Ngăn chặn nạn mua bán người - giải cứu những phận đời cùng cực

Trang mới cuộc đời và chuyện về những tấm lòng nhân ái- Bài 4

Chủ Nhật, 10/10/2021, 09:39

Trong đoạn đời bị lừa bán, các nạn nhân đã không được sống đúng nghĩa cuộc sống của một con người. Họ trở thành nô lệ tình dục, bị bóc lột lao động …Thế nên, được giải cứu trở về với gia đình, đối với họ đã là một hạnh phúc lớn. Nhiều người đã bật khóc khi bước chân qua biên giới để trở về Việt Nam.

 

Và theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2015-2020, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận, xác minh hơn 4.000 người, xác định 2.359 người là nạn nhân bị mua bán. Rất nhiều nạn nhân sau khi được tiếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, đã ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Cuộc đời của họ đã bước sang một trang mới, có được tương lai ổn định và phát triển…

5-1.jpg -0
Hiện chị N.T.H hạnh phúc với gia đình nhỏ, cùng con trai đầu và chuẩn bị chào đón em bé thứ hai.

Nhớ về quá khứ đau buồn để trân trọng trang mới cuộc đời

5 năm trời trở về Việt Nam, chị N.T.H (SN 1992, quê ở tỉnh Hải Dương) hễ nghe thấy tiếng chân chạy là cảm thấy khó thở, sợ hãi, bởi nỗi ám ảnh khôn nguôi về quãng thời gian bị bán sang xứ người. Vượt qua mặc cảm, sự đùm bọc của gia đình và  tổ chức Rồng Xanh, chị H đã trở thành cô giáo giúp các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Đúng như nickname mà chị tự đặt: “Hướng dương”, loài hoa dù trong hoàn cảnh nào vẫn mạnh mẽ vươn lên, hướng đến những điều tốt đẹp.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, là chị cả nên N.T.H từ bé đã giúp đỡ việc nhà cho bố mẹ, chăm sóc các em, ao ước trở thành cô giáo để có cuộc sống ổn định, làm cô giáo làng với người chồng hết mực thương yêu. Nuôi ước mơ, năm 18 tuổi, H tốt nghiệp cấp 3 thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng do thiếu điểm nên H học hệ ngoài, tự đóng học phí. Bố mẹ cũng không có tiền nên những buổi đầu học ở trên Hà Nội, H đã tự đi xin việc làm để trang trải cuộc sống. Nhưng do từ quê lên, cái gì cũng bỡ ngỡ, xin làm gia sư qua các trung tâm thì H đều bị lừa gạt, cứ đóng tiền cho trung tâm từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng mãi cũng không thấy họ gọi bảo đi làm.

Đang trong lúc nghỉ học giữa kỳ, H ra khu vực bến xe Mỹ Đình tìm việc, thì gặp một người đàn bà tự xưng tên là Hoa. Người phụ nữ này hồ hởi, nhiệt tình nói sẽ giúp H việc làm vừa nhàn lại có tiền, chỉ cần đi theo lấy quần áo mang về Hà Nội để bán. Với sự ngây ngô của cô sinh viên năm thứ 1, H đã theo “mẹ mìn” lên Lạng Sơn tìm việc, khi đó là năm 2010. Tại đây, bà Hoa giả vờ lên lễ cúng ở Đền Mãu Đồng Đăng, rồi nói với cô gái sẽ đi bộ qua dãy núi kia để sang bên cửa khẩu Trung Quốc lấy hàng…

Đi bộ leo núi, điện thoại mất sóng, H tuy có chút nghi ngờ nhưng lại được Hoa thủ thỉ: “Chịu khó làm việc cô sẽ trả nhiều tiền công”. Sang đến ngày thứ 2, họ tiếp tục di chuyển bằng ôtô vào sâu nội địa Trung Quốc, qua trạm kiểm soát hay trạm xăng, H đều được Hoa dặn phải cúi mặt xuống và không được trả lời câu hỏi của bất cứ ai.

Đến tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, H được đưa vào ngôi nhà cũ, trát bằng đất. Tại đây, Hoa lấy cớ đi có việc, H được người phụ nữ tên Hà, lấy chồng người Trung Quốc đón, nói cô đã bị bán, với giá khoảng 100 triệu đồng. Muốn trở về Việt Nam thì tiếp khách, trả hết tiền sẽ cho về. Sợ hãi, khóc lóc, H được đưa vào phòng ở cùng với 2 cô gái Việt Nam khác cũng bị bán sang. Khoảng 1 tuần sau, H bị “tú bà” ép tiếp khách, từ chối tiếp, bất ngờ bà Hà lao vào đánh, đè, giẫm chân lên người H yêu cầu phải tiếp khách nếu không sẽ bị đưa đi nơi khác. Cùng cực, không còn lối thoát, cô sinh viên ngày nào chấp nhận tiếp khách mong chờ ngày trở về.

Theo lời kể lại của H, thời điểm ấy, em mất phương hướng, sống như ngục tù, không biết cuộc đời sẽ ra sao khi có ngày em tiếp từ 30 đến 40 khách, ít nhất là 7 khách/ngày. Thân thể rã rời, khi H và 2 cô gái khác bị “tú bà” bắt đứng ra dãy phố chuyên dành cho gái bán dâm để chào mời, lôi kéo khách. Càng bán dâm nhiều sẽ được “tú bà” khen, còn không sẽ bị “tú bà” đánh đập, la mắng, chửi bới. Sau 6 tháng bị đọa đầy cả thể xác lẫn tinh thần, H cùng với 4 cô gái khác đã được cơ quan Công an giải cứu, đưa trở về Việt Nam.

Cũng theo lời kể của nạn nhân: “Trong 5 năm trời, em đã bị ám ảnh bởi tiếng chạy, cứ nghe thấy tiếng đấy là e khó thở… Đó là tiếng chạy mỗi lần nghe thấy ai kêu khi lực lượng Công an càn quét các ổ mại dâm. Nếu chống cự, em sẽ bị chủ nhà đánh, nên cứ thế là chạy, chui cả vào trong hầm, hay leo lên mái nhà, có lần trật cả khớp tay do chạy trốn”.

Trở về quê hương, bố mẹ cùng cán bộ Công an ra đón H, lao vào vòng tay của mẹ, chị đã khóc suốt dọc đường về, bao nỗi buồn tủi cứ thế tuôn trào. Đêm ấy, cả nhà thức trắng, để nghe con gái đầu kể lại cuộc sống “địa ngục” nơi xứ người… Sáng đầu tiên ở nhà, lục tìm lấy quần áo, H ngạc nhiên khi các bộ quần áo của mình không còn, hỏi ra thì thời điểm H đột ngột “mất tích”, gia đình tìm mọi cách nhưng không liên lạc được, vừa báo Công an, mẹ H cũng đi khắp phương để cầu cúng, cứ thầy nào bảo mang quần áo  của con gái ra đốt để làm bùa phép, thì từng ấy bộ quần áo của chị bị đốt theo. Thời điểm này, mẹ H cũng bị trầm cảm nặng, thẫn thờ, công việc đồng áng cứ làm xong lại vứt liềm đi, nhà lại phải mua cái khác. Đến khi thu hoạch, khắp ruộng tìm thấy có 20 cái liềm bị mẹ H bỏ quên.

Trở về được thời gian, các chú ở Cục Cảnh sát hình sự đã hỗ trợ H làm xác nhận để xin bảo lưu kết quả học trước đó tại trường sư phạm và tiếp tục  theo học nghề sư phạm mà chị ao ước. H cũng được sự giúp đỡ của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh hỗ trợ tiền học, tiền ăn hàng tháng. Sau đó, H vừa học vừa đi làm gia sư, tiết kiệm tích lũy. Năm 2016, chị ra trường. Một năm sau, chị gặp người chồng hiện tại bây giờ, hai người kết hôn và có bé trai đã 4 tuổi, đến tháng 12 này chị sẽ sinh bé gái. Công việc của chị là tham gia hỗ trợ học sinh đặc biệt, tự kỷ, giúp các em hòa nhập với cuộc sống. Ngôi nhà của vợ chồng chị thuê ở giờ ngập tràn tiếng cười, chạy nhảy của cậu con trai, thỉnh thoảng lại ghé vào bụng mẹ để nghe thấy em đạp. Chị bảo cuộc đời chị chỉ cần thế thôi, yên bình và hạnh phúc.

Điểm tựa cho các nạn nhân được giải cứu trở về

Luôn sát cánh cùng lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người có Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện (tài chính, y tế, tâm lý, luật pháp...), lâu dài và riêng tư (hỗ trợ riêng cho phù hợp với mỗi nạn nhân) cho các nạn nhân. Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi mới có được cuộc trao đổi với luật sư Tạ Ngọc Vân, đại diện Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, bởi anh đang mải mốt ở vùng biên Lào Cai, trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân trong một phiên toà xét xử đường dây mua bán người có quy mô lớn.

“Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý, làm luật sư, bảo vệ các em trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại các phiên tòa. Chúng tôi đã bảo vệ cho 128 nạn nhân tại hơn 80 phiên tòa xét xử về mua bán người trong hơn 10 năm qua. Điều này rất có ý nghĩa, bởi lẽ những nạn nhân của mua bán người không chỉ cần hỗ trợ về vật chất, tinh thần mà còn cần hỗ trợ để đòi lại công bằng, công lý cho mình, qua đó góp phần răn đe, phòng ngừa chung đối với tội phạm mua bán người”- Luật sư Vân cho biết.    

Luật sư Tạ Ngọc Vân chia sẻ, sau khi nạn nhân được giải cứu, cán bộ của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh cung cấp dịch vụ đón từ nơi tiếp nhận (thường là các tỉnh biên giới) để về Hà Nội. Giúp các em có nơi tạm lánh an toàn, khám chữa bệnh, ổn định tâm lý để giúp các em trình báo và làm việc với các cơ quan Công an trong quá trình lấy lời khai phục vụ cho công tác điều tra. “Sau khi làm việc xong, chúng tôi sẽ giúp các em về đoàn tụ với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng (có nhiều em ở vùng xa xôi, hẻo lánh, miền núi...).

Tùy từng hoàn cảnh, khả năng và nguyện vọng của mỗi nạn nhân, chúng tôi sẽ giúp các em đi học văn hóa, học nghề, tìm việc làm hoặc tham gia các dịch vụ xã hội khác. Có những em chúng tôi giúp từ ngày học lớp sáu (khi được giải cứu về 13 tuổi) cho đến khi học xong đại học. Có những em giúp ăn, ở và chi phí học nghề trong vòng 6 tháng đến 3 năm. Có những trường hợp khi chúng tôi giúp các em đoàn tụ về nhà, sau đó các em nói với chúng tôi dành nguồn lực để giúp người khác, còn bản thân các em và gia đình có thể tự mình vượt qua khó khăn...”.- Luật sư Vân cho biết.

Anh có kể cho tôi nghe về trường hợp một nạn nhân khá đặc biệt, gây ấn tượng cho anh. Khi bị lừa bán, T, tên nạn nhân mới 17 tuổi và đang là nữ sinh lớp 11. Sau khi được giải cứu trở về, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh hỗ trợ cho T trong việc trở về đoàn tụ gia đình, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho T trong tất cả các giai đoạn của vụ án mà T là người bị hại. Trong quá trình bị lừa bán, giấy tờ tùy thân của T bị mất, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan Công an hỗ trợ xin cấp lại cho T. Sau đó, T đã đi học trở lại, giờ em đã có một công việc ổn định. “Em mới khoe với chúng tôi là sắp sửa lập gia đình. Chúng tôi cũng mong rằng quá khứ đau buồn của em sẽ bị vùi chôn, em sẽ có một trang đời mới hạnh phúc và bình an”- niềm vui của luật sư Vân qua câu chuyện của em H đã lan tỏa với chúng tôi.

Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh luôn sát cánh với lực lượng Công an trong các vụ giải cứu nạn nhân bị mua bán trở về. Sau đó, hỗ trợ, giúp hàng trăm em được quay trở lại trường học và đang theo học ở các cấp học khác nhau, rất nhiều em được học nghề, ổn định cuộc sống. Có những em đã tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt, nhiều em hiện nay đang giữ vai trò quan trọng ở khu bếp của khách sạn lớn, nổi tiếng; có em đã là chủ của cửa hàng Salon nhỏ... Nhiều em đã có gia đình và hòa nhập bình thường với xã hội.

“Điều quan trọng nhất mà cơ quan Công an, cũng như chúng tôi đã làm được, đó là đưa các em từ cuộc sống bị bóc lột như nô lệ, nhân phẩm bị coi là món hàng bán đi bán lại được trở về cuộc sống tự do, đoàn tụ với gia đình và được làm những gì mình mong muốn trên quê hương, đất nước của mình”- Luật sư Vân chia sẻ.

M.Hiền - T.Hòa
.
.
.