Xót xa cảnh cha mẹ già chăm 4 người con mắc bệnh nan y

Thứ Năm, 12/03/2020, 14:56
Niềm vui của các bậc cha mẹ sinh con ra những mong con khôn lớn nương tựa khi “xế chiều”. Thế nhưng, cái điều hết sức bình thường đó chỉ là ước mơ xa vời với ông bà khi phải chật vật lần lượt chăm sóc cho 4 người con vừa mắc thiểu năng trí tuệ vừa mắc bệnh ung thư. Đó là hoàn cảnh đáng thương của gia đình ông Phạm Văn Phúc (sinh năm 1940) và bà Đinh Thị Mỳ (sinh năm 1947) trú tại tổ dân phố Đọ Xá, phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.


Bốn người con lần lượt mắc bệnh ung thư

Trong căn nhà nhỏ nằm cuối thôn, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người đàn ông gầy guộc, dáng người nhỏ thó, gương mặt khắc khổ đang bón cho ba đứa con trai vừa mắc bệnh thiểu năng trí tuệ vừa mắc bệnh ung thư ăn từng thìa cơm nguội. Thấy khách lạ đến, ông Phúc tỏ ra e ngại, cố chống chiếc gậy ra sân để chào khách. Trong căn nhà tuềnh toàng, xơ xác, những tia nắng hiu hắt chiếu vào qua những ô dột nát khiến không khí gia đình càng thêm ảm đạm.

Ông Phúc – bà Mỳ bên cạnh 3 cậu con trai vừa mắc căn bệnh thiểu năng trí tuệ vừa mắc bệnh ung thư.

Ông Phúc chua chát kể về gia đình mình trong nước mắt: Năm 1975, sau khi xuất ngũ Phạm Văn Phúc trở về quê hương, chàng thanh niên nên duyên với cô thôn nữ Đinh Thị Mỳ trong sự chúc phúc của anh em họ hàng và bà con lối xóm. Không lâu sau đó, 4 người con cả trai lẫn gái kháu khỉnh, bụ bẫm lần lượt chào đời: Phạm Minh Đức (sinh năm 1976), Phạm Nam Bình (sinh năm 1978), Phạm Thị Hương (sinh năm 1982) và Phạm Quốc Anh (sinh năm 1984).

Thế nhưng, niềm vui hạnh phúc của vợ chồng không kéo dài được bao lâu khi 3 cậu con trai khoảng 4 tuổi mà không nói năng được gì mà chỉ đưa những cặp mắt ngây dại vô hồn nháo nhác nhìn xung quanh. Phát hoảng, ông bà tất tả đưa các con lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam thăm khám. Sau hàng loạt xét nghiệm, các bác sỹ kết luận 3 cậu con trai của ông bà bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng chất độc da cam từ ông Phúc.

Càng lớn, 3 cậu con trai của ông bà càng đờ đẫn, mỗi khi trái gió trở trời là gào thét, đập phá và lao vào đánh nhau trong vô thức. Niềm hy vọng lớn nhất của ông bà đều trông mong vào cô con gái duy nhất Phạm Thị Hương minh mẫn nhanh nhẹn nhất nhà. Vợ chồng ông Phúc nhiều đêm ôm nhau khóc cạn nước mắt. Nhưng nghĩ tới các con, họ lại động viên nhau cố gắng làm lụng vất vả để cho con đỡ khổ. Những năm đầu các con bị bệnh, vợ chồng ông Phúc - bà Mỳ đôn đáo khắp nơi tìm thầy thuốc chữa chạy.

Đồ đạc trong nhà, đất cát phải bán dần bán mòn nhưng tiền mất tật vẫn mang. Hơn 45 năm qua bà phải sống, chịu đựng những người thân mắc bệnh để nuôi nấng họ. Bà bảo, mỗi ngày như là một "cuộc chiến", rất hiếm hoi có giây phút bình yên. 3 đứa con trai lộc ngộc có lớn mà không có khôn của ông bà mỗi đứa lại có một “sở thích” khác nhau, đứa hay đi lang thang, đứa lại ngủ li bì, tè dầm, ăn vụng, thậm chí đập phá đồ đạc, nghịch bẩn... khiến ông bà đau đầu vì các con.

Ông Phúc cho chúng tôi xem bệnh án của 3 người con đều mắc bệnh ung thư.

"Ngày nào vợ chồng tôi cũng phải đầu tắt mặt tối với việc bếp núc, cơm cháo, giặt quần áo cho cả sáu người. Có khi tôi còn chẳng kịp ăn miếng nào thì mọi người đã chén sạch rồi. Đồ đạc trong nhà cũng chẳng có cái gì lành lặn, toàn những thứ bị đập, bị xé. Nuôi một người bệnh thiểu năng trí tuệ đã khó rồi anh ạ, đằng này tôi nuôi tới 3, không biết than cùng ai, nhiều lúc cho các con ăn mà nước mắt tôi cứ trào ra", ông Phúc thổn thức.

Họa vô đơn chí, nỗi buồn bệnh tật cứ ám ảnh bám riết lấy gia đình bất hạnh ấy. Tháng 3-2019, trong một lần đưa 4 người con lên bệnh viện khám định kỳ, ông bà Phúc – Mỳ lại khóc ngất, ngã quỵ và đầu óc quay cuồng khi các bác sỹ thông báo 4 người con của ông lần lượt mắc 4 căn bệnh ung thư khác nhau: Anh Đức mắc bệnh ung thư vòm họng, anh Bình mắc căn bệnh đái tháo đường tuýp 2, chị Hương mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp, anh Quốc Anh mắc căn bệnh ung thư đại tràng.

“Khi nghe các bác sỹ thông báo 4 đứa nó vừa mắc thiểu năng trí tuệ, mỗi một đứa lại mắc một căn bệnh ung thư khác nhau khiến vợ chồng tôi choáng vắng không tin nổi vào những tờ giấy xét nghiệm. Chúng nó không nói, không cười đã nhiều năm nay, chỉ biết đi ra, đi vào, mọi sinh hoạt vệ sinh cá nhân cũng không tự làm được. Nghĩ mà tủi nhiều lúc muốn buông xuôi phó mặc cho số phận đẩy đưa anh ạ” – ông Phúc nghẹn ngào.

Trong lúc trò chuyện, ông Phúc – bà Mỳ vẫn không quên đưa mắt trông chừng những người con đã mắc bệnh thiểu năng trí tuệ lại còn mắc ung thư ngây ngô như đứa trẻ lên ba của mình. Thấy người lạ, lâu lâu các con ông bà lại liếc nhìn rồi phá lên cười.

Đã nhiều lần chính quyền xã vận động bà gửi con vào trung tâm bảo trợ xã hội của huyện nhưng bao nhiêu lần dẫn các con đến thì bấy nhiêu lần ông Phúc - bà Mỳ lại mang con trở về. Nhìn đôi mắt dài dại của các con trông theo mỗi bước chân của cha mẹ, ông bà không đành lòng bỏ con lại.      

Cuộc đời bất hạnh

Bà Mỳ buồn bã: “Mỗi lần đi làm thuê hay đi chợ, tôi phải lấy dây thừng buộc vào chân, tay từng đứa rồi cột vào gốc cây xoan, kẻo sợ chúng đi lang thang quanh làng không tìm thấy được. Nhất là thằng con út (anh Quốc Anh) của tôi, nó la hét suốt nên tôi phải buộc chân suốt ngày, không để ý cẩn thận là nó đi ngay.

Do các con của ông Phúc – bà Mỳ vừa mắc bệnh thiểu năng trí tuệ vừa mắc bệnh ung thư nên từ vệ sinh cá nhân...đều do người thân giúp đỡ.

Có hôm, vợ chồng tôi đi làm về, không kịp nấu cho các con ăn, chúng đói phá nhà tan hoang, tìm được gì ăn đấy, nhìn mà tội nghiệp lắm. Đến giờ ăn cơm, tôi phải nịnh các con từng tý một, chúng không biết chăm sóc bản thân mình đâu, bị thương, đau ốm suốt ngày”.

Kinh tế gia đình ông Phúc – bà Mỳ phụ thuộc hoàn toàn vào tổng số tiền gần 1,1 triệu đồng trợ cấp xã hội mà 6 người trong gia đình ông bà nhận được hàng tháng. Để có tiền trang trải cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và tiền xạ trị cho 4 người con mắc bệnh ung thư của mình, bà Mỳ phải bươn chải làm thuê làm mướn khắp nơi. Ai thuê cuốc cỏ, trồng rau, gặt lúa bà đều nhận làm với mức tiền công chỉ bằng một nửa người bình thường.

Hai năm nay, ông Phúc và bà Mỳ thường xuyên đau ốm do mắc bệnh tuổi già và viêm khớp mãn tính nên không thể làm được gì kiếm thu nhập. Và cho đến nay, với số tiền hơn 200 triệu đồng vay mượn từ anh em họ hàng, bà con khu phố và ngân hàng để mỗi lần đưa 4 người con lên bệnh viện xạ trị vì ung thư, vợ chồng ông Phúc – bà Mỳ hoàn toàn không có khả năng trả nợ.

Bà Mỳ khóc mỗi khi nhắc đến 4 người con vừa mắc bệnh thiểu năng trí tuệ vừa mắc bệnh ung thư.

Anh Bùi Văn Tuấn - hàng xóm với gia đình ông Phúc - bà Mỳ chia sẻ: “Có vào nhà mới biết họ khổ lắm. Bát đũa, cốc chén ông Phúc mua về bị ba đứa con mắc chứng bệnh thiểu năng và ung thư mỗi khi trái gió trở trời lên cơn động kinh đập phá hoặc ném đi hết, chỉ ăn bốc hoặc nhịn. Hàng xóm thương cảm gom góp quần áo cho, các con ông Phúc – bà Mỳ cũng đều xé hoặc ném đi hết.

Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình ông Phạm Văn Phúc, ông Lê Văn Lợi – Tổ trưởng tổ dân phố Đọ Xá chia sẻ: "Bệnh tật của 4 người con kéo lê cả nhà khiến gia đình ông Phúc - bà Mỳ nghèo nhất nhì tổ dân phố. 6 miệng ăn trông chờ vào tiền trợ cấp xã hội và tình thương của bà con hàng xóm. Nay ông bà ấy mắc bệnh tuổi già nên có làm được gì nữa đâu.

Hàng xóm trong khu phố chúng tôi, mỗi người cho dăm ba cân gạo, mớ khoai sắn, người thì cho nửa cân cá để gia đình ông bà Phúc – Mỳ dành ăn mấy ngày liền. Thỉnh thoảng, bà con khu phố lại thấy bà Mỳ xách túi đi xin gạo, ra chợ xin đồ ăn, tội nghiệp lắm".

Trần Toản
.
.
.