Cuộc đời bất hạnh của chàng trai chỉ lo "chết không ai biết"

Thứ Hai, 09/11/2020, 14:47
Chưa từng biết mặt bố, mẹ cũng bỏ đi khi Phùng Văn Quân mới vừa tròn 2 tháng tuổi. Hai anh em Quân sau đó phải sống nương nhờ vào ông bà ngoại. Nhưng rồi cuối cùng cả ông bà ngoại, anh trai cũng bỏ Quân mà đi mãi mãi. Trong căn nhà tự tay xây từng viên gạch, Quân đang phải đối mặt với bệnh suy thận giai đoạn cuối. Đau đớn đến cùng cực nhưng chàng trai ấy vẫn cố gắng đi hát để gây quỹ từ thiện giúp những mảnh đời bất hạnh.


"Hình như mẹ sinh em vào cung giờ xấu"

Về thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) hỏi thăm Phùng Văn Quân ai nấy đều tỏ lòng xót thương chàng trai có số phận bất hạnh. Gặp Quân, không ai nghĩ chàng trai này mới chỉ bước qua tuổi 28 được vài ngày. Mang trong mình căn bệnh suy thận giai đoạn cuối nên trông Quân già hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình. Nhiều ngày nay, Quân ăn được rất ít, trời trở lạnh căn bệnh lại hành hạ cậu đau tận xương tuỷ.

Nhà Quân dựng trên mảnh ruộng của gia đình, xa khu dân cư. Vì không còn người thân nào bên cạnh nên nhiều năm qua, Quân sống 1 mình. "Nhiều lúc em có cảm giác thèm người lắm. Chỉ ước có ai đó ghé qua nhà, nói những câu chuyện linh tinh thôi cũng được. Ban ngày có tiếng chim ca còn đỡ, chứ ban đêm không gian vắng lặng đến rợn người", Quân ngậm ngùi chia sẻ. 

Ngôi nhà giữa cánh đồng do Quân tự tay xây.

Quân cười tếu táo bảo: "Hình như mẹ sinh em vào cung giờ xấu hay sao ấy nên cuộc đời em hiếm có được một ngày vui". Quân kể rằng cậu chưa biết mặt bố. Bố bỏ mẹ con Quân khi cậu còn chưa kịp chào đời. Mẹ không biết vì bất mãn hay sợ hãi cuộc sống khó khăn, vất vả nên cũng bỏ đi khi Quân mới vừa tròn 2 tháng tuổi.

Kể từ đó đến nay, Quân chưa một lần gặp lại mẹ. Không còn cả bố lẫn mẹ, hai anh em Quân được ông bà ngoại cưu mang, nuôi nấng. Thế nên, với Quân, ông bà chẳng khác nào cha mẹ của cậu. Đó cũng chính là chỗ dựa duy nhất và đáng tin cậy nhất trong cuộc đời đầy bất hạnh của anh em Quân. Tuổi thơ của anh em Quân gần như không có bạn. Bởi lẽ, chẳng ai muốn cho con mình gần gũi, thân thiết với "những đứa con hoang". 

Năm tháng cứ thế trôi đi, ông bà ngoại Quân ngày một nhiều tuổi hơn, bệnh tật đeo bám quanh năm. Nhiều khi ông bà cứ thay nhau đi viện, ít cũng vài ngày, nhiều có khi cả tháng. Những lúc như thế gia đình Quân lại rơi vào tình trạng khánh kiệt. Không chỉ vậy, khi mới lên 3 tuổi, anh trai của Quân mắc căn bệnh suy thận mạn tính. Bất hạnh chồng bất hạnh, nhìn cảnh ông bà lay lắt chữa bệnh cho anh trai khiến Quân đứt từng khúc ruột.

Học đến lớp 6, thấy gia đình quá túng quẫn nên đứa trẻ 12 tuổi là Quân đã tự ý bỏ học. "Em định bỏ học để đi xin việc làm thêm phụ giúp ông bà ngoại chữa bệnh cho anh trai. Nhưng em đi đến đâu xin việc họ cũng đuổi em về. Người ta bảo em tuổi này là tuổi học hành, chưa đến lúc phải đi kiếm tiền. Thậm chí nhiều người còn nghĩ em là đứa trẻ hư hỏng, không chịu học hành", Quân nhớ lại.

Quân chỉ sợ một ngày nào đó mình ra đi mà không có ai bên cạnh.

Không xin được làm các việc nặng nhọc, Quân về nhà, ngày ngày ra sông hay lần mò ở các con mương để bắt cua, bắt cá bán lấy tiền chữa bệnh cho anh. Lớn lên hơn một chút, Quân xin được công việc phụ hồ, được bao ăn, bao ở nên bao nhiêu tiền kiếm được Quân gửi hết về cho ông bà để chi tiêu gia đình và chữa trị cho anh. Cảm giác có thể giúp đỡ được cho những người thân yêu của mình là cảm giác tuyệt vời nhất đối với Quân. Thế nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ lâu. Năm 2009, khi đang làm công việc cũ, Quân bỗng dưng thấy sức khoẻ của mình giảm sút một cách bất thường. Ban đầu Quân nghĩ có thể do mình cố quá nên sức khoẻ không đáp ứng được. Nhưng rồi tình trạng sức khoẻ cứ mỗi ngày một đi xuống trầm trọng hơn. Khi không thể trụ được nữa cậu đã quyết định đến bệnh viện khám. Tại đây, các bác sĩ thông báo cậu đang trong mình căn bệnh suy thận quái ác. 

Mọi thứ như suy sụp dưới chân chàng trai trẻ. Quân bảo, khi ấy cậu là chỗ dựa duy nhất của ông bà ngoại và anh trai. Bởi vậy, dù bị bệnh nhưng Quân không dám nói với gia đình. Cậu vẫn cố bám trụ lại công trường, đi làm thì buổi đực buổi cái. Có những hôm đang làm mà Quân đổ gục xuống, lịm đi. Dù vậy, Quân cũng không dám nhập viện. Một phần vì Quân sợ ông bà ngoại và anh trai lo lắng, phần nữa là cậu cũng không biết sẽ xoay tiền ở đâu. Chính vì không được chữa trị kịp thời nên căn bệnh suy thận trong người Quân mỗi ngày một nặng hơn. Nó tàn phá cơ thể, sức lực của chàng trai trẻ này một cách khủng khiếp. 

Năm 2011, sau 19 năm chống trọi với bệnh tật, anh trai Quân đã ra đi khi mới vừa tròn 22 tuổi. Không lâu sau đó, ông bà ngoại Quân cũng lần lượt ra đi. Chỉ còn lại một mình với nỗi đau quá lớn đã khiến tình trạng sức khoẻ của Quân ngày một chuyển biến xấu. Lúc này cơ thể Quân bị phù nề, đang từ chàng trai chỉ nặng có 60kg tăng lên 74kg khiến phần da lưng của cậu bị rạn từng mảng lớn. 

Mong ước của chàng trai bất hạnh

Mất hết người thân, Quân một mình lủi thủi vào ra trong căn nhà nhỏ. Mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh suy thận đang ở giai đoạn cuối khiến Quân thở chẳng ra hơi, cổ như có ai bóp nghẹt. Nhiều lần Quân tưởng mình đã không qua khỏi. Quân bảo: "Những lúc tưởng mình sẽ chết em luôn ao ước giá mà có một người thân nào bên cạnh để em ra đi khỏi tủi thân". Thế nhưng, ngay cả cái mơ ước nhỏ nhoi ấy cũng là quá khó khả thi với chàng trai bất hạnh này. "Nhiều lúc em chỉ sợ mình chết khô mà không ai biết thôi", Quân buồn bã nghĩ đến kết cục buồn của đời mình. 

Những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau sạch do chính tay Quân trồng.

Nói về căn nhà mình đang ở, Quân bảo: "Nói là nhà cho oai thôi chứ thực chất nó chỉ có hơn 2 chục mét vuông. Em tự mình xây căn nhà này trong hơn một tháng. Sau khi xây xong, em được một tổ chức từ thiện tặng tôn lạnh và xây tặng cho khu vệ sinh. Khoảng 3 năm đầu sau khi dọn ra đây ở, anh em em đã phải thắp đèn dầu mỗi đêm vì chưa kéo được điện". 

Khi được hỏi lý do vì sao anh em Quân đang sống cùng ông bà ngoại lại phải chuyển ra khu đất ruộng cất nhà thì Quân bảo: "Hồi đó ông bà ngoại em sống cùng cậu mợ. Cậu em lại mắc bệnh tâm thần nên mỗi khi lên cơn cậu thường chửi bới, đánh đuổi bọn em đi. Ông ngoại em thương nên bảo thôi cho miếng đất ruộng rồi dựng tạm căn lều hai anh em ở tạm". 

Có những lúc Quân quẫn trí, bởi thấy đời mình quá cay đắng. Cậu bảo có nhiều lần cũng chỉ muốn làm một liều thuốc ngủ để ngủ một giấc vĩnh hằng, đỡ phải đối mặt với những đau khổ, bệnh tật của hiện tại. Trong những lúc tuyệt vọng nhất, âm nhạc như là một sự cứu cánh. Quân đùa bảo: "Lạ lắm chị nhé, nhiều khi em thở còn không xong, nói nghe cũng chả rõ, thế mà nhạc nổi lên lại hát như chưa hề có bệnh tật".

Quân hát nhiều, hát như rút ruột rút gan. Nếu ai đó một lần được nghe chàng trai này hát bài "Gánh mẹ" sẽ cảm nhận được sự khát khao cháy bỏng có được tình yêu thương của mẹ. Cậu đã làm hẳn một MV bài "Gánh mẹ" và mơ ước ở nơi xa xôi nào đó mẹ có thể nghe được. 

Dù cuộc sống đã chạm đến tận cùng bất hạnh nhưng Quân vẫn luôn nghĩ đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, Quân tham gia vào một nhóm thiện nguyện. Quân cùng một số thành viên khác đi hát tại một số hàng quán để lấy tiền gây quỹ từ thiện. Quân cho biết việc hoạt động trong nhóm khiến cậu mạnh mẽ và lạc quan hơn trong cuộc sống. Hiện nhóm thiện nguyện Quân tham gia đang cưu mang cho một số trường hợp cụ già neo đơn và hai em nhỏ bị bố mẹ bỏ rơi.

Nói về căn bệnh của mình, Quân cho biết bản thân được các bác sĩ thông báo bệnh đang ở giai đoạn cuối và thời gian cũng còn không lâu nữa. Bác sĩ bảo vẫn có phương pháp để Quân kéo dài thêm sự sống, thậm chí chữa khỏi căn bệnh này bằng cách ghép thận nhưng với hoàn cảnh của cậu thì đó là việc "bất khả thi". 

Quân bảo, nếu chạy thận nhân tạo hoặc lọc dịch màng bụng thì Quân có thể kéo dài được sự sống, chi phí cũng rẻ hơn nhưng cậu lại không muốn. 

Chia tay Quân, tôi cứ bị ám ảnh vì những lời tâm sự của em: "Nếu cứ chạy thận thì mình cứ phải gắn bó từ giờ đến lúc chết với bệnh viện. Em muốn làm những gì mình thấy thoải mái nhất, tự do nhất. Nếu ông trời muốn em phải ra đi sớm em cũng đã sẵn sàng cho điều đó từ lâu rồi. Vậy nên em sẽ cố gắng sống thật tốt những ngày cuối cùng của mình". Và tôi mong rằng qua bài báo này, sẽ có những “Mạnh Thường Quân”, các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn với Quân để em có cơ hội kéo dài thêm sự sống. 

Phong Anh
.
.
.