Người phụ nữ kì lạ ở Trại phong Quả Cảm
Cách trung tâm thành phố Bắc Ninh không xa nhưng Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh nằm khuất nẻo dưới mấy ngọn đồi thuộc xã Hoà Long (Yên Phong, Bắc Ninh), ít người qua lại. Có khi đứng cả tiếng đồng hồ cũng chẳng có người để hỏi thăm bởi khuôn viên của bệnh viện khá rộng, bệnh nhân ít. Hiện chỉ có khoảng 90 bệnh nhân sinh sống tại đây, chủ yếu là các cụ già, nhưng lại ở rời rạc, không tập trung khiến cho bệnh viện đã hoang vu lại càng hoang vu hơn. Vậy mà gần 30 năm nay, y tá Nguyễn Thị Xuân một mình sống trong một dãy nhà cấp 4, vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc để chăm sóc các bệnh nhân nơi này.
Có nghe chị tâm sự chuyện đời, chuyện nghề mới thấy hết được tấm lòng của người phụ nữ nhân hậu ấy. Chị bảo, cái duyên đưa chị đến với Trại phong Quả Cảm này rất tình cờ.
Vốn là người theo đạo Thiên Chúa, một lần đọc được cuốn "Lạc quan trên miền thượng" kể về một vị linh mục người Pháp trẻ tuổi, đã từ bỏ giàu sang phú quý đến Việt Nam, lặn lội lên rừng bế những người mắc bệnh phong, cùi bị bỏ rơi về chăm sóc và thành lập trại phong ở Di Linh, Lâm Đồng, chị cảm động và trăn trở nhiều lắm. Năm 1987, chị Xuân vào tận Di Linh để tìm hiểu, bởi khi ấy, một cô gái chưa chồng, chưa đến 30 tuổi vẫn còn ngây thơ khi nghĩ rằng, chỉ ở Lâm Đồng mới có người bị bệnh phong.
Y tá Xuân đang lắp chân giả cho những bệnh nhân phong. |
Vào đến nơi, tận mắt chứng kiến những người dân tộc đen đúa, bẩn thỉu, nhưng toàn thân lở loét, chân tay què cụt, chị thấy thương vô cùng. Chị tự hỏi, tại sao một thanh niên người Pháp lại sang Việt Nam làm được điều tốt như thế, mà mình là người Việt Nam lại không làm được gì. Đem theo suy nghĩ ấy trở về quê hương, chị bắt đầu đi tìm đến nơi có bệnh nhân phong để giúp đỡ.
Khi biết Trại phong Quả Cảm có nhiều bệnh nhân đang sinh sống và điều trị, cuối tuần nào cũng thế, hết thời gian làm việc ở trường mẫu giáo, cô giáo Xuân lại cơm đùm cơm nắm, lóc cóc đạp xe hơn chục cây số đến Trại phong Quả Cảm để chăm sóc bệnh nhân. Cơm nước, giặt giũ, cõng bệnh nhân đi lại… không việc gì là chị không làm. Cuối cùng, chị quyết định nghỉ hẳn việc ở trường mầm non, khi vừa được nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi để tập trung làm công việc như một y tá thực thụ ở Trại phong Quả Cảm.
Cảm phục tấm lòng của chị, giám đốc trại phong khi ấy khuyên chị nên đi học một lớp y tá để về làm việc thuận tiện hơn, chị lại lặn lội vào tận Lâm Đồng để tìm khoá học làm y tá. Nhưng may mắn cho chị khi đến Quy Nhơn thì được một vị linh mục tận tình giúp đỡ, xin cho học ngay tại Trại phong Quy Hoà. Hoàn thành xong khoá học, trở về Trại phong Quả Cảm, dù chưa được là nhân viên chính thức, nhưng 2 năm liền chị Xuân vẫn đều đặn hằng ngày đạp xe đến chăm bệnh nhân, tối lại đạp xe về. Thời gian ấy, rất nhiều lời bàn tán, dị nghị rằng chị Xuân có vấn đề, hoặc đang mưu tính lợi dụng điều gì đó, nhưng chị bỏ ngoài tai tất cả.
Nhận thấy sự chân thành, nhiệt tình của y tá Xuân 2 năm liền không quản khó khăn vất vả chăm sóc bệnh nhân, ông Trương, Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân khi ấy đang điều trị tại trại đã làm đơn đề nghị và xin chữ kí của tất cả các bệnh nhân gửi lên Sở Y tế Hà Bắc lúc đó để xin cho chị vào làm việc chính thức. Và thật bất ngờ, sau lá "tâm thư" của các bệnh nhân, chị Xuân được đặc cách biên chế vào Trại phong Quả Cảm. Đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm y tá của chị.
Nguyện cả đời cống hiến cho bệnh nhân phong
Từ khi được vào làm chính thức tại trại, chị Xuân càng nhiệt tình gánh vác công việc hơn. Thấy nhiều cụ già yếu, chân tay bị cụt vì bệnh phong, phải dùng những chiếc xô nhựa, chậu nhựa, hay những thanh gỗ cắt ra làm chân giả, đi lại khó khăn, có khi bật cả máu, chị thấy xót xa. Năm 1992, chị quyết định xin lãnh đạo cho đi học một lớp làm chân giả với mong muốn làm được những chiếc chân gỗ hợp với bệnh nhân, giúp họ đi lại dễ dàng. Khoá học chỉ diễn ra trong 3 tháng nhưng toàn nam giới đi học, chỉ duy nhất chị là phụ nữ. Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao chị lại đi học cái nghề này cho vất vả, nhưng chị cười, đâu cứ phải đàn ông mới làm được, chỉ cần yêu thích thì bất kể đàn ông hay đàn bà đều có thể làm được.
Y tá Nguyễn Thị Xuân, người tình nguyện ở lại trại phong cho đến hết đời. |
Nhớ những ngày đầu làm chân giả, chị gặp khó khăn nhiều lắm. Nghĩ ra cái gì chị lại thiết kế cái đó. Mới đầu chưa thành thạo, chân giả chưa hợp với bệnh nhân, chị cứ tháo ra tháo vào rồi lại hì hục chỉnh sửa. Trăn trở làm sao giúp được bệnh nhân đi lại một cách tốt nhất, chị lại thức đêm thức hôm, mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm mới. Nhiều lần như thế, "tay nghề" của chị Xuân càng lên cao.
Khi được lãnh đạo trại phong cấp phòng ở và làm việc, chị đã xin được thiết kế dãy nhà ở và phòng làm việc ngay cạnh nhau để tiện cho các bệnh nhân thăm khám và chữa trị. Chỉ cần bệnh nhân gọi vì chân giả gãy, hỏng bất cứ lúc nào là chị cũng có thể sửa chữa, hay thiết kế sản phẩm luôn lúc ấy. Hiện Khoa Phong có 1 bác sĩ, 2 y tá, 5 nhân viên phục vụ nhưng chỉ duy nhất có chị Xuân là sống luôn trong bệnh viện, bởi thế mà không việc gì là không đến tay chị.
Đêm đến, bệnh nhân ốm, đau, đột quỵ, chị lại là người túc trực thuốc thang chăm sóc. Hầu hết những bệnh nhân sống ở trại đều bị gia đình bỏ mặc, hoặc không còn người thân thích, họ hàng nên khi các cụ khuất núi, chị lại là người tắm rửa, thay giặt và lo mọi thủ tục tang lễ. "Lúc đầu cũng sợ lắm, nhưng mình không làm thì còn ai làm. Làm nhiều thành quen, giờ tôi cũng thấy bình thường. Họ như những người cha người mẹ mình, lúc mất không người thân thích bên cạnh nên tội lắm", chị Xuân tâm sự.
Gần đây, công việc của chị Xuân đỡ vất vả đi nhiều bởi chị nhận được sự giúp đỡ của những bệnh nhân còn trẻ, khoẻ, có tâm. Họ thay chị trông nom, chăm sóc những bệnh nhân già yếu hơn lúc ốm đau, trái gió trở trời. Những lúc ấy, chị lại tự bỏ số tiền lương ít ỏi của mình ra để trả công cho họ. "Cũng chẳng nhiều nhặn đâu nhưng quan trọng tạo được động lực làm việc cho họ, mình cũng đỡ vất vả hơn. Người già họ chỉ cần tình cảm. Đôi khi đi qua chỉ một lời hỏi, một câu chào là họ cũng thấy ấm lòng. Quan trọng là gắn kết được các bệnh nhân với nhau. Sống ở đây họ chỉ còn biết nương tựa vào nhau để vượt qua sự cô đơn, mặc cảm của số phận", chị Xuân chia sẻ.
Không chỉ tận tình chăm sóc bệnh nhân, chị Xuân còn hết mình vì công việc chung của trại. Chị đã từng đi khắp các tỉnh từ Hà Tây (cũ), Hà Nam, Thái Bình đến Sơn La, Điện Biên tìm đến những trại phong khác để kết nối các bệnh nhân lại với nhau, giúp bao đôi lứa nên duyên vợ chồng.
Cặp đôi anh Chất, chị Đoàn nảy sinh tình cảm từ một buổi giao lưu văn nghệ giữa Trại phong Quả Cảm và Trại phong Sóc Sơn. Sau hơn 10 năm gắn bó, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, anh chị đã có một cháu trai khôi ngô, tuấn tú đang học lớp 7.
Với những cống hiến của mình, y tá Xuân nhiều lần được Nhà nước, tỉnh khen thưởng. |
Cũng nhờ chị Xuân nên chị Hà nhà ở cạnh trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) đã đồng ý về làm vợ anh Sanh (quê huyện Sìn Hồ, Lai Châu) khi anh đến Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh chữa bệnh.
Ở cái trại phong đơn sơ này, không gia đình bệnh nhân nào là không nhận được sự quan tâm giúp đỡ của y tá Nguyễn Thị Xuân. Các cháu đến tuổi đi làm hầu như chị đều xin được việc làm ổn định. Trước đây, Bệnh viện Phong và Da liễu còn hoang sơ lắm, đường đi còn toàn bùn đất lầy lội, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, nhưng chị Xuân đều đi xin được tiền tài trợ về tu sửa lại khang trang.
Dù đã về hưu từ năm 2012, nhưng chị Xuân vẫn tình nguyện xin ở lại trại phong để tiếp tục được phục vụ các bệnh nhân đến suốt đời, bởi chị coi nơi đây như là nhà của mình và không bao giờ muốn rời xa. Chị bảo, cứ nghĩ đến việc được giúp đỡ các bệnh nhân là chị thấy vui lắm. Quả thật, nghe chị nói chuyện, kể lại những kỉ niệm vui buồn ở trại phong, tôi thấy chị say sưa, ánh mắt rạng ngời niềm hạnh phúc.
Và phải chăng chính lòng tốt, sự nhân hậu của chị mà chúa đã ban cho chị sức khoẻ, sự dẻo dai khi bao nhiêu năm công tác tại đây, chị chẳng mấy khi ốm đau phải dùng đến thuốc. Thỉnh thoảng người phụ nữ ấy vẫn tự mình đi xe máy đến khắp các tỉnh, thành để điều trị ngoại trú cho các bệnh nhân phong khi họ cần đến chị và tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo.