Người mẹ chấp nhận mù lòa để cứu con

Thứ Ba, 11/06/2019, 10:00
Phát hiện căn bệnh ung thư vòm họng khi mang thai đến tháng thứ 5. Thời điểm đó, các bác sĩ chẩn đoán sức khỏe của chị Yên đang vô cùng nguy kịch, cần phải chữa trị ngay, điều đó đồng nghĩa với việc chị phải bỏ đứa con trong bụng. Không cần suy nghĩ nhiều, chị lựa chọn cứu con. “Chết em cũng không bỏ con, cùng lắm...”. Chị nói trong nước mắt.


Dù chết không bỏ con

Cho đến thời điểm hiện tại chị Nguyễn Thị Yên (SN 1981, Hoài Đức, Hà Nội) đã sống trong bóng tối được hơn 5 năm. Kể lại câu chuyện xúc động của mình bằng sự lạc quan và đầy yêu thương với cuộc đời, chị Yên cho biết: “Năm 2013 mình lập gia đình và mang thai 2 tháng sau đó. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, cơ thể mình xuất hiện các triệu chứng lạ như mệt mỏi, hay chảy máu mũi. Máu nhiều lúc cứ tuôn ra mà không làm cách nào để cầm lại được”.

Ban đầu, nghĩ rằng do mang bầu nên cơ thể thay đổi nên chị không nghĩ đó là một căn bệnh. Nhưng khi máu mũi chảy liên tục, khó cầm, nằm thì chảy thẳng xuống họng, hai vợ chồng mới quyết định nhập viện để kiểm tra. Từ Bệnh viện Bạch Mai về nhà, thấy mặt chồng buồn bã, khi hỏi anh lại nói không sao, lúc đó chị Yên đã nghi ngờ về sức khỏe của mình.

Chị Yên bên thiên thần nhỏ của mình.

Mãi cho đến sau này, khi gia đình đưa chị đến Bệnh viện Ung bướu Trung ương (Bệnh viện K) để khám lại, chị mới phát hiện mình đã bị ung thư. Nhận được tin sét đánh ấy, hai chân chị nhũn ra không đứng vững.

“Lúc ấy gia đình mới nói về bệnh tình của mình, bác sĩ bảo nếu không điều trị sớm thì cũng không sống được lâu. Chồng mình cũng khóc lóc, động viên bảo bỏ con đi vì anh không muốn mất vợ. Nhưng mình cũng không muốn mất con. Cùng lắm hai mẹ con cùng chết hoặc mình chết nhưng anh phải cố cứu con…”, chị Yên nói.

Sau quyết định đó là 4 tháng liên tiếp, chị Yên phải chịu đựng nỗi đau kinh khủng do khối u chèn vào các dây thần kinh. Những cơn đau đến liên tục, bất ngờ và như búa bổ vào đầu. Trong tháng đầu tiên, thuốc giảm đau còn phát huy tác dụng nhưng khi mang bầu đến tháng thứ 6, nỗi đau nhân lên nhiều lần, mỗi lần uống thuốc lại nôn ra.

Thức ăn cũng vậy, mỗi khi ăn dù chỉ là một thìa cháo cũng khiến chị Yên nôn thốc. Dù ăn vào lại nôn ra nhưng chị Yên cố hết sức mình để có thêm chất dinh dưỡng nuôi con.  

Đến tuần thứ 30 của thai kỳ, bác sĩ cho biết nếu em bé khỏe mạnh có thể sinh mổ vào tuần thứ 32. Nhưng đến khi cân, thai nhi mới chỉ được 1,4kg nên bác sĩ cho biết phải 36 tuần mới có thể mổ vì thai nhi còn quá nhỏ. 6 tuần đối với một người không phải là thời gian dài, nhưng với chị Yên, người đang đếm từng ngày trôi qua trong nỗi đau đớn và cả sự thắc thỏm chờ đợi thì thật khủng khiếp.

Lúc này, khối u đã phát triển quá lớn, chèn vào dây thần kinh mắt khiến chị Yên mù một mắt, một bên chỉ còn nhìn được lờ mờ. Khối u lớn cũng đồng nghĩa với cái chết đang đến gần với chị hơn. Nhưng khi nghĩ đến việc con sẽ khỏe hơn một ngày nếu chị cố gắng chịu đựng, nuốt nước mắt cố gắng. Khi không thể ăn, chị phải truyền chất dinh dưỡng một ngày 9 tiếng để con được phát triển.

Đến tháng 11-2013, chị Yên nhập viện để chuẩn bị sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong tình trạng vô cùng suy kiệt. Các bác sĩ giỏi của Bệnh viện K cũng được mời sang hội chuẩn cho trường hợp này để đảm bảo tính mạng cho cả hai mẹ con. Biết chị Yên không còn nhìn thấy gì, bác sĩ cho biết bệnh đã phát triển quá nặng, yêu cầu mổ sớm để mẹ được đi điều trị kịp thời.

“Tôi nhớ, hôm ấy là 5-11-2013, con gái tôi, cháu Cẩm Tú sinh ra được 2,1kg. Trong suốt thai kỳ tôi không tăng ký nào, vẫn giữ mốc 46kg, đó cũng là một kì tích. Ngày hôm đó là ngày vui nhất cuộc đời vì mình đã có thể sống để gặp con. Chỉ tiếc, mình không được nhìn thấy khuôn mặt con ra sao vì hai mắt đã mù”, chị Yên rơm rớm nước mắt nói.

Làm quen với bóng tối

Sau khi sinh 3 ngày, chị Yên được chuyển sang Bệnh viện K can thiệp điều trị trong 6 ngày, rồi chuyển về Viện 103 điều trị trong 9 tháng tiếp theo. Nhờ sự chăm sóc của hai người chị gái, cô bé Cẩm Tú lớn lên khỏe mạnh, dễ thương.

Bé Cẩm Tú học bài cùng bác ruột.

“Lúc ấy bố phải vào chăm mẹ, vừa phải đi chạy taxi kiếm tiền. Vợ chồng chúng tôi cũng phải bán đi mảnh đất cắm dùi để lấy mấy chục triệu chữa bệnh. May mắn là khi đó có nhiều người tốt giúp đỡ, hỗ trợ mới qua khỏi giai đoạn khó khăn ấy”, chị Yên xúc động kể lại.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm và tình yêu của chồng cùng các anh chị trong gia đình, chị Yên đã vượt qua được quá trình xạ trị đầy gian nan. Một phần nhờ tinh thần luôn thoải mái nên căn bệnh đã được đẩy lùi một cách bất ngờ. Rời bệnh viện sau 9 tháng, khối u đã không còn nhưng đôi mắt của chị đã không thể sáng trở lại. Chị Yên bắt đầu những ngày tập sống trong bóng tối.

Nói về người chồng tuyệt vời luôn sát cánh bên mình, chị Yên cười tủm tỉm và kể lại quãng thời gian hai người quen nhau. Đó là khi chị vừa chia tay mối tình cũ, vô cùng đau khổ thì anh xuất hiện làm quen, mọi thứ đều diễn ra trên internet. Nhân duyên đưa đẩy đã khiến hai người gặp nhau và yêu thương nhau như định mệnh. Vào lúc đau đớn nhất khi bị căn bệnh hành hạ, chị Yên từng nghĩ sẽ có ngày chồng bỏ mình đi vì không thể chăm sóc nổi một người vợ mù lòa. Nhưng anh vẫn ở đó, vẫn nắm tay vợ đi qua những ngày tháng nằm viện. Khi chị bình phục cũng là lúc anh bắt đầu bươn chải kiếm tiền nuôi vợ con.

Về phần chị Yên, những ngày mới về nhà chị gái sinh sống, người mẹ đáng thương  cảm thấy sợ hãi với cuộc sống mới, khi mọi thứ trước mắt chỉ có một màu đen mù mịt. Không dám đi đâu, không dám làm gì, chị chỉ ngồi một mình trên giường đợi thời gian trôi qua một cách buồn bã.

Nhưng vào một ngày, khi chị gái vừa đi ra ngoài thì cô bé Cẩm Tú cất tiếng khóc. Nghe tiếng con khóc ngặt nghẽo, chị Yên vội vàng đứng dậy, men theo bờ tường để đi ra bế con. Cũng từ ấy, tình mẫu tử đã giúp chị vượt qua được tâm lý mặc cảm sợ hãi để thích nghi với cuộc sống mới.

Sau khi Cẩm Tú được gần 5 tuổi cũng là lúc sức khỏe chị Yên hoàn toàn bình phục. Chị nói, đây quả thực là phép màu bởi có những người điều trị cùng thời điểm với chị, bệnh nhẹ hơn nhưng lại không may mắn. Các bác sĩ cho biết, nếu muốn, chị có thể mang thai thêm một lần nữa.

Chị Yên tâm sự: “Lúc ấy người ngoài thì cản, nói rằng khi mang thai lại tái phát ung thư thì khổ. Nhưng người nhà của mình, nhất là chồng luôn tôn trọng ý kiến và quyết định của mình, cũng như lần mình quyết định giữ Cẩm Tú. May mắn một lần nữa, quyết định của mình lại không hề sai”.

Năm 2018, sau 9 tháng mang bầu trong bóng tối, bé Tôm chào đời, khỏe mạnh, bụ bẫm trong vòng tay của bố mẹ cùng các bác. Dù không được nhìn thấy con, nhưng khi nghe chồng tả lại con trắng và giống bố lắm, chị Yên thấy như vậy với mình đã quá viên mãn.

Hàng ngày, chị Yên ở nhà chăm con với sự hỗ trợ của chị gái và bố đẻ. Do đã quen cảnh mù lòa, chị có thể vịn vào tường đi lại thoải mái trong nhà để chăm sóc bé Tôm nay đã 6 tháng tuổi.

“Hôm trước, chồng tôi đọc về trường hợp của chị Nguyễn Thị Liên. Anh ấy gọi rồi bảo có một người cũng không chữa bệnh để giữ con giống vợ này. Khi nghe chồng đọc lại câu chuyện của chị Liên, tôi khóc nhiều lắm vì hoàn cảnh của mình cũng giống như vậy. Mình biết chắc khi các bà mẹ rơi vào hoàn cảnh của mình hay chị Liên cũng sẽ đều lựa chọn được giữ con, bởi tình mẫu tử thiêng liêng lắm. Đến bây giờ, mình cũng đã mãn nguyện với những gì mình có được, một người chồng tốt, hai đứa con xinh xắn, khỏe mạnh”, chị Yên cười mãn nguyện nói.

Hiền Trâm
.
.
.