Nước mắt phu đá

Thứ Tư, 26/10/2016, 11:49
Trong tất cả những nghề mưu sinh, làm công nhân tại các mỏ khai thác đá có lẽ là nghề có độ nguy hiểm bậc nhất hiện nay. Không chỉ thu nhập bèo bọt, hằng ngày phải đối mặt với độc hại, bụi bặm, mà những phu đá này có thể bị đá rơi, mìn nổ tan xác bất cứ lúc nào.


Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ tai nạn tập thể tang thương tại các mỏ đá, nhưng vì mưu sinh, nhiều người đã chấp nhận đánh cược mạng sống.

3 người bỏ mạng tại mỏ đá không phép

Chiều tối 18-10, Văn phòng UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã chính thức phát đi thông cáo báo chí liên quan đến vụ sập mỏ đá khiến 4 người thương vong xảy ra trước đó 2 ngày trên địa bàn huyện này.

Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 16 giờ 30 ngày 16-10-2016, tại khu mỏ khai thác đá của Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương mại Cường Hải, thuộc  khu vực Thung Xăng, bản Bành, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. Vào thời điểm nói trên, khi 8 công nhân đang làm đá thuê cho ông Lê Duy Hải (52 tuổi), trú tại bản Nhang, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, là chủ mỏ đá này, thì bất ngờ bị khối đá từ bên trên đổ ập xuống, khiến 3 nạn nhân thiệt mạng tại chỗ, một người bị thương nặng hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An, 4 người khác may mắn chạy thoát.

3 con thơ của ông Sơn mất cả cha lẫn mẹ tại mỏ đá.

Danh tính các nạn nhân được xác định, bao gồm anh Lương Văn Hưng (33 tuổi), trú xóm Quang Hương, xã Châu Quang; anh Lô Văn Tuấn (36 tuổi) và anh Vi Văn Hùng (38 tuổi), cùng trú xóm Đồng Tiến, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp. Người bị thương là anh Trần Văn Tuyên (25 tuổi), trú tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Anh Tuyên hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Điều đáng nói, những người này được lãnh đạo Công ty Cường Hải xác nhận là công nhân, đã có thời gian làm việc khá lâu tại đây, song thời điểm xảy ra tai nạn, họ không hề được đóng bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động cũng như các quyền lợi hợp pháp liên quan.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, UBND huyện Quỳ Hợp đã huy động các tổ chức, đoàn thể cùng chung tay vào cuộc, hỗ trợ các gia đình nạn nhân để lo các thủ tục mai táng theo phong tục tập quán địa phương đối với người đã chết, đồng thời thăm hỏi, động viên nạn nhân bị thương.

Cụ thể, bước đầu huyện Quỳ Hợp đã hỗ trợ cho mỗi gia đình có người thiệt mạng 11,4 triệu đồng. Doanh nghiệp Cường Hải cũng đã hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng 30 triệu đồng.

Chúng tôi tìm đến gia đình nạn nhân Lương Văn Hưng khi gia quyến đang lo tang lễ cho người này sau sự ra đi quá đột ngột của người chồng, người cha trụ cột trong gia đình. Vợ và 2 đứa con thơ đầu đội tang trắng, khóc ngất bên linh cữu của người chồng, người cha xấu số.

Ông Lương Công Hoàn, cậu ruột của nạn nhân chia sẻ: Nhà nghèo, từ nhỏ đã không được học hành tử tế nên từ lúc biết lao động kiếm tiền, anh Hưng đã vắt kiệt sức mình làm nghề phu đá. Mỗi ngày kiếm được khoảng vài trăm ngàn, đó cũng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình.

Nạn nhân Lương Văn Hưng bỏ mạng, để lại vợ và 2 đứa con dại.

"Hai vợ chồng nó kết hôn đã 10 năm, có hai mặt con nhưng quăng quật với mỏ đá chừng ấy năm cũng không tích cóp đủ tiền để làm ngôi nhà mới. Cách đây 2 năm, được nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà, làm dở dang thì hết tiền. Đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Giờ Hưng chết đi, để lại người vợ trẻ không nghề nghiệp, không biết sự học của hai đứa nhỏ có tiếp tục được nữa không hay lại đứt gánh giữa đường, lại quanh quẩn với nghiệp làm đá như bố chúng nó", ông Hoàn chua chát.

Anh Lương Văn Hải, anh trai của nạn nhân, là người chứng kiến vụ tai nạn nhưng may mắn sống sót vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: Thời điểm xảy ra tai nạn, tại mỏ đá có 8 công nhân đang làm việc. Trong đó, 3 người làm trên vách đá, 5 người làm ở dưới mặt bằng. Khi khối đá từ trên cao bất ngờ ầm ầm lao xuống, những người ở dưới đất đã không kịp tháo chạy.

Đang nằm điều trị tại bệnh viện, anh Trần Văn Tuyên cho biết thêm, thời điểm khối đá ập xuống, anh may mắn hơn những người khác khi đang ngồi trong xe  ôtô để chờ bốc sản phẩm khai thác được đưa về điểm tập kết. Sau lần chết hụt này, anh Tuyên quyết định giải nghệ, về quê vợ chồng con cái rau cháo nuôi nhau chứ không đánh cược số phận nữa.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thông tin: Mỏ đá này chưa được cấp giấy phép xây dựng mà mới chỉ được cấp giấy phép thăm dò khai thác trong thời gian 1 năm, kể từ tháng 5-2015.

Đến nay, giấy phép này cũng đã hết thời hạn cho phép thăm dò, nhưng doanh nghiệp vẫn lén lút khai thác dẫn đến hệ lụy đau lòng. Hiện, Công an huyện Quỳ Hợp đã vào cuộc điều tra để xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm.

Sống trong đá, chết vùi trong đá

Thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có gần 500 điểm mỏ khai thác khoáng sản, tập trung nhiều nhất tại các huyện Quỳ Hợp, Yên Thành và Tân Kỳ.

Trong đó, riêng huyện Quỳ Hợp là địa phương có số lượng mỏ khai thác khoáng sản lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hiện tại, toàn huyện đang có trên 50 mỏ được cấp phép hoạt động và 60 mỏ đã hết phép hoặc mới đang được cấp phép thăm dò với hàng ngàn lao động làm việc mỗi ngày.

Tại các mỏ khai thác đá này, qua các đợt kiểm tra đã phát hiện có rất nhiều vi phạm trong việc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình khai thác. Dù vậy, những câu chuyện thương tâm quanh các mỏ đá vẫn thường xuyên xảy ra.

Còn nhớ, vụ sập mỏ đá Lèn Cò trên địa bàn xóm Hợp Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành xảy ra vào ngày 1-4-2011, khiến 18 phu đá phải bỏ mạng. Vụ án sau đó đã được khởi tố, ngoài việc bắt giam chủ mỏ là ông Phan Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Chín Mến, chủ mỏ đá Lèn Cờ, cơ quan điều tra còn khởi tố ông Hoàng Thanh Long, Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Yên Thành (Nghệ An) vừa bị khởi tố bị can về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng trên địa bàn huyện Yên Thành, trong số 12 mỏ đá đang hoạt động tính đến thời điểm này, có đến 3 mỏ chưa đủ điều kiện khai thác và 1 mỏ hết phép. Hệ lụy là tại các mỏ đá này đã cướp đi không ít sinh mạng của dân nghèo.

Vụ tai nạn thương tâm mới đây nhất trên địa bàn huyện Yên Thành xảy ra vào sáng 14-4-2015, ông Phạm Văn Sơn (SN 1966), trú xóm Nam Viên, xã Đồng Thành (Yên Thành), là thợ khoan mìn kỹ thuật của Công ty TNHH Đông Thành, đang trên đường lên mỏ đá của công ty đặt tại Lèn Cò để đặt mỏ khoan đá thì bất ngờ bị trượt chân, ngã từ độ cao khoảng 15m xuống đất gây chấn thương sọ não và chết trên đường đi cấp cứu.

Xót xa hơn, trước đó không lâu, vào ngày 8-2-2005, vợ ông Sơn, cũng là một phu đá, đang làm việc tại công trường khai thác đá dưới chân lèn Vũ Kỳ, trong lúc mìn nổ, đá rơi trúng đầu đã tử nạn tại chỗ. Thời điểm ấy, con đầu của hai vợ chồng mới 10 tuổi, đứa con trai út 4 tuổi.

Ông Sơn, một mình gà trống nuôi con, tiếp tục đánh đu số mệnh trên đá để kiếm tiền chăm lo cho ba đứa trẻ được đến trường, dù mỗi ngày chỉ thu nhập được khoảng 100.000 đồng.

Trước khi tử nạn, ông Sơn được Công ty TNHH Đông Thành, là đơn vị khai thác mỏ đá này ký hợp đồng, trả lương nên cuộc sống bớt bấp bênh hơn. Nay hai vợ chồng đều bỏ mạng trong đá, người con trai cả Phạm Văn Long (20 tuổi) cũng nối nghiệp bố mẹ, nơm nớp bán mình cho tử thần từng ngày để kiếm tiền, thay cha mẹ nuôi hai đứa em ăn học.

Trong tất cả các nghề hiện nay, phu đá có lẽ là nghề bạc bẽo nhất, nhưng mức độ nguy hiểm cũng vào loại lớn nhất. Số tiền kiếm được trong suốt một ngày đục đá có khi chưa đến 100.000 đồng nhưng những phu đá này phải đánh đổi rất lớn, nhiều khi là cả tính mạng.

Nhiều người sau một thời gian làm việc tại các mỏ đá, trở về đã sinh bệnh hô hấp do hít quá nhiều bụi đá, một số khác thì ảnh hưởng đến não và thính giác bởi tiếng mìn nổ.

Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cứu hộ vụ sập mỏ đá Lèn Cò làm 18 người chết vào năm 2011.

Cũng không ít phu đá chấp nhận cảnh tàn phế, bị mất một phần cơ thể do xảy ra tai nạn lao động trong quá trình làm việc. Đối với nạn nhân của các mỏ đá, chủ mỏ thường phủi trách nhiệm bằng cách thỏa thuận đền bù một lần.

Thậm chí, theo một chuyên viên tại Sở Tài nguyên - Môi trường Nghệ An, tai nạn tại mỏ đá xảy ra như cơm bữa, nhưng chỉ bị gẫy chân tay thì phía công ty và người lao động thỏa thuận với nhau chứ không trình báo.

Nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra nhưng chủ mỏ không trình báo với chính quyền địa phương, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Võ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nghệ An cho biết, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra tại mỏ đá là do các chủ mỏ khai thác không đúng quy trình, theo kiểu bóc tách từ dưới lên dẫn đến chân núi bị rỗng, đất đá đổ sập bất ngờ. Trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhưng do lực lượng mỏng nên không kiểm soát được.


Thiên Thảo
.
.
.