Long đong phận gái làm thuê xứ người
Tuổi thơ cơ cực của cô gái miệt vườn
Theo lời kể của bà Trần Thị Niềm (mẹ của Thanh), hồi ấy tuy nghèo nhưng vợ chồng bà thương yêu nhau lắm. Lấy nhau được hơn một năm, bà sinh con gái đầu lòng. Do rất yêu vợ nên ông bảo bà cho con mang họ mẹ để mai sau chúng vừa đẹp người, lại đẹp nết.
Chưa hết, ông còn yêu cầu bà không phải làm bất cứ việc gì, cứ ở nhà nghỉ ngơi chăm con để ông một mình chạy hết đám rẫy nọ đến lô cao su kia làm cỏ thuê cho chủ kiếm tiền về nuôi hai mẹ con bà. Lần lượt đứa con thứ hai và thứ 3 là Thanh mang họ ông và cô con gái út tiếp tục mang họ của bà.
Vợ chồng con cái đanh hồi hạnh phúc thì vào năm 2001, ông đột ngột qua đời để lại cho bà một tay vừa làm thuê cuốc mướn vừa chăm sóc cho bốn con nhỏ. Cuộc sống tuy gặp nhiều khốn khó nhưng nhìn bốn đứa con ngày càng khôn lớn, bà Niềm cũng cảm thấy an lòng.
Năm 2002, do làm việc quá sức, bà Niềm đổ bệnh phải đi xuống tận Bệnh viện Chợ Rẫy nằm điều trị dài ngày. Lúc ấy, anh và chị của Thanh còn ham chơi nên không biết chuyện làm lụng đỡ đần cho mẹ, chỉ có Thanh tuy mới học lớp 5 nhưng đã nhiều lần xuống bệnh viện ở dưới Sài Gòn năn nỉ mẹ cho phép nghỉ học đi gỡ mủ chén (mủ cao su dính ở chén sau khi trút) thuê cho những chủ vườn kiếm tiền mua gạo nuôi cả gia đình.
Bà Trần Thị Niềm (mẹ Thanh) kể lại sự việc. |
Hoàn cảnh gia đình quá nghèo, hơn trăm mét vuông nhà ở là tài sản duy nhất cũng đã mang cầm cố lấy tiền lo thuốc thang nên mặc dù rất thương Thanh nhưng bà đành nuốt nước mắt vào trong, cắn răng gật đầu cho con đi làm thuê ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.
Năm 15 tuổi, thấy người ta cạo mủ kiếm được nhiều tiền, Thanh tiếp tục xin chủ vừa cho làm cỏ vào ban ngày và cạo mủ cao su vào ban đêm. Thấy cô gái quá nhỏ, nhiều chủ vườn tỏ ra e ngại không dám tiếp nhận và mãi đến hơn một năm sau, cô mới được một bà chủ vườn người Sài Gòn thương tình chấp nhận cho làm và sau đó thấy cô thật thà đã giao cho quản lý cả khu vườn rộng hơn hai chục hec ta. Chịu khó làm việc, lại biết tiết kiệm nên đến năm 18 tuổi, Thanh đã có được chút lưng vốn và quyết định ra làm riêng bằng việc mở một quán cà phê nho nhỏ ở gần UBND xã Bàu Năng.
Buôn bán mãi mà vẫn không thể vực nổi kinh tế gia đình đầu năm 2011, một người phụ nữ ghé quán giới thiệu là chuyên viên tư vấn lao động nước ngoài (thực chất là cò) rủ cô sang Malaysia làm tiếp viên với đồng lương hàng tháng hết sức hậu hĩnh. Ngoài ra còn được cho ăn ở miễn phí và hằng năm được về nước thăm nhà một tháng.
Thời điểm ấy, Công an huyện Dương Minh Châu cùng các cấp chính quyền xã Bàu Năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo bà con nhân dân hãy cảnh giác tránh tiếp xúc với những đối tượng không rõ thân nhân, lai lịch, không có chức năng giới thiệu việc làm hoặc môi giới hôn nhân đến địa phương dụ dỗ các cô gái mới lớn đi làm "chui" tại một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… hoặc lấy chồng người nước ngoài cũng theo dạng "chui" nên bà Niềm đã tìm mọi cách khuyên nhủ con gái không nên đi.
Tuy nhiên trước sự quyết tâm của con gái cùng những lời đường mật của mụ cò dẻo miệng, bà Niềm đành bấm bụng chấp nhận để Thanh sang lại quán cà phê của mình với giá rẻ mạt lầy tiền đóng lệ phí làm thủ tục và mua vé máy bay bay sang xứ người mang theo bao ước mơ làm giàu.
Và những ngày tháng bầm dập nơi xứ người
Sau khi nhận một khoản tiền lớn từ Thanh, mụ cò này đưa cô ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục theo dạng đi du lịch rồi ném cô cùng một số cô gái khác lên máy bay đưa sang Malaysia giao cho một đám giang hồ người Việt ở Kuala Lumpur "chăm sóc".
Vừa bước chân xuống sân bay, Thanh cùng những cô gái khác đã gặp ngay ác mộng khi bị một đám thanh niên mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy mình tống lên một chiếc xe bít bùng đưa thẳng đến khu nhà trọ ổ chuột nằm ở ngoại ô thành phố Kuala Lumpur.
Tại đây, Thanh cùng các cô gái bị những tên giang hồ canh chừng nghiêm ngặt không cho bất cứ ai lọt ra ngoài, một ngày hai lần chúng cho các cô ăn uống bằng việc quẳng những bọc cơm qua song sắt cửa sổ rồi đóng chặt lại. Chuyện tắm rửa, giặt giũ và vệ sinh cá nhân được thực hiện ngay ở trong phòng với một nhà tắm rộng chừng hai mét vuông dành cho gần chục cô gái.
Cảnh sát Kuala Lumpur đang khám nghiệm tử thi đối với Thanh. |
Biết mình bị lừa nhưng ở nơi đất khách quê người chẳng biết cầu cứu ai, hơn nữa đã lỡ cầm cố tài sản lấy tiền đưa cho mụ cò nên Thanh cùng các cô gái khác đành cắn răng chấp nhận với hy vọng khi đi làm sẽ cố gắng tiết kiệm tiền mua vé về quê.
Sau hai ngày bị nhốt trong phòng, Thanh cùng các cô gái được các tay giang hồ ép phải mặc những chiếc áo ba lỗ và những chiếc váy ngắn đến độ chỉ cần bước dài một chút là có thể hở nội y rồi áp giải đến thả vào các quán bar tiếp khách với thời gian từ 20h đến tận 3h sáng hôm sau với lời hăm dọa: "Nếu ai dám bước ra khỏi cửa quán thì đừng mơ còn sống mà trở về quê mẹ".
Quả thật chúng không nói đùa bởi có lần Thanh định bỏ trốn liền bị hai tay giang hồ lôi vào phòng đánh cho một trận thừa sống thiếu chết và chúng chỉ tha chết cho cô khi các cô gái cùng phòng quỳ gối năn nỉ hàng giờ liền.
Cuối năm 2012, trong lúc tiếp khách trong quán bar, Thanh may mắn gặp một ông khách người Việt. Sau khi nghe Thanh kể lại hoàn cảnh éo le của mình, ông khách này đã tìm cách bố trí để cô trốn thoát khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đưa cô đến phụ việc cho một quán cà phê của một người phụ nữ gốc Sài Gòn tên là Nga và được bà chủ này làm thủ tục bảo lãnh cho ở lại làm việc. Thời gian sau, bà chủ tốt bụng này dẹp quán nhưng giới thiệu cho Thanh đến làm việc cho một người bạn gốc bản địa.
Đầu năm 2014, Thanh quen biết và đem lòng yêu thương một thanh niên 30 tuổi. Khi ấy có một người thanh niên khác không rõ lai lịch cũng thường xuyên tìm cách tiếp cận, tán tỉnh nhưng Thanh không chịu nên có lúc cả cô và người yêu bị tên này chửi mắng, có khi còn chặn đường dùng cây đánh chảy cả máu đầu.
Theo tường thuật của ông chủ quán cà phê được một người bạn của Thanh tên N biết tiếng Malaysia dịch lại: Khoảng 20h ngày 20/4/2015, bạn trai của Thanh đến phòng trọ đón cô đi chơi đến 23h mới về. Cả hai vào phòng một lúc thì người yêu của Thanh về. Khoảng 24h, ông lại thấy bóng dáng một người đàn ông đi vào phòng trọ nhưng ông nghĩ là người yêu của Thanh quay lại nên không để ý. Khoảng 3h sáng, người thanh niên này ra về với dáng vẻ hớt hải nên ông chủ đã gọi điện cho bạn và chị Nga là chủ quán cũ của Thanh đến xem sao. Sau khi những người này đến gọi cửa không được nên đã tông cửa xông vào và phát hiện Thanh đã tử vong với một vết dao cắt ngang cổ và nhiều vết trầy khác.
Anh Đoàn Văn Tiến (anh trai Thanh) kể lại: "Ngay khi hay tin Thanh bị sát hại, tôi chạy lên Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Tây Ninh và được các anh tạo mọi điều kiện nhanh nhất làm thủ tục sang Malaysia. Tuy lạ nước lạ cái nhưng khi sang đến nơi đã có nhân viên đại sứ quán chờ sẵn tại sân bay, sau đó họ đưa đến tận nơi Thanh bị sát hại để hoàn tất giấy tờ. Ngoài ra còn được ông chủ quán cà phê hỗ trợ toàn bộ kinh phí nên việc đưa em tôi về nước rất thuận lợi.
Hồi đầu tháng tư vừa qua, Thanh có tranh thủ về thăm nhà. Trước đó nghe tình hình những lao động tự do ở Malaysia không được bảo vệ nên tôi đã động viên Thanh ở nhà kiếm việc làm, cho dù có cực khổ thì anh em cũng ráng đùm bọc lẫn nhau, nó cứ nằng nặc đòi đi và đó là lần cuối cùng anh em được nói chuyện với nhau… Nỗi đau này biết bao giờ mới nguôi ngoai được…", anh Tiến than thở.
Đám tang Đoàn Kim Thanh. |
Nhân vụ việc này, một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Vừa qua Phòng cũng tiếp nhận thông tin của một người phụ nữ ngụ tại huyện Tân Châu đến trình báo về việc cô con gái bà đang làm nhân viên một quán bar cà phê ở Kuala Lumpur thì đột nhiên tử vong. Lực lượng Công an đã liên hệ với các cơ quan chức năng và được biết cô gái này do cần tiền gửi về cho gia đình đã chấp nhận lời thách đố uống rượu mạnh với một nhóm người đàn ông bản địa với chiêu thức mỗi người đàn ông uống một ly thì cô phải uống ba ly. Sau chầu nhậu, cô nhận được 200USD nhưng khi về đến phòng trọ thì bị ngộ độc dẫn đến tử vong.
Cũng theo cán bộ điều tra này thì việc công dân người Việt tử vong dưới bất kỳ hình thức nào tại nước ngoài thì Cảnh sát nước sở tại làm nhiệm vụ điều tra và đến khi có kết quả sẽ thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam chứ lực lượng điều tra hoàn toàn không thể can thiệp được bởi nó nằm ngoài khả năng quản lý của Công an.
Cho đến nay, mặc dù các cấp chính quyền ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của nước ta đã rất cố gắng tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cảnh giác với những thủ đoạn dụ dỗ các cô gái đưa đi nước ngoài bán cho các quán bar, động chứa hoặc bán cho cánh đàn ông làm vợ nhưng vẫn có rất nhiều người mù quáng lao theo với ước mơ được đổi đời đã phải giá trả rất đắt. Cùng với nhiều trường hợp khác, vụ việc này thật sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ cùng các cô thôn nữ mới lớn đừng mù quáng thêm nữa để rồi phải đem cả tính mạng của mình đánh đu với ước mơ đổi đời ở những "thiên đường ảo".