Xót cảnh mẹ già nhốt con tâm thần trong cũi sắt

Thứ Năm, 27/02/2020, 15:30
Bữa nào cho con ăn, bà cũng khóc xen trong cảm giác nơm nớp lo sợ con sẽ đánh mình. Qua song sắt của chiếc cũi, nhiều lần bà bị con kéo tay đến trày da bật cả máu. Đau đớn, bà chỉ biết ngồi khóc, trách sao ông trời bắt tội con trai của bà bị tâm thần nhiều năm qua.


Đó là hoàn cảnh bất hạnh của bà Dương Thị Thụ ( sinh năm 1947 ) ở xóm 2, thôn Mai xá, xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Mẹ già tự tay nhốt con trai trong cũi sắt

Trong căn nhà nhỏ 4 bức tường đen nhẻm, u ám, như thường lệ bữa nay bà Thụ lại vét sạch nồi cơm để chuẩn bị ngồi bón cho con trai. Đựng trong một chiếc bát nhỏ, những hạt cơm khô khốc với lác đác một chút muối vừng, đó là bữa ăn chính của cả hai mẹ con. Ngày nào cũng thế, con ăn thừa rồi mới đến lượt mẹ ăn.

"Dậy mẹ bón cơm cho nào. Dậy đi con". Tiếng bà nhẹ nhàng gọi anh con trai Dương Văn Toàn ( sinh năm 1984 ) đang nằm trong chiếc cũi sắt ở góc buồng nhà trống rỗng. Dõi đôi mắt vô hồn nhìn ra, anh Toàn lẩm bẩm một vài câu khe khẽ không ai hiểu rồi có lúc anh lại lặng im trong căn buồng vốn đã trống trải và lạnh lẽo.

Đã quá quen với cảnh này, gương mặt bà có chút nghi ngại, có lẽ bà linh tính được chuyện gì sắp xảy ra nhưng vì lo con đói nên cứ cố đút cho con được từng thìa cơm qua song sắt. Để được gần con hơn, bà tiến sát lại rồi ngồi bệt xuống đất với dáng gầy nhom, khắc khổ. Đôi bàn tay bà bón cơm, có lúc lại run lên bần bật khi con ra hiệu không vừa lòng.

Anh Toàn thường xuyên đánh mẹ mỗi khi không vừa lòng.

"Ông nhà tôi bị cảm mất gần 20 năm rồi. Thằng Toàn ngày nhỏ nó cũng bình thường, đến lúc nó 18 tuổi thì bắt đầu có dấu hiệu tâm thần rồi ngày càng bệnh nặng. Tôi thả nó ra là nó đi đánh người nên cực chẳng đã mới phải nhờ người làm cho cái lồng sắt này để nhốt nó vào đây. Nhìn con thế này, tôi đau lắm nhưng không biết làm gì hơn?".

 Bà Thụ nghèn nghẹn kể chuyện với đôi mắt đỏ hoe, ậng nước. Thấm thoắt đã 18 năm kể từ ngày con bị bệnh, bà chưa có lấy nổi đến một nụ cười hay một sự yên tâm trong phút chốc. Cuộc sống của người mẹ nghèo tội nghiệp xoay quanh những lắng lo, những nơm nớp và cả những bữa đói không có lấy đến một hạt cơm.

 "Hoàn cảnh của bà Thụ ở đây cả làng chúng tôi đều biết và rất thương bà. Trong những dịp lễ tết, chúng tôi vẫn tổ chức qua thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 2 mẹ con. Những ngày thường như thế này, thi thoảng chúng tôi cũng ghé qua, biếu bà cân gạo để bà nấu cơm nhưng không ăn nhằm vào đâu cả. 

Bà năm nay đã 74 tuổi rồi nhưng sống khổ cực quá, ở đây chúng tôi chỉ mong bà được mọi người ở gần xa giúp đỡ cho bà đỡ tội" - Ông Dương Văn Đức - Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn Mai Xá, xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ái ngại chia sẻ về hoàn cảnh gia đình bà Thụ với chúng tôi.

Bà Thụ nhặt những hạt cơm rơi vãi trên nền nhà.

Đang mải nghe tâm sự của ông Đức, chúng tôi bị giật mình bởi tiếng hét thất thanh của bà. Quay lại nhìn, cảnh tượng diễn ra trước mắt là bát cơm rơi vương vãi còn người mẹ đang khụy gối xuống nền đất trong ánh mắt sợ hãi. Trong lồng sắt, anh Toàn khi đó đang cố sức giơ đôi bàn tay thô ráp của mình ra để đánh mẹ cùng ánh mắt quắc lên đáng sợ. Tủi thân, bà cúi xuống nhặt từng hạt cơm rơi với hai hàng nước mắt chảy ròng.

"Có những lúc lên cơn thằng Toàn đập phá đồ đạc, đốt hết quần áo, chạy khắp làng xóm la hét, chán rồi nó quay sang đánh tôi. Khi khỏe thì tôi còn bỏ chạy thoát thân, lúc yếu không chạy nổi thì cứ kệ cho chúng đánh chán thì thôi. Giờ tôi cũng già rồi không còn đủ sức để chống đỡ nữa. Nó đừng đánh tôi thì tôi còn chăm được nó, chứ tôi mà gãy tay, gãy chân ra đó thì lấy ai chăm nó đây?". Đến lúc này thì bà không giấu được cảm xúc của mình nữa, những giọt nước mắt rơi xuống ướt nhèm hai gò má hóp lại, gầy xơ xác. Lời cầu xin của bà nghe đắng đót, nghẹn ngào…

Gia cảnh khánh kiệt

Dường như đã lâu lắm, bà Thụ mới có thể trút được nỗi lòng mình nên nước mắt người đàn bà khốn khổ ấy cứ thế lăn dài trên khuôn mặt hốc hác, gầy guộc…  Những giọt nước mắt đắng chát và xót xa cho số phận của mình. Đã nhiều lần bà muốn chết cho xong cái kiếp khốn khổ này nhưng không làm được. Bà Thụ vẫn muốn sống để nuôi hi vọng có thể chăm sóc cho người con tâm thần của mình.

Mỗi khi nhắc đến con trai, bà Thụ không cầm được nước mắt.

Nghẹn ngào lau hàng nước mắt lăn dài trên đôi gò má hốc hác, bà Thụ kể lại: "Tôi đã nhiều lần ôm con xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam để điều trị, nhưng bệnh của nó ngày càng nặng thêm. Mỗi lần lên cơn, nó cứ nổi điên đập phá đồ đạc, tự xé quần áo, nhiều lúc còn đánh cả tôi. Dù không bao giờ muốn, nhưng cuối cùng tôi đành phải vay tiền bà con xây một căn buồng nhỏ ở sau nhà để nhốt con lại trong đó".

Căn buồng nhỏ ẩm thấp, không giường, chiếu mà chỉ có mấy miếng ván ghép lại để giữa nền cho anh Toàn nằm và vệ sinh cá nhân như đại tiểu tiện tại chỗ. Do cứ mặc quần áo vào là bị anh xé nên về sau này gia đình đành để anh trần truồng hết mùa đông sang mùa hè. 

Vì bị nhốt quá lâu, chân tay anh Toàn bị teo tóp, người đen nhẻm chỉ còn da bọc xương nên giờ đây anh không đi lại được. Mỗi lần đến bữa ăn, người mẹ già cứ mang một tô cơm đứng ngoài cửa song sắt để đút vào. Hàng tuần, bà Thụ chỉ vào quét dọn lau chùi một vài lần để lấy chỗ cho con nằm.

Cuộc sống của gia đình 2 mẹ con bất hạnh ấy giờ đây chỉ trông chờ vào 540.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng của người tâm thần. Gia đình bà Thụ có 1 sào ruộng khoán cằn cỗi và 2 sào đất hoa màu, tuổi đã cao nhưng bà vẫn cố gắng làm thêm để mẹ con có gạo ăn. Vì vậy, tài sản có giá trị nhất trong gia đình là đàn gà chưa kịp lớn và chiếc xe đạp cũ kỹ, bà Thụ cũng phải bán đi, căn nhà tồi tàn cũng được cầm cố để có tiền chữa trị.

Đơn xác nhận của chính quyền địa phương.

Đưa con trai mắc bệnh tâm thần điên loạn đi viện lần gần đây nhất, trong túi bà Thụ chỉ có hơn 100 nghìn đồng. Bà Thụ bảo đã chạy vạy vay mượn anh em nhưng khổ nỗi anh em ai cũng nghèo khó. Người phụ nữ nghị lực trong bà Thụ của những năm trước với nụ cười không bao giờ tắt giờ đây đã không còn. 

Từ ngày con trai mang trọng bệnh, bà Thụ mới thấm thía hết nỗi cơ cực của một gia đình phải đối mặt với nỗi đau bệnh tật. Quanh năm làm thuê vất vả nhưng chưa bao giờ bà lại mang nỗi đau lớn như hiện nay, với bà Thụ cố gắng bao nhiêu cũng là chưa đủ để cố mong níu kéo sự sống và tảo tần chăm sóc cho con trai.

"Bây giờ sức khỏe của tôi yếu lắm, lại thêm căn bệnh viêm phế quản hoành hành. Rồi đây, lỡ tôi có chết đi không biết những đứa con bệnh tật tâm thần của tôi sẽ sống ra sao khi mình không còn trên cõi đời này nữa" - giọng bà Thụ chùng xuống.

Trần Toản
.
.
.