Cuộc mưu sinh chật vật của “gia đình người lùn” ở Hưng Yên

Chủ Nhật, 17/09/2017, 23:49
Từ lúc sinh ra, chị Nguyễn Thị Bình, 55 tuổi, trú tại thôn Nội Lễ, xã An Viên, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đã không được may mắn. Chị bé như quả mướp, yếu tựa dải khoai. Lớn lên, chị cũng không khá hơn là mấy, chỉ cao chừng gần một mét.


Gia cảnh nghèo nên chị càng thêm mặc cảm. Chị luôn tin mình sẽ phải ở vậy đến già. Nhưng rồi bỗng một ngày, có một người đàn ông xã bên cạnh đã đến và ngỏ lời yêu với chị. Cho đến khi biết chị đã mang trong mình giọt máu của mình thì anh ta “lặn” mất tăm. Hiện chị Bình sống cùng người em trai và con trai cũng có hình hài giống mình.

Chúng tôi có cảm giác mình như người khổng lồ khi bước vào ngôi nhà của chị Bình, bởi xung quanh chúng tôi là ba thành viên thấp bé đến kỳ lạ. Trong 3 người có chiều cao khiêm tốn ấy, chị Bình lại là người lùn nhất, với chiều cao chỉ vào khoảng 80cm.

Ba người lùn nương tựa vào nhau để tồn tại.

Chân tay của chị chỉ giống như mấy bắp ngô rụt rịt. Người em chị Bình là anh Nguyễn Văn Lâm (50 tuổi), có chiều cao nhỉnh hơn một chút nhưng cũng chỉ tầm 1 mét. Con trai của chị là cháu Nguyễn Thành Công (16 tuổi) có chiều cao na ná như mẹ.

Ngôi nhà xập xệ, dột nát chính là nơi ở của 3 người lùn. Anh Lâm kể, chị em anh mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Trong trí nhớ của anh không có hình ảnh nào về người bố, bởi bố anh mất từ khi anh mới lọt lòng. Sau này lớn lên, anh Lâm cũng chỉ được nghe mọi người kể lại rằng bố anh cũng rất lùn.

Vì lùn nên ông không phải đi bộ đội mà được phân công nhiệm vụ đánh kẻng báo động mỗi khi có máy bay Mỹ. Một bận, ông trúng mảnh bom bị thương, sức khỏe của ông vì thế suy yếu nhiều. Sau khi anh Lâm ra đời thì bố anh mất. Hai năm sau, mẹ của chị Bình và anh Lâm cũng qua đời. Từ bấy, hai chị em như hai sọ dừa lăn lóc trên thế gian.

Hai chị em chị Bình lớn lên nhờ sự thương yêu và đùm bọc của hàng xóm, láng giềng. Chị Bình nhớ lại: “Bố mẹ mất rồi, chị em tôi cũng được chia ruộng như nhiều người khác nhưng có làm được đâu. Bởi vì toàn là ruộng trũng, sâu lắm, nước ngập mênh mông.

Một lần, cả hai chị em đánh liều lội xuống ruộng, nhưng vừa chạm đến bùn thì nước cũng đã ngập ngang người, suýt chết. Chị em tôi cuống cuồng hét lên nhờ người đến cứu. Từ đận đó là thôi không bao giờ dám đặt chân xuống ruộng nữa”.

Không thể cấy ruộng, hai chị em chị Bình xoay đủ thứ nghề. Chị Bình bảo thời trước, khi còn khỏe mạnh thì vẫn có người thuê bế trẻ, tiền công một ngày được trả một bơ gạo, có người thuê thì có gạo, chứ không thì cả nhà nhịn đói. Giờ không ai thuê nữa nên cứ sáng ra chị lại vác bao đi lượm lặt ve chai, giấy bìa về tích trong nhà để mang bán, song có khi đi từ sáng đến chiều mà chả nhặt được gì, đành lủi thủi đi về.

Để phụ giúp cho chị gái, anh Lâm cũng bôn ba đủ đường. Người dân trong làng kể lại rằng, ngày trước anh Lâm cũng có đi phụ hồ, quét vôi ve, nhưng người bé tí, leo trèo khó khăn nên cũng không mấy người nhận.

Mà nếu có nhận anh Lâm vào làm thì họ cũng chỉ trả công gọi là có, chả thấm gì so với ngày công của những người bình thường. Giờ đây, ngày nào anh Lâm cũng chỉ mong người ta đến gọi cửa để thuê đi cắt cỏ cho bò, cho cá. Anh Lâm chua chát bảo: “Có ngày, họ chỉ trả công cho bơ gạo. Họ bảo mình bé thế này thì làm được bao nhiêu. Hoặc họ cho vài ba chục, muốn ăn gì thì ăn. Nghĩ cũng cám cảnh lắm”.

Ngoài 3 người lùn, trong ngôi nhà lụp xụp còn thêm hai thành viên nữa là hai con chó to. Chúng được chia sẻ khẩu phần ăn chẳng khác gì chủ của mình. Chị Bình giải thích: “Chó đấy là tôi đi nhặt được đấy. Nhiều nhà trong vùng cúng chó yểm bùa gì đấy, rồi đem ra đường vứt. Thấy tiếc, tôi nhặt về nuôi lớn rồi đem đi bán lấy tiền. Nhưng ở nhà này, chó với người cùng ăn một loại thức ăn, người ăn gì thì chó ăn nấy. Chó nhà tôi còn ăn cả rau nữa đấy. Cứ mỗi bữa tôi lại luộc một rổ rau đầy, người ăn một nửa, còn lại thì cho chó ăn, nghe thì tưởng đùa nhưng mà lại thật”.

Chị Bình và đứa con trong cuộc tình cay đắng.

Tuy bé nhỏ nhưng anh Lâm nói năng rành mạch, rõ ràng, thậm chí còn hơi có chút văn vẻ - chắc hẳn là thứ văn vẻ anh học lỏm được trong những ngày tháng theo chân người ta đi làm phụ hồ.

Khi được hỏi, anh có bao giờ định lấy vợ hay không hay cứ ở vậy đến hết đời thì anh cười tếu táo: “Cũng yêu mấy người đấy. Nhưng mà gái nó chê anh. Bây giờ, gái nó cũng khôn lắm, cũng tính toán lắm. Mình thế này, thấp bé mà hoàn cảnh lại éo le. Gái chê, nó không lấy. Thôi thì trời cho thế này, xào thế ấy vậy”.

Chị Bình không tinh khôn như người em, song lại từng được sống trong cái không khí mà người ta vẫn hay gọi là tình yêu. Kết quả của tình yêu ấy là sự ra đời của cháu Nguyễn Thành Công. Chúng tôi hỏi về cha của đứa trẻ thì chị Bình bẽn lẽn đáp rằng: “Anh ta “ăn” xong thì bỏ đi rồi, đến bây giờ, tôi cũng không biết anh ta ở đâu nữa”. Rồi chị nói như tự sự với chính mình: “Anh ấy tên là Hoài hay Hòa gì đấy, có khi cả hai tên đều là giả. Chỉ biết anh ấy ở làng bên, gia đình rất nghèo, không lấy được vợ. Anh ấy sang đây tìm hiểu tôi.

Hồi bấy giờ, tôi nghĩ anh ta đùa ác, chứ ai lại thèm lấy tôi. Nhưng mà, anh ta tỏ ra nhiệt tình và chân thành lắm lại còn nói lời yêu đương, hứa hẹn rất nhiều với tôi. Thế là tôi cũng xiêu lòng. Tôi yêu anh ấy lắm, cứ nghĩ sẽ được làm vợ, làm mẹ như những người đàn bà khác. Thế nhưng, đến khi tôi có thai, anh ấy lại bỏ đi mất. Hình như là bỏ đi Nam.

Tôi bụng mang dạ chửa, người thì lùn tịt nên cũng chẳng thể đi đâu mà tìm anh ấy. Nhưng thôi chẳng sao, dù gì người ta cũng cho mình được mụn con, nó chính là “của để dành” cho mình lúc về già nên tôi nghĩ thế cũng là may mắn lắm rồi. Thành ra tôi cũng chẳng trách anh ta làm gì. Ở được với nhau thì phải có “nợ” từ kiếp trước”.

Chị Bình sinh con ra và đặt cho nó cái tên là Thành Công. Chị bảo, sở dĩ chị đặt tên đó là vì cuộc tình ấy đã cho chị kết quả thành công ngoài mong đợi. Chị không những biết đến cảm giác yêu và được yêu mà lại còn có được đứa con cho riêng mình. Thành Công sinh ra và lớn lên cũng có chiều cao khiêm tốn y như mẹ và cậu. Dù bé nhỏ nhưng Công lại rất thông minh, nhanh nhẹn. Hiện giờ, Công đã là học sinh lớp 11.

Công chia sẻ: “Cháu chẳng dám mơ ước gì nhiều, chỉ mong mình có thể học hết lớp 12 rồi sau đó sẽ đăng ký đi học nghề sửa chữa điện tử. Nếu được như vậy thì mẹ và cậu cháu sẽ bớt vất vả. Chứ cứ như bây giờ, nhìn mẹ lang thang đi nhặt từng chai nước, cậu đi cắt cỏ thuê cho người ta, cháu thấy khổ thân mà chẳng giúp gì được”.

Ngôi nhà của 3 người lùn.

Nghe con nói vậy, đôi mắt chị Bình lại ầng ậc nước. Ước mơ của con chị nó quá đỗi giản dị nhưng là giản dị với những gia đình bình thường. Còn với chị em chị, đến kiếm ăn qua ngày còn khó nói gì đến chuyện sẽ có tiền nuôi con học được cái nghề. Chị quay sang nói với chúng tôi: “Chắc đời nó rồi cũng giống đời tôi và đời em trai tôi thôi cô chú ạ. Thương con đến thắt lòng mà cũng có biết làm gì cho nó tốt hơn đâu”.

Nhìn 3 phận người nhỏ thó, lùn tịt trong căn nhà dột nát, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chỉ cầu mong sao những lời dự đoán của chị Bình về con trai mình không phải là thật, bởi tên con trai chị mang hai chữ Thành Công cơ mà!

Anh Nguyễn Văn Công, Phó trưởng thôn Nội Lễ cho biết: “Gia đình chị Bình là một trong những hộ nghèo nhất của thôn. Dù được trợ cấp hơn 100 nghìn/tháng nhưng cũng chẳng đủ sống. Thôn cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhưng cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Tuy nhiên, cứ như thế này, họ không thể có khả năng để cho cháu Thành Công ăn học bằng bạn, bằng bè”.
Phong Anh
.
.
.