Những đứa trẻ "bị bỏ rơi" trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela

Thứ Năm, 27/02/2020, 15:56
Đã bốn tháng kể từ khi Isabel Carrasco gửi con gái nhờ hàng xóm trông hộ, rời bỏ đất nước, tham gia vào cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử Nam Mỹ hiện đại.


Điểm đến của Carrasco là Guyana nhưng người phụ nữ không rõ mình đang ở khu vực nào của đất nước này. Mục đích lớn nhất của cô là kiếm đủ tiền để giúp nuôi con đang sống ở Venezuela.

"Vết sẹo" do thiếu thốn tình cảm sẽ ăn sâu vào tâm hồn trẻ em

"Bọn trẻ luôn khóc khi nói chuyện với mẹ qua điện thoại. Chúng nói: Mẹ ơi, hãy quay trở về. Chúng con muốn gặp mẹ. Những lời nói làm trái tim tôi tan vỡ", bà Juana López, 58 tuổi, một người bạn lâu năm của gia đình Carrasco nói với phóng viên tờ Guardian (Anh). Juana López đang nuôi hai đứa con của Carrasco là Camila, 9 tuổi và Darianyelis, 7 tuổi. Bà sống ở Brisas del Sur, một vùng ngoại ô tồi tàn của Ciudad Guayana.

Được biết, hiện có gần 1 triệu trẻ em bị bỏ lại quê nhà ở Venezuela cùng với họ hàng, hàng xóm vì cha mẹ phải di cư tìm kế sinh nhai ở quốc gia khác. Các nhà tâm lý học nói rằng, những "vết sẹo" do thiếu thốn tình cảm sẽ ăn sâu vào tâm hồn trẻ em Venezuela bị bỏ lại quê nhà.

Jannia Orta, một nhà tâm lý học của Cecodap, một tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại Venezuela cho biết, Cecodap đang cung cấp sự hỗ trợ miễn phí cho trẻ em bị chấn thương tâm lý. "Có những đứa trẻ cho rằng, bị cha mẹ từ bỏ. Các em cảm thấy cô đơn, không có ai thân thích. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của bọn trẻ", Orta nói.

Ivonne Serrano Rodríguez, người điều hành một trung tâm nuôi dạy trẻ bị bỏ rơi ở Ciudad Guayana cho rằng, cần phải nói để bọn trẻ hiểu, các em không bị bỏ lại vì bất kỳ lỗi lầm nào của mình. "Những đứa trẻ không hiểu tại sao lại được đưa đến đây. Chúng thường hỏi tôi là đã làm gì sai mà bị bố mẹ bỏ rơi. Tôi nói rằng, bọn trẻ không có lỗi trong chuyện này", Ivonne Serrano Rodríguez nói.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả trẻ em bị bỏ lại quê nhà đều có cha mẹ ở nước ngoài. Nhiều bậc cha mẹ gửi con cái cho họ hàng, hàng xóm chăm sóc để đi tìm vàng. "Mẹ cháu đang đi tìm vàng. Hai năm nay, cháu đã không đến trường học", Elvis, 12 tuổi, một trẻ lang thang trên đường phố Guayana nói.

Richaldy, 11 tuổi, một người bạn của của Elvis, thường xuyên ngủ nơi góc phố đầy rác sau một nhà hàng thức ăn nhanh cho biết, mẹ cũng đã đi tìm vàng được ba tháng. Richaldy tin rằng, mẹ đang ở khu khai thác vàng gần El Callao, nơi được coi là một trong những thị trấn bạo lực nhất ở Venezuela. Khi được hỏi khi nào mẹ quay trở lại, Richaldy mơ hồ lắc đầu trước khi tiếp tục đi ăn xin trên đường phố.

Bà Juana López trong ngôi nhà của mình tại San Felix, Venezuela.

Cuộc sống khó khăn đã đẩy con gái tôi vào tay những kẻ buôn lậu ma túy

Ysabel Abad Rojas, 29 tuổi cho biết, cô chỉ dự tính một chuyến đi ngắn khi quyết định lên đường tới biên giới Colombia vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, mọi thứ đã chuyển sang hướng khác khi cô được tuyển mộ làm thành viên băng đảng ma túy. Nhiệm vụ của  Ysabel Abad Rojas  là chuyển cocaine tới miền Bắc Brazil. Abad bị bắt khi cố gắng trở lại đất nước và hiện phải đối mặt với án tù từ 8 - 15 năm ở Colombia.

Mẹ của Ysabel Abad Rojas, hiện đang nuôi ba đứa con nhỏ của cô là Santiago, 11 tuổi, Kamila 3 tuổi và Yonnielys, 1 tuổi đặt câu hỏi: "Ai đã làm gia đình tôi tan rã?. Cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Tôi chỉ có khoản tiền rất ít ỏi để nuôi gia đình. Chính cuộc sống khó khăn đã đẩy con gái tôi vào tay của những kẻ buôn lậu ma túy và phải ngồi tù".

Juana López cho biết, bà đã phải cố gắng tìm nhiều việc làm để có được số tiền ít ỏi 180.000 bolívares/hai tuần (khoảng 2,5 USD), đủ để mua ít gạo cho gia đình. "Tôi sinh gia trong một gia đình nghèo. Tôi từng đi hái cà phê năm 12 tuổi. Tôi không sợ phải đối mặt với khó khăn nhưng những gì đang diễn ra là thời kỳ tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi", bà Juana López nói.

Khi phóng viên đến thăm, Camila và Darianyelis chỉ ăn một phần bánh mì làm từ bột ngô với sắn. "Bánh này ăn kèm với gì?", phóng viên hỏi. López mỉm cười, "hoàn toàn không có gì". Tuy nhiên, López nói rằng, được giúp đỡ, nuôi dạy hai cô con gái cho hàng xóm là niềm vui của mình. "Tôi rất thương bọn trẻ và yêu chúng như con gái của mình", bà Juana López nói.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.