"Nạn nhân vô hình" của bạo lực tình dục ở Ấn Độ
Những phụ nữ "tàng hình" trong xã hội
Bản báo cáo do tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) thực hiện. Đây được coi là báo cáo quy mô đầu tiên về phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật ở Ấn Độ. Báo cáo xem xét, đánh giá khả năng tiếp cận công lý và đưa ra các khuyến nghị cho chính quyền nhằm đảm bảo các quyền cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
HRW đã tiến hành 111 cuộc phỏng vấn với nạn nhân, gia đình, luật sư, nhân viên xã hội, cảnh sát và những người khác liên quan đến 17 vụ bạo lực tình dục đối với phụ nữ khuyết tật ở nông thôn và thành thị trong thời gian qua.
Nhiều vụ việc phụ nữ khuyết tật bị tấn công tình dục ở Ấn Độ không được đưa ra ánh sáng. |
"Luật pháp của Ấn Độ đã có những quy định bảo vệ người khuyết tật, trong đó có phụ nữ khuyết tật. Tuy nhiên, bất chấp luật pháp, công lý không được thực thi một cách triệt để. Chúng tôi muốn báo cáo này sẽ là tiếng nói để mọi người nhận ra rằng, phụ nữ khuyết tật đang phải đối mặt với nhiều rào cản”, Nidhi Goyal, một nhà hoạt động vì quyền người khuyết tật ở Mumbai, cố vấn cho HRW nói.
Shampa Sengupta, nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người khuyết tật nói về vụ việc một phụ nữ trẻ bại não bị ba người hàng xóm hãm hiếp trong một ngôi làng ở Ấn Độ cách đây bốn năm. Tuy nhiên, vụ việc không được giải quyết đến nơi đến chốn.
Nhiều người cho rằng, những kẻ phạm tội không thể đi tù vì phụ nữ “không giới tính” – những người thậm chí không thể đi bộ hoặc nói chuyện một cách bình thường.
Goyal cho rằng, rào cản công lý đối với phụ nữ khuyết tật bắt nguồn từ sự “tàng hình” của họ trong xã hội. Sự “tàng hình” này được phản ánh trong điều tra dân số. Năm 2011, cuộc điều tra dân số của Ấn Độ ghi nhận 26,8 triệu người khuyết tật, tương đương với 2.21% dân số. Con số này trái ngược với số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính là ít nhất 15%.
Bên cạnh đó, việc thống kê số liệu liên quan đến người khuyết tật cũng bị cho là không đầy đủ. Cơ quan chuyên khảo sát sức khỏe gia đình trên toàn quốc cũng như Cục thống kê tội phạm quốc gia không có số liệu cụ thể liên quan đến người khuyết tật.
“Sự xấu hổ và kỳ thị khiến phụ nữ bị khuyết tật tách biệt với xã hội. Không ít người cho rằng, phụ nữ khuyết tật là “không giới tính”, “không hấp dẫn”. Chính vì vậy, quan hệ tình dục phụ nữ khuyết tật không được thừa nhận và hành vi tấn công tình dục phụ nữ khuyết tật càng dễ bị bỏ qua”, Goyal nói.
Chỉ 5% phụ nữ khuyết tật bị tấn công tình dục sẵn sàng báo cáo cảnh sát
Asha Hans, người phụ trách Trung tâm Phục hồi chức năng Shanta Memorial ở Orissa nói rằng, cô đã hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong hơn 30 năm. “Chỉ có 5% phụ nữ mà cô từng làm việc tại sẵn sàng báo cáo bị bạo lực tình dục với cảnh sát. Chúng tôi không thể thuyết phục tất cả mọi người. Ở khu vực nông thôn, ý kiến của cộng đồng và trưởng làng là cực kỳ quan trọng. Khi trưởng làng trưởng ra lệnh “giải quyết vấn đề trong gia đình” thì không ai có thể lên tiếng”, Asha Hans nói.
Số liệu của HRW cho thấy, trên toàn thế giới, phụ nữ khuyết tật có nguy cơ bị lạm dụng tình dục nhiều gấp ba lần so với phụ nữ bình thường. Jo Chopra, Giám đốc của Latika Roy Foundation, một tổ chức tình nguyện giúp đỡ thanh niên và trẻ em khuyết tật ở Uttarakhand nói rằng, “phụ nữ khuyết tật là đối tượng dễ bị tổn thương. Họ không thể thoát khỏi những tình huống bạo lực tình dục hoặc kêu gọi sự giúp đỡ. Phụ nữ khuyết tật phụ thuộc vào gia đình và những người chăm sóc”.
Nhiều cuộc biểu tình chống nạn bạo lực, tấn công tình dục phụ nữ đã diễn ra ở Ấn Độ trong thời gian qua. |
Thay vì gia đình, nhân viên xã hội, nhà báo và ủy ban phúc lợi trẻ em thường là những người báo cáo vụ việc với cảnh sát. Hầu hết phụ nữ khuyết tật không biết về các quyền và cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình do thiếu thông tin trong khi cảnh sát hiếm khi cung cấp thông tin đầy đủ.
Sự thờ ơ của cảnh sát cũng là một trong những rào cản bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật. Đôi khi, ngay cả các sĩ quan cảnh sát cũng coi thường phụ nữ khuyết tật. Năm 2014, khi Susmita, một phụ nữ khuyết tật 26 tuổi đến đồn cảnh sát báo cáo về việc bị hiếp dâm, cảnh sát nói rằng, “cô là một người khuyết tật, làm sao chúng tôi có thể tin đó là sự thật”.
Ngay cả khi vụ việc được đưa ra ánh sáng thì các nạn nhân cũng không dễ dàng nhận được các khoản bồi thường. Vào năm 2013, sau khi xảy ra vụ nữ sinh y khoa 23 tuổi bị hiếp dâm tập thể ở Delhi gây phẫn nộ trên toàn cầu, Chính phủ đã thành lập “Quỹ Nirbhaya” để hỗ trợ các chương trình phòng ngừa, bảo vệ, chăm sóc nạn nhân bị bạo lực tình dục. Tuy nhiên, “Quỹ Nirbhaya” không có khoản chi phí nào dành cho người khuyết tật.