháp luật về ATGT vẫn có tính phổ biến. Thực tế đòi hỏi phải xây dựng một bộ luật mới chuyên sâu hoá lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông nên Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên.

1. Trình bày tờ trình dự án Luật bảo đảm TTATGT đường bộ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hoá giao thông văn minh, tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Cán bộ CSGT phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông cho người dân

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân. Thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy theo tinh thần một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Phân công và xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ của các bộ, ngành liên quan, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.

Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó cho thấy các quốc gia đều có luật riêng về TTATGT, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông. Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng phù hợp với xu hướng chuyên hoá trong xây dựng pháp luật hiện nay.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 71 điều, quy định rõ ràng, đầy đủ hơn một số nguyên tắc giao thông; phương tiện và người điều khiển phương tiện; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc; giải quyết TNGT; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm. Quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.

2.Tại Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31-8-2020, Chính phủ thảo luận và thống nhất về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, theo đó Dự án Luật quy định các vấn đề: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Sau khi các bộ, ngành họp thống nhất, Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội phương án giao Bộ Công an quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Cán bộ CSGT kiểm tra giấy tờ, xử lý người vi phạm về an toàn giao thông

Theo kế hoạch của Bộ Công an, người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa TNGT, kỹ năng sơ cứu ban đầu TNGT, văn hoá ứng xử khi lái xe và các vấn đề bảo đảm TTATGT; chú trọng sát hạch kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

Kết quả đào tạo, sát hạch sẽ được thông tin công khai để nhân dân biết, giám sát. Hiện nay Bộ Công an đã được đầu tư, trang bị hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện bố trí tới cấp huyện, phần mềm in GPLX của ngành Công an tại Cục Cảnh sát giao thông và Công an 63 địa phương, do đó khi tiếp quản hệ thống quản lý của Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ yếu kết nối, đồng bộ hóa phần mềm ứng dụng sử dụng, không gây tốn kém lớn về chi phí, không ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao và triển khai thực hiện. 

Khi tiếp nhận công tác này, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, bố trí lại chương trình đào tạo theo hướng ngắn gọn, phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tối ưu tận dụng thời gian, tài chính cho người học lái xe. Cơ sở đào tạo thuận lợi, tổ chức thực hiện phù hợp điều kiện cơ sở vật chất và thực tế đào tạo, quản lý chặt chẽ việc tổ chức thực hiện của cơ sở đào tạo và người học. Tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật, học viên được tự lựa chọn hình thức đào tạo và trung tâm sát hạch. Căn cứ chất lượng đào tạo, giáo viên dạy lái và cơ sở vật chất để có hướng xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch không đủ điều kiện.

3.Theo dự thảo Luật bảo đảm TTATGT đường bộ, thì biển kiểm soát phương tiện giao thông sẽ được tổ chức đấu giá. Người trúng đấu giá đảm bảo đầy đủ các quyền về tài sản gồm: quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt. Việc đấu giá biển số xe đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe cơ giới theo sở thích để đáp ứng tư tưởng trong sinh hoạt, kinh doanh và gắn trách nhiệm người trúng đấu giá sử dụng biển số đó.          

 Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát, Cục CSGT đã tạm chia thành 5 nhóm biển số để đưa ra đấu giá: Nhóm thứ nhất là gồm 5 chữ số giống nhau. Nhóm thứ hai gồm 4 chữ số cuối giống nhau. Nhóm thứ ba là gồm 3 chữ số giống nhau. Nhóm thứ tư là số sau lớn hơn số trước. Và nhóm thứ năm là các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.

Việc cấp BKS phương tiện giao thông qua đấu giá để đảm bảo được công khai, minh bạch và công bằng, tất cả kho số đưa ra đấu giá đều được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến. Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến, góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tham gia được.

Điều kiện bắt buộc là mỗi người dân đều phải có một tài khoản, có phương tiện và có đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Số tiền thu được từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với các biển số không có người mua đấu giá thì sẽ được đưa vào hệ thống bấm số ngẫu nhiên để cấp cho các phương tiện đăng ký mà không có nhu cầu mua biển số.

4.Ứng dụng công nghệ trong bảo đảm TTATGT và kiểm soát giao thông và biên chế để đảm bảo công tác này cũng là một trong những vấn đề Bộ Công an đã tính toán cụ thể để thực hiện khi dự án Luật được thông qua. Theo đó, dự thảo Luật đã quy định cơ sở pháp lý cho việc triển khai ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, quản lý sử dụng hệ thống giám sát, trung tâm chỉ huy giao thông, cơ sở dữ liệu dùng chung vào quản lý TTATGT đường bộ với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tiếp thu kinh nghiệm quản lý TTATGT của các nước có nền giao thông văn minh, tiếp cận với nền giao thông văn minh và hiện đại. Với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung liên thông, sẽ giúp cho các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, tiết kiệm chi phí quản lý, công khai, minh bạch, cải cách hành chính, phục vụ người dân tốt hơn.

Hiện nay Bộ Công an đang thực hiện liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe từ Cục CSGT, Phòng CSGT, Công an cấp huyện; triển khai việc xử phạt vi phạm hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Bộ Công an đã và đang triển khai xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc, các tuyến quốc lộ trọng điểm (Quốc lộ 1); nhiều địa phương cũng đã xây dựng các hệ thống giám sát trên các tuyến giao thông của địa phương để giám sát tình hình TTATGT, phát hiện vi phạm giao thông, giám sát tình hình an ninh, TTATXH, phòng chống tội phạm, đạt hiệu quả rất cao.

Với việc áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý TTATGT, sẽ dần thay đổi các phương thức quản lý TTATGT, phương thức tuần tra, kiểm soát truyền thống, từ dùng sức người trực tiếp kiểm soát, phát hiện vi phạm, sang sử dụng vận hành các hệ thống công nghệ, phương tiện thiết bị kỹ thuật để giám sát giao thông tốt hơn, từ đó sẽ từng bước tinh giản được biên chế lực lượng trực tiếp, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí như các nước tiên tiến đã triển khai.

Bên cạnh đó, các chính sách của Luật có liên quan đến việc giải quyết công việc giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân như đăng ký, cấp biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý vi phạm đều thể hiện tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giải quyết, xử lý các nội dung công việc, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho nhà nước và người dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ thực thi pháp luật.

Tiến tới việc xử lý vi phạm đều có chứng cứ điện tử thay bằng việc phát hiện bằng mắt thường), tăng cường xử phạt "nguội", nộp phạt vi phạm qua hệ thống cổng dịch vụ công, trang bị hệ thống camera giám sát quá trình làm nhiệm vụ của CBCS, nhân dân có quyền giám sát việc thi hành pháp luật của các cán bộ CAND.

Hoàng Sơn
.
.
.