Nỗi lòng góa phụ của cô dâu Việt không thể dạy con học chữ
“Tin tưởng vào người đàn ông mình yêu tới một nơi xa. Nếu ở bên nhau mọi khó khăn đều tưởng như có thể vượt qua dễ dàng thì số phận không may mắn đã cướp đi sinh mạng của người chồng thân yêu. Một mình bươn chải nuôi 2 con ở xứ người không phải dễ dàng gì, nhất là khi 2 đứa con bắt đầu đến tuổi đi học và chê mẹ không biết chữ…”.
Chủ trang trại phá sản
Chị Đào Thị Hương (tên nhân vật đã thay đổi) theo chồng, anh Kim Jang Heon về Ulsan sinh sống với ước mơ xây dựng cuộc sống hạnh phúc nơi đây. Chồng của chị sống ở một căn nhà nhỏ ven đô, công việc chính là chăn nuôi bò theo đơn đặt hàng của các nhà máy. Thịt bò của Hàn Quốc rất nổi tiếng và tại nơi đây còn có hẳn một “nền công nghiệp thịt bò” nhằm quảng bá và phát triển mặt hàng thịt bò của Hàn Quốc. Chính vì vậy, trang trại của anh Kim Jang Heon cũng rất phát triển. Chị Hương về nhà chồng và cùng giúp anh trong công việc quản lý và chăm sóc trang trại.
Chẳng bao lâu sau đó, vợ chồng chị Hương và anh Jang Heon sinh hạ được một cô con gái xinh xắn, khỏe mạnh. Phải sinh con một mình nơi xa lạ là việc không dễ dàng gì đối với người phụ nữ, nhưng bên chị Hương, anh Jang Heon luôn sắp xếp công việc giúp đỡ, động viên vợ. Được chồng yêu thương, con cái khỏe mạnh, tưởng như thế là quá đủ cho một hạnh phúc của người phụ nữ đi theo chồng về đất nước Hàn Quốc này. Ấy thế nhưng cuộc đời chỉ cho chị được hưởng niềm hạnh phúc ấy trong thời gian quá ngắn ngủi. Bất ngờ, khi chị Hương mang thai đứa con thứ hai sau đó, công việc của gia đình cũng gặp không ít khó khăn. Giá bò ở Hàn Quốc lúc ấy trong thời kỳ khủng hoảng tuột dốc không phanh, vốn liếng bỏ ra gần như mất trắng, anh Jang Heon vô cùng lo lắng và căng thẳng. Rồi điều không ai mong muốn đã đến. Quá buồn bã, hàng đêm anh tìm đến với rượu để xua đi những khó khăn chồng chất. Sự ra đời của đứa con thứ hai tưởng như là niềm vui, là động lực cuộc sống của hai vợ chồng, giờ vô hình trở thành áp lực đối với anh Jang Heon.
Thấy chồng buồn bã đau khổ, chị Hương cũng không biết cách gì khác ngoài khóc và chăm sóc anh sau những cơn say. Chị muốn nói, muốn động viên anh rất nhiều nhưng không biết nói thế nào ngoài câu: “Mình ơi, hãy cố lên”. Chính vì thời kỳ khó khăn đó, rượu đã làm anh mắc bệnh tim mạch. Để rồi, sức khỏe của anh càng ngày càng suy sụp. Anh ra đi như thế trong nỗi bàng hoàng của gia đình, làng xóm. Ai cũng xót thương cảnh người vợ Việt Nam tay bồng tay bế đứa con mới sinh được vài tháng tuổi, đứa lớn cũng chỉ mới lên 5. Gia đình đằng nội cũng neo người, chẳng có ai cưu mang giúp đỡ. Việc chồng ra đi đột ngột khiến chị Hương không khỏi suy sụp. Đau khổ vì mất người chồng thương yêu, hoang mang về tương lai trước mắt, hàng đêm nước mắt tuôn trào khi nghĩ tới chồng, chị lại phải nuốt vào trong khi con thơ thức giấc.
Có lẽ nếu không vì hai cô con gái, thứ quý giá nhất trên cuộc đời mình, chị Hương đã không thể vượt qua được nỗi đau ấy. Kinh tế gia đình khó khăn, cô con gái lớn chẳng mấy chốc sắp bước vào lớp 1, đã có lúc chị tính đến việc quay trở về Việt Nam sinh sống, nhưng ở Việt Nam, cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Chị đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều, bởi cô con gái không biết một câu tiếng Việt sẽ phải chịu thiệt thòi khi trở về Việt Nam, trong khi thời gian chuẩn bị vào tiểu học đã bắt đầu. Chị quyết tâm thà mình chịu vất vả còn hơn để con cái thiệt thòi. Chị quyết tâm bám trụ tại đây.
Ngày ấy chị Hương làm rất nhiều nghề khác nhau để vừa có thời gian trông con, vừa có thêm thu nhập. Từ việc giúp bà con làng xóm trong việc nhà nông, dọn dẹp, chăn nuôi đến việc thu gom phế liệu. Mãi sau này, khi cô con gái thứ 2 đã cứng cáp, có người giới thiệu chị vào làm tại một nhà máy đóng gói, công việc của chị mới ổn định hơn. Cuộc sống tại Hàn Quốc đắt đỏ, chi tiêu dè sẻn, cộng với tiền lãi số vốn nhỏ nhoi còn lại của gia đình giúp ba mẹ con dần ổn định cuộc sống. Cô con gái đầu bước vào lớp 1, cô con gái thứ 2 đã biết nói những câu đầu tiên. Thời gian cứ thế trôi qua, chẳng mấy chốc giờ đây, cô chị đã bắt đầu bước sang cấp 2 còn cô em cũng bắt đầu vào lớp 1. Nhiều người biết hoàn cảnh rất khâm phục chị. Ngỡ tưởng khi các con bắt đầu khôn lớn, bắt đầu tự biết lo cho bản thân mình, chị sẽ đỡ vất vả và cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều, nhưng trong suốt những năm qua, chị Hương lại gặp những khó khăn riêng khiến lòng một người mẹ như chị không lúc nào yên.
“Mẹ chả biết cái gì cả”
Chồng mất sớm, chị Hương phải vừa làm mẹ, vừa làm cha của hai đứa trẻ. Đôi lúc chị chỉ mong anh còn sống để làm cầu nối cho mẹ con chị, bởi dường như càng ngày khoảng cách của ba mẹ con càng xa dần. Tất cả chỉ bởi vì vốn tiếng Hàn của chị không đủ để dạy con học, hay thậm chí gây nhiều hiểu lầm giữa mẹ và con.
Ảnh minh họa. |
Dù ở Hàn Quốc đã lâu, tiếng Hàn cũng đủ để giao tiếp, nhưng chị Hương chưa một lần nào được học một lớp tiếng Hàn chính thống. Tất cả là đều do chị học được từ cuộc sống. Khi mới sang Hàn Quốc, chị Hương bận bịu ngay việc chăm sóc nhà cửa và sinh em bé. Công việc bận rộn của chồng cũng khiến chị không có thời gian rảnh để học tiếng Hàn. Rồi sau đó, công việc làm ở nhà máy cũng không cần tới ngôn ngữ khi chị có thể giao tiếp cơ bản với tất cả mọi người. Con bước vào lớp 1, lúc mà chị thấy mình không thể kèm con học thì lúc ấy chị vẫn còn quá bận bịu lo toan trong việc kiếm tiền nuôi gia đình. Trong ngần ấy năm, chị có thể giao tiếp, nhưng không biết viết, không biết đọc.
Những đứa con bắt đầu đi học, bắt đầu có nhận thức, nhưng ý thức của trẻ con chưa đủ khôn lớn để hiểu được cuộc đời. Cô con gái lớn chỉ biết rằng mẹ của mình “chẳng biết điều gì cả”. Có những lúc bài tập về nhà muốn hỏi, cô bé cũng chẳng hy vọng gì vào mẹ bởi mẹ còn chả biết đọc, biết viết thì làm sao giúp được mình. Nỗi mặc cảm về một người mẹ “không biết gì” khiến cô bé tự thấy mình bực bội.
Hơn thế nữa, đôi lúc mẹ cô còn chả hiểu rõ chính xác cô bé nói gì. Có những lúc bị mẹ mắng mà chỉ vì mẹ không hiểu chính xác được những gì cô bé nói, khiến cô bé luôn trong tình trạng bực bội. Cộng với giai đoạn bắt đầu thay đổi tâm lý, khi bước vào những năm cuối của cấp 1, cô bé bướng bỉnh không bao giờ nghe lời mẹ hay luôn phản ứng lại trước các hành động mẹ mình làm. Điều tệ hơn là cô em gái cũng bắt chước chị một cách vô ý thức về những phản ứng với mẹ mình.
Hai cô bé chưa đủ hiểu rằng mẹ mình đã rất vất vả khi phải thay cha nuôi hai chị em. Cuộc sống bận rộn của mẹ mình cũng không cho phép mẹ học tiếng Hàn một cách chính thống. Trong đầu hai cô bé ngây thơ ấy chỉ có những mặc cảm, tủi thân vì mẹ mình “chẳng biết cái gì cả” và luôn khó chịu khi mẹ quan tâm tới mình. Nhiều hôm đi làm về, chị Hương bước vào nhà mà chẳng có tiếng chào hỏi nào cất lên. Chị hỏi điều gì cô con gái lớn cũng trả lời rằng: “Điều đó mẹ biết làm gì”, thậm chí cô bé cũng không thích mẹ động vào người và tỏ ra khó chịu.
Mặc dù vậy, chị Hương vẫn luôn tỏ ra vui vẻ với các con, vẫn quan tâm và hỏi han mặc dù luôn bị các con tỏ ra khó chịu. Các con của chị vẫn còn nhỏ và vẫn cần rất nhiều sự yêu thương, đùm bọc của mẹ mình. Đôi lúc chị vừa thương, vừa giận, vừa bất lực trước thái độ bất cần của các con đối với mình. Chị len lén ra sân phơi và đứng khóc một mình. Cuộc sống đã vất vả, lại càng như thêm bế tắc trước các cô con gái nhỏ. Chị không biết phải làm thế nào, chị cảm thấy bất lực trước các con.
Những khó khăn của người phụ nữ dường như bị nhân lên gấp nhiều lần khi không có người thân bên cạnh. Nhưng chị Hương không chịu lùi bước. Chị định bắt đầu lại từ đầu bằng việc cắp sách tới lớp học tiếng Hàn, việc đáng nhẽ chị phải làm từ rất lâu rồi. Bây giờ vẫn chưa là quá muộn để các con có thể hiểu và không cảm thấy ghét mẹ thêm nữa. Thời gian vừa qua, quá bận bịu việc kiếm sống, chị đã quên đi việc trở thành một người mẹ tốt với các con. Giờ chị chỉ có một mình, không có chồng ở bên, chị càng phải cố gắng, học thật tốt để các con không phải xấu hổ vì mình khác biệt với các bà mẹ khác. Chị cũng định tới trình bày với thầy giáo chủ nhiệm của các con, mong thầy dạy dỗ và định hướng cho con, những gì mà chị đang cảm thấy bất lực tại gia đình. Và điều quan trọng nhất, trong mắt chị vẫn ánh lên những tia hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp. Khi người ta có hy vọng và quyết tâm trong cuộc sống, hạnh phúc sẽ sớm quay trở lại ngôi nhà nhỏ ấy