Cựu thành viên BKPro:

Viết tiếp cổ tích với ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam

Thứ Sáu, 26/07/2013, 11:18

Lần đầu tiên nghe "Gà trống nuôi con" của nhạc sỹ Lê Minh Sơn, tôi đã luôn ám ảnh về hình ảnh người đàn ông có đôi môi buồn buồn với từng vòng khói thuốc cuộn đều khi "em đi mất rồi", bỏ lại khoảng trời trống huơ trống hoác trong bài hát.

Để rồi giờ đây có một "gà trống nuôi con" bằng da bằng thịt, suốt 6 tháng trời ròng rã đi xin sữa cho đứa con gái bé bỏng bởi người vợ dấu yêu qua đời 10 ngày sau khi sinh xuất hiện trước mắt tôi, đầy mến yêu và đẹp đẽ.

Anh là Nguyễn Quốc Tuấn (facebook: Trình Tuấn), cựu thành viên của Đội BKPro, vô địch Robocon Châu Á - Thái Bình Dương 2006 tại Malaysia, người đang thực hiện ý tưởng xây dựng ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam.

"Vòng xâu rồi xin em làm hoàng hậu"

Câu chuyện bắt đầu khi tôi lân la đọc facebook của Tuấn. Lẫn vào những status về bé Ủn, cô con gái gần 6 tháng tuổi nhỏ xíu của anh, thấp thoáng đâu đó là những câu status ngắn ngắn, gắn thẻ ảnh vào người có facebook là "Gió đêm" tức Phượng, vợ anh dù chị đã mất nửa năm nay. Song tôi không ngờ chuyện tình đẹp của anh chị lại trải qua nhiều sóng gió như thế.

Tình yêu giữa chàng trai đời đầu 8x và cô gái đời cuối 8x nhen nhóm và nảy nở một cách tự nhiên. Bắt đầu từ tình cảm vô tư giữa anh trai và em gái trong xóm trọ, hai người yêu nhau từ lúc nào không biết. Song tình yêu của hai người chính thức bắt đầu phải kể từ sau khi Tuấn chở Phượng đi cấp cứu vì đau dạ dày.

Suốt gần 3 năm yêu nhau, đôi bạn trẻ cũng có vài lần chia tay nhưng vì thấy không thể thiếu được nhau nên cuối cùng họ đã quyết định đi đến hôn nhân. Sau gần 2 tháng cưới nhau, Tuấn và Phượng mới dọn về ở chung vì khi ấy mới thu xếp được chuyện nhà cửa.

Ảnh chụp lúc chị Phượng còn sống.

Lúc đó, Tuấn bị tai nạn lao động ở chân nên mặc dù đang có bầu nhưng mọi việc như sửa chữa phòng trọ, chuyển đồ... một tay chị lo lắng. Năm 2012 được đánh dấu là một năm hai vợ chồng đi bệnh viện như đi chợ. Tuy nhiên, trong tổ ấm của họ lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.

Có bầu tới tháng thứ 5, bác sỹ cho biết chị bị cổ tử cung ngắn, phải nhập viện. Hơn một tháng sau bà nội Tuấn mất, anh lại về chịu tang nên xa vợ 1 tuần. Khi vào, đưa vợ đi khám thì bác sĩ bảo thiếu ối phải nhập viện. Sau 4 ngày nằm viện, nước ối không tăng, nóng ruột quá anh đưa vợ đến Bệnh viện Từ Dũ. Qua đây nằm được một ngày thì nước ối tăng trở lại và bác sĩ cho vợ xuất viện.

Một tuần sau, Phượng lại đau bụng dữ dội. Đi khám, nước ối lại giảm và có dấu hiệu sinh nên tiếp tục nhập viện. Trải qua hai ngày nằm chờ và hơn 10 tiếng truyền dịch để thúc sinh thì con gái anh, Nguyễn Kim Yến Nhi (bé Ủn) ra đời.

Niềm vui được làm bố vỡ òa chưa được bao lâu thì cái ngày định mệnh ấy xảy ra. Một buổi sớm khác với thường lệ, trong khi mẹ cho Ủn bú, anh lên xe rời khỏi thành phố rất sớm để tham dự một sự kiện công nghệ ở Bình Dương kèm lời hứa chiều sẽ trở về với hai mẹ con.

Lúc kể lại, Tuấn vẫn chưa hết bàng hoàng bởi không ngờ đó là ngày cuối cùng đứa con gái nhỏ của anh được bú mẹ: "Dường như có sự sắp đặt như thế nào đó của định mệnh để tôi ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ, đi xa khỏi thành phố, bật điện thoại ở chế độ im lặng, cho tới khi thấy 20 cuộc gọi nhỡ và được báo là vợ đang đi cấp cứu, tôi vẫn chưa tưởng tượng được nỗi đau sắp tới mà mình phải đối mặt. Bác sĩ liên tục nhấn mạnh cơ hội thành công là rất ít lúc tôi làm thủ tục tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cầm máu cho vợ. Vợ đã hôn mê và vĩnh viễn không bao giờ trở lại với ba con tôi".

Bé Ủn giờ tròn 6 tháng, đã biết lật, lẫy, trườn và ngồi.

Viết tiếp cổ tích với giấc mơ ngân hàng sữa mẹ

Theo lời gợi ý giúp đỡ của lãnh đạo bệnh viện Từ Dũ, anh buộc lòng phải gửi con ở bệnh viện để lo hậu sự cho vợ. Sau khi vào thăm Ủn, nhìn con qua cửa kính, là một người cha "thực tập" với vỏn vẹn mấy ngày kinh nghiệm, lúc đó anh đã tự hứa với lòng sẽ chăm sóc Ủn thật tốt và nuôi dạy con nên người vì "bé đã mất mẹ, giờ không thể thiếu ba".

Anh đón con về nhà sau 7 ngày Ủn nằm trong viện, trên taxi khi ẵm con trên tay, anh đã cố kiềm chế khỏi rơi nước mắt khi con tỉnh giấc đòi tè, rồi khóc vì đói, dỗ mãi con mới im và mút ngón tay rất thương.

Anh kể lại: "Thật may mắn khi trước đó một số người bạn đã xin sữa mẹ đông lạnh giúp tôi nên về tới nhà Ủn được bú ngay sữa mẹ. Lúc đó tôi không biết gì nhiều về sữa mẹ đông lạnh nên tính khi hết sẽ cho Ủn bú sữa bột. Tuy nhiên, về nhà 3 ngày mà con vẫn chưa đi ngoài, tới ngày thứ tư một chị bạn tới thăm mới massage bụng và kích thích hậu môn thì vài ngày sau phân của con bắt đầu mềm dần nên sau đó, tôi ráng tìm sữa mẹ cho con".

Ủn bú hết rất nhanh số sữa xin được ban đầu nên anh phải tiếp tục nhờ bạn bè xin dùm trên các diễn đàn, nhất là "Hội nuôi con bằng sữa mẹ" trên Facebook. Cứ ba ngày anh lại xách túi đi xin một lần. Không ngờ các mẹ cho sữa rất nhiệt tình khiến tủ lạnh nhà anh được một phen quá tải.

Vợ mất, anh trở thành "gà trống nuôi con".

Vì thế, anh càng tự tin chia sẻ một ý tưởng đã nhen nhóm trước đó về một ngân hàng sữa mẹ và kêu gọi các mẹ trong hội chung tay thực hiện ý tưởng đó. Không ngờ ý tưởng của anh được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Điều đó làm anh và các mẹ khác có động lực làm một điều ý nghĩa cho chính con mình và các bé khác có cơ hội được duy trì nguồn tài nguyên quý giá này.

Được biết, ngân hàng sữa mẹ là tổ chức chuyên thu thập và lưu trữ sữa mẹ và là mô hình có từ rất lâu ở Châu Âu cũng như Mỹ, gần đây lan sang cả Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có mô hình này.

Hiện tại, anh đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Trước mắt nhóm của anh làm cầu nối giữa các mẹ cho sữa và cần sữa; nhưng về lâu dài, nhóm đang tiến hành tham khảo các mô hình hoạt động ở nước ngoài và tìm thêm sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế để đảm bảo chất lượng của nguồn sữa và bảo vệ sức khỏe của các bé nhận sữa, tránh những rủi ro về việc lây nhiễm bệnh thông qua đường sữa mẹ.

Về những khó khăn khi thực hiện ý tưởng, Tuấn chia sẻ: "Do nước ta chưa có một mô hình nào để tham khảo nên chúng tôi phải lần mò từng bước. Hơn nữa, tỷ lệ nuôi còn bằng sữa mẹ ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới và khu vực trong khi áp lực cuộc sống và công việc, áp lực từ những quan niệm thiếu khoa học về sữa mẹ hình thành một số thói quen không tốt.

Sự dễ dãi chấp nhận từ bỏ việc nuôi con bằng sữa mẹ, một số trường hợp cá biệt vì sợ xấu vòng một cộng thêm việc quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi tràn lan trên các phương tiện truyền thông có thể khiến chúng tôi gặp phải khủng hoảng thừa. Có một thực tế khi tiến hành mô hình này đó là số lượng đăng ký các bà mẹ cho sữa hơn gấp nhiều lần số lượng mẹ đăng ký nhận sữa".

Và người đàn ông vừa tròn 30 tuổi ấy, lịch trình một ngày loay hoay hết công việc, con gái cho tới ngân hàng sữa mẹ. Với anh, đó là niềm vui sống giúp mình vượt qua nỗi đau mà cuộc đời đã không cho ai một cái gì trọn vẹn.

Khi viết những dòng này, nước mắt của tôi đã chảy lặng lẽ khi đọc được những status vô cùng dễ thương của hai cha con như: "Vừa tỉa tót móng tay móng chân cho gái, nhìn chân tay gái thiệt là muốn cắn quá đi", "Cả sáng đóng vai sư tử ngồi nói chuyện với gái, gái khoái chí đưa chân dài khều khều ba".

Anh viết: "Ít ra cuộc đời đã không lấy đi của ba tất cả, ba vẫn còn Ủn để nhớ, để thương, để quay về tìm nơi bình lặng sau cơn sóng dữ. Có nơi để tìm chút hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng là tất cả với ba bây giờ. Thật đáng sợ khi không còn gì bám víu trong dòng nước dữ, con người ta sẽ để mặc cho dòng đời cuốn đi. Mọi cảm xúc như vỡ nát nghẹn ngào, trái tim sẽ chai sạn từ đây. Ba sẽ thành kẻ đầu đường xó chợ, hay có thể là kẻ tâm thần dĩ vãng, phước đức hơn thì ăn mày cửa Phật, hay tệ hơn ai mà biết... Cảm ơn con đã níu ba lại để không gục ngã, để hôm nay nhận thấy tim mình còn thổn thức vì con".  

Thổn thức vì con cũng là thổn thức cho cả lòng mình khuyết lấp khi người vợ dấu yêu đã đi xa mãi mãi, bỏ lại anh cùng quãng đời đắng đót phía sau và đứa con thơ chưa một lần được nhìn thấy mẹ. Gửi chị bài hát anh viết còn dang dở, như tự nhắc mình con sông đời vẫn còn rất sâu và rất nhớ: "Một chiều gió bay, một ngày nắng say. Cuộc đời đổi thay, từ đây xa vắng người. Cuộc tình đã bay về miền khát say. Giờ đây tìm nơi chốn nào?".

Và chốn nào cũng là tình thôi. Dù tình xa, tình vọng hay tình buồn.

Sữa mẹ là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nước ta chỉ có khoảng 55% trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, và trẻ được bú là khu vực miền núi cao hơn (70%) và tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều ở khu vực thành thị.

Đặc biệt, các thống kê cũng cho thấy, cứ 3 bà mẹ đi sinh thì có 1 người mang sữa đến cơ sở y tế. Riêng ở Hà Nội, tỉ lệ này lên tới 87%.  Đáng lưu ý, chỉ 50% bà mẹ có thai biết nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là gì.

Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp nhất khu vực Châu á - Thái Bình Dương (khoảng 20%), trong đó tỉ lệ trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu ở Campuchia là 70%, Trung Quốc là gần 60%...

Đậu Dung
.
.
.